Không nên cấm những tấm lòng hướng về Đại lễ

Thứ năm, ngày 01/04/2010 10:58 AM (GMT+7)
NTNN - Xung quanh hiện tượng một số công trình, hoạt động “ăn theo” Đại lễ 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội, hôm qua NTNN đã phỏng vấn Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị.
Bình luận 0

img
"Con đường gốm sư" - một công trình chào mừng Đại lễ 1000 năm.

Đến thời điểm này có bao nhiêu công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã hoàn thành, thưa ông? 

- Trong số 34 công trình đã phê duyệt phải hoàn thành để kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có sử dụng vốn ngân sách của thành phố, đã có 8 công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 18 công trình sẽ khánh thành trước ngày 10-10-2010 để kịp chào mừng Đại lễ.

8 công trình còn lại thì 7 công trình sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2010, chỉ duy nhất có một công trình không thể hoàn thành được do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến loạt bài về Dự án lưu giữ 1.000 hiện vật Gửi tới mai sau (Báo NTNN đã thông tin trên số 59-60/2010), Bí thư Phạm Quang Nghị khẳng định, Hà Nội sẽ không xây dựng Khu lưu giữ 1.000 hiện vật bởi dự án này thiếu tính khả thi.  Ý tưởng này chỉ do cá nhân đưa ra và không có tính khả thi nên thành phố sẽ không thực hiện.  "Tôi đã nghe báo cáo về  dự án lưu giữ 1.000 hiện vật tiêu biểu gửi tới ngàn năm sau nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, song Hà Nội chỉ được đóng góp một hiện vật đặc trưng thì quá ít ỏi. Ngoài ra, biết chọn những vật gì để gửi tới cho thế hệ mai sau" -  ông Nghị bày tỏ. 

Đa số các dự án kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đều bị chậm tiến độ so với dự kiến, nguyên nhân do đâu?

- Đúng là có một số công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội đã bị chậm tiến độ so với dự kiến ban đầu. Cụ thể, một số công trình chậm tiến độ do năng lực triển khai nhiệm vụ của chủ đầu tư còn yếu, khâu giải phóng mặt bằng còn vướng mắc về đền bù và đặc biệt là có một số UBND quận, huyện chưa thực sự vào cuộc quyết liệt mà vẫn thờ ơ, phó mặc cho chủ đầu tư.

Một số công trình đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao, chủ đầu tư chưa có kinh nghiệm, chậm đề xuất và kiến nghị những khó khăn vướng mắc để  kịp thời tháo gỡ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số công trình văn hóa phi vật thể được triển khai đúng tiến độ. Hồ sơ đề nghị công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản Văn hóa thế giới đã được UNESCO thông qua vòng 1, chuyên gia ICOMOS đã thẩm định hồ sơ thông qua vòng 2, hiện đang chuẩn bị nội dung liên quan để thông qua vòng 3 vào tháng 6-2010.

Bia đá các Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản Tư liệu thế giới, hồ sơ đề nghị công nhận Lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đã hoàn thành và gửi UNESCO...

Dư luận cho rằng, một số công trình kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tính phô trương hình thức, không thiết thực cho đời sống an sinh xã hội gây lãng phí ngân sách, ông nghĩ sao về điều này?

- Trước tiên phải phân định rạch ròi giữa các công trình kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội có sử dụng vốn ngân sách của nhà nước với công trình kỷ niệm sử dụng vốn của các tổ chức, cá nhân trên cả nước.

Tôi xin khẳng định, cả 34 công trình được đầu tư gần 2.900 tỷ đồng vốn ngân sách thành phố đều là những công trình thiết thực, chứ không phải là mang tính phô trương lễ nghi, khánh tiết.

Còn những công trình sử dụng vốn của các tổ chức, cá nhân trên cả nước như bức thêu của các nghệ nhân XQ Đà Lạt, tấm tranh thêu của các nghệ nhân Ninh Bình... là tấm lòng của con dân nước Việt tưởng nhớ đến ông cha, chúng ta không thể coi đó là sự lãng phí.

Cũng sáng qua 31-3, ông Phạm Quang Long - Giám đốc Sở TT-VH&DL đã nhận khuyết điểm trong khâu tổ chức thực hiện Dự án lưu giữ 1.000 kỷ vật. Ông Long thừa nhận Dự án này chưa được sự phê duyệt của lãnh đạo UBND thành phố, song đã được Sở triển khai là khuyết điểm của những người thực hiện, dù ý tưởng đưa ra tương đối tốt.

Cụ thể như quyết định chi tiền ngân sách để sơn lại nhà mặt phố của 75 tuyến phố chính, có nhiều người tỏ ra hoài nghi tác dụng cụ thể của nó. Quan điểm của ông thế nào?

- Theo tôi, dự án chỉnh trang đô thị, sơn lại 75 tuyến phố chính là để tạo bộ mặt khang trang sạch đẹp cho Thủ đô khi đón khách quốc tế đến tham dự Đại lễ kỷ niệm 1.000 Thăng Long – Hà Nội. Đây không phải là sự xa hoa hào nhoáng bên ngoài mà nó là bộ mặt văn minh đô thị.

Chúng ta có quyền hãnh diện với bạn bè quốc tế về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng không phải với bộ mặt lem luốc mà phải với diện mạo chỉnh tề, đĩnh đạc xứng tầm Thủ đô. Trước mắt, để có thể triển khai đồng bộ, tránh lem nhem chỗ sơn, chỗ không sơn, thành phố sẽ đầu tư trước kinh phí để thực hiện dự án, sau đó sẽ thu hồi.

Gần đây, công trình xây dựng khu lưu niệm 1.000 hiện vật “Gửi tới mai sau” do Sở VH-TT&DL khởi xướng và đề xuất đã gặp phải sự phản ứng của nhiều giới, chủ trương của thành phố trong việc này ra sao?

- Đó là công trình do Sở VH-TT&DL đề xuất, chưa được bất cứ cấp thẩm quyền nào của thành phố thông qua. Bản thân tôi biết việc này khi báo chí lên tiếng và đã gọi điện thoại nhắc nhở và yêu cầu đồng chí Giám đốc Sở rút kinh nghiệm. Cho đến giờ phút này, tôi xin khẳng định sẽ không có một công trình nào như thế được tiếp tục tiến hành xây dựng nữa.

Có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội để gắn cho sản phẩm của mình khiến mất đi phần nào vẻ tôn nghiêm của Đại lễ, ông có biết chuyện này hay không?

- Xin khẳng định ngay là thành phố chưa có bất kỳ văn bản nào đặt hàng sản phẩm của một doanh nghiệp nào đó để dùng trong Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Những trường hợp mạo danh nếu kiểm tra thấy sẽ kiên quyết xử lý.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thấy một điều là với tấm lòng hướng về cội nguồn, một số doanh nghiệp cũng muốn dùng sản phẩm của mình để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm, điều đó rất quý chứ không hề sai. Chúng ta không nên cấm tấm lòng con dân nước Việt hướng về Đại lễ.

Xin cảm ơn ông!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem