Như Dân Việt đưa tin, trước đó, tối 26/3, Công an thành phố Cần Thơ đã bắt giữ Trần Công Xuân (SN 1969, ngụ khu vực Thới Thuận 2, phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).
Sau đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã khởi tố vụ án hình sự và đang trong quá trình điều tra. Nguyễn Quốc Tài Nguyên (SN 2000) và Hồ Thanh Hải (SN 1988, cùng ngụ quận Thốt Nốt) được xác định là nghi can trong vụ án. Hiện cơ quan cảnh sát điều tra đã bắt tạm giam Hải, còn Nguyên đang chấp hành án tù giam về tội cố ý gây thương tích trong một vụ án khác.
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, việc nhà của trưởng Công an quận Thốt Nốt bị đốt không những gây ra thiệt hại về mặt vật chất, sức khỏe, tinh thần mà còn gây ra sự lo lắng, xôn xao và tâm lý lo sợ đối với người dân.
Qua sự việc này, cơ quan chức năng, cơ quan điều tra cần làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trả lại trật tự bình yên cho địa phương.
Có thể bị phạt tù
Đối với nghi can Xuân, người đã bị cơ quan điều tra tạm giữ vì nghi là chủ mưu thực hiện hành vi đốt nhà nêu trên. Trường hợp có căn cứ xác minh hành vi nêu trên là do Xuân thực hiện có thể sẽ bị khởi tố về tội "Cố ý hủy hoại tài sản người khác" theo Điều 178 Bộ Luật hình sự 2015. Với tội danh này, mức phạt thấp nhất là phạt tù 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù.
"Nếu giá trị tài sản bị hủy hoại càng lớn thì mức hình phạt cũng sẽ tăng nặng hơn. Mức hình phạt cao nhất có thể lên tới 20 năm tù. Trường hợp nghi can Xuân biết thời điểm thực hiện hành vi đốt nhà có người, Xuân vẫn cố ý thực hiện hành vi thì có dấu hiệu của tội giết người. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải có các căn cứ để chứng minh mục đích phạm tội, nhận thức, kế hoạch, hành vi cụ thể... đối với tội danh này", luật sư Hoàng Tùng thông tin.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về "Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" cụ thể như sau:
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm,
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Vui lòng nhập nội dung bình luận.