Khủng hoảng Ukraine: Nga đối mặt với nhiều nguy cơ mới

Phương Đăng (theo Yahoo Finance) Thứ năm, ngày 24/02/2022 09:08 AM (GMT+7)
Những động thái mới nhất của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine có thể khiến nước này bị cô lập hơn với phần còn lại của thế giới. Điều này có thể gây ra những tác động xấu đến nền kinh tế nước này, Greg Valliere, Giám đốc chiến lược chính sách người Mỹ bình luận.
Bình luận 0
Khủng hoảng Ukraine: Chiến lược gia nhận định Nga "sẽ bị cô lập hơn bao giờ hết" - Ảnh 1.

Tổng thống Putin công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine hôm 21/2 khiến Nga hứng chịu một loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và đồng minh. Ảnh Reuters.

"Họ sẽ bị cô lập hơn bao giờ hết. Nhiều quốc gia sẽ không thể và không muốn thực hiện các giao dịch với họ", ông Greg Valliere, Giám đốc chiến lược chính sách Mỹ của AGF - một công ty quản lý đầu tư có trụ sở tại Canada bình luận trên kênh tài chính của Yahoo Live. Ông cho rằng sự cô lập sẽ gắn với Nga trong một thời gian khá dài.

Hôm thứ Hai 21/2, Tổng thống Vladimir Putin đã công nhận độc lập cho 2 vùng ly khai ở Đông Ukraine và yêu cầu quân đội Nga triển khai "lực lượng gìn giữ hòa bình" tới đây.

Động thái này bị phương Tây coi là một hành động khiêu khích và khiến Nga phải hứng chịu thêm hàng loạt các lệnh trừng phạt từ các nước như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Canada...

Mỹ và các đồng minh cảnh báo có thể thực hiện thêm các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, gia tăng áp lực lên nền kinh tế nước này nếu Tổng thống Putin tiến xa hơn.

"Tôi cho rằng phần lớn châu Âu sẽ tiếp tục nhìn ông Putin với sự lo lắng nghiêm trọng", ông Valliere bình luận thêm.

Trong khi đó, giải thích về những tác động của các lệnh trừng phạt mà Mỹ và đồng minh áp đặt lên Nga, Keith Lerner, Giám đốc đầu tư của Truist Advisory Service - một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ nhận định: "Suy thoái kinh tế toàn cầu có thể được kiềm chế nếu các lệnh trừng phạt tiếp theo đối với hàng hóa và dịch vụ giao dịch từ Nga vẫn ở mức hạn chế. Nga là nước xuất khẩu năng lượng và kim loại công nghiệp lớn như bạch kim, palađi, titan, niken và nhôm cũng như các loại ngũ cốc".

"Tuy nhiên, bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với những mặt hàng và sản phẩm nêu trên có thể sẽ dẫn đến áp lực lạm phát gia tăng trên nhiều thị trường, nơi lạm phát đã ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ", ông Lerner nói thêm.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 22/2 đã công bố đợt trừng phạt đầu tiên, áp dụng với giới tinh hoa Nga, ngân hàng VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank, loại họ khỏi hệ thống ngân hàng Mỹ, cấm giao dịch với người Mỹ và đóng băng tài sản của họ tại Mỹ. Ông cũng áp trừng phạt lên nợ chính phủ của Nga, nghĩa là chính phủ Nga không thể tiếp cận nguồn tài chính phương Tây.

Ngoài Mỹ, một số nước khác cũng áp trừng phạt với Nga như Canada, Nhật Bản, Australia, Anh và Liên minh châu Âu (EU).

Những lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Putin công nhận độc lập của 2 vùng ly khai Donetsk và Lugansk ở miền đông Ukraine hôm 21/2.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem