Chưa đồng tình với ý kiến của ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) và Nguyễn Hữu Nhơn (Đồng Tháp), rằng HTX là một loại hình liên hiệp lại của những người yếu thế, người nghèo, ĐB Đặng Như Lợi (Cà Mau) cho rằng không nên xác định như vậy, bởi trên thực tế có rất nhiều HTX hoạt động kinh doanh rất phát triển và có sự tham gia tự nguyện của các cá nhân thuộc nhiều thành phần, nhằm phát huy thế mạnh nguồn lực của nhau trong phát triển sản xuất kinh doanh.
|
Sản xuất miến dong tại một hợp tác xã thủ công ở Hà Nội |
Hiện dự thảo Luật quy định: "HTX, liên hiệp HTX có quyền cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên trên cơ sở bảo đảm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên. Việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ cho thị trường bên ngoài cộng đồng thành viên do điều lệ HTX, liên hiệp HTX quy định, nhưng tối đa không quá 40% tổng giá trị sản phẩm, dịch vụ của HTX, liên hiệp HTX".
>> Sáng cùng ngày, Quốc hội đã thảo luận về Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi.
Tuy nhiên ĐB Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) cho rằng, việc quy định như vậy đã trực tiếp hạn chế hoạt động của HTX, không phù hợp với thực tế và xu thế phát triển chung, thậm chí còn có tính chất gò ép các thành viên HTX, các HTX quay trở lại lối làm ăn cũ. Đồng tình với ý kiến này, ĐB Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) khẳng định: "Các thành viên HTX đã tiêu thụ sản phẩm tiêu thụ thì càng rộng càng tốt. Không ai lại giới hạn chỉ được 40% ra bên ngoài, còn 60% để lại. Chúng ta kinh doanh mà hạn chế thị trường thì đâu còn gọi là kinh doanh nữa".
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đăk Lăk) cho rằng phát triển HTX nhanh, mạnh trong bối cảnh hội nhập cũng cần tính đến việc nâng cao chất lượng các HTX, đặc biệt là đối với nông dân. Theo ông Dũng, các HTX nên thuê những nhà khoa học, người có kinh nghiệm hay những nhà kinh tế đứng ra chỉ huy công việc làm ăn thì mới thúc đẩy được dịch vụ.
Linh An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.