Kỳ nghỉ ngập rác và ý thức người Việt

Nguyễn Tiến Tường Thứ năm, ngày 05/05/2016 06:30 AM (GMT+7)
Đến hẹn lại lên, có hội hè là có rác, có vui chơi là có rác. Rác, như một đặc điểm nhận diện của người Việt vậy.
Bình luận 0

Rác! Công viên Yên Sở rộng nhất nước với diện tích 320 héc ta bị rác phủ kín. Những bãi biển từ Quất Lâm, Giao Thủy, Hải Tiến vào đến Nha Trang, Vũng Tàu dài hàng cây số ngập ngụa rác. Chợ đêm Đà Lạt chìm trong rác. Ngay cả huyện đảo Lý Sơn cũng bị rác bủa vây. Rác thành những dòng tin lèn chặt trang chủ các tờ báo, phơi bày sự xấu hổ, phơi bày một thực trạng: Ý thức người Việt sắp tuyệt chủng!

Sắp, chưa phải là đã. Vì vẫn còn những người lao công lầm lũi, nhọc nhằn thu gom từng mảnh giấy, từng bịch ni lông mà hàng nghìn, hàng vạn đồng bào vứt xả ngay trước mắt mình. Vẫn còn nhiều nhà hoạt động môi trường, đôi khi phải gào thét đau đớn nhìn đồng bào mình hủy hoại môi trường sống. Tuy nhiên, họ quá ít và lạc lõng giữa số đông ngờ nghệch, hoang dại. Ý thức công cộng của một bộ phận người Việt, tôi xin lỗi không có tính từ nào khác ngoài hai chữ “man rợ”.

Đã có thời, người ta đổ lỗi cho nghèo khó, cho sự thiếu thốn vật chất để bào chữa cho hành vi của mình. Tuy nhiên, sự phát triển ngày hôm nay, càng chứng minh đó chỉ là bạo biện. Những chú chim cánh cụt ngoác miệng xin rác ở công viên luôn “đói” trong khi rác chồng chất dưới chân. Dòng chữ “xin hãy bỏ rác vào thùng” luôn bị rác che phủ. Nhà hàng quán ăn, những giỏ đựng rác luôn trống vắng trong khi giấy ăn và rác thải ngập ngụa xung quanh. Vì sao vậy? Vì người Việt biếng lười ngay cả vài bước chân, những cái vươn tay hoặc khom lưng.

img

Rác ngập trắng công viên Yên Sở (Hà Nội) trong kỷ nghỉ lễ 30.4.

Ở khách sạn năm sao hoặc nơi giải trí sang trọng. Những con người ăn mặc là luợt, quý phái lịch lãm vẫn cứ xả rác nơi đâu họ muốn, vẫn thượng thẳng giày dép lên bàn cầu, bất chấp sự đau khổ của người đi sau. Cơn đói khát lòng tự trọng như một vết dầu loang được “kế thừa”, khuếch tán. Sự thiếu ý thức lan tràn trong đám đông, trở thành một lực lượng, triệt tiêu luôn ý chí của những người còn lại, khiến họ cũng trở nên dễ dãi, mất kiên định. Dần dà, cái xấu lại trở thành… chuẩn mực.

Lại đã có lúc, người ta đổ lỗi cho dân trí. Xin thưa không phải! Người Việt bây giờ là một thế hệ mới, năng động, tri thức. Họ, với khối óc và tâm huyết của mình, sẵn sàng lên facebook lập ngôn, diễn thuyết, đóng góp về vấn đề di cư châu Âu, về hòa bình thế giới. Thế nhưng, đau lòng là một số không nhỏ trong những nhà diễn thuyết ấy lại sẵn sàng ném xác chuột sang nhà hàng xóm, ném xác chó mèo hoặc rác ra giữa đường để “nhờ” xe cán và một trận mưa cuốn phăng đi. Đó là một sự ích kỷ đến cùng tận. Miễn sao đẩy xú uế ra xa mình, còn ai nhận lãnh thì không quan tâm.

Khi vị giám đốc đối ngoại Formosa lạnh lùng tuyên bố “chọn thép hay cá”, làn sóng căm phẫn lan rộng trên facebook. Triệu triệu con người chung một ý thức bảo vệ biển, bảo vệ thiên nhiên. Nhưng băng rôn, khẩu hiệu, tuyên ngôn diễn xướng dồn dập. Tuy nhiên, bẽ bàng thay, rất có thể một số ngay trong những người ấy, khi rời bàn phím đi nghỉ mát trong kỳ nghỉ lễ 30.4 vừa qua lại ra tay bức hại biển, tàn sát môi trường bằng “cái chết túi nilon”.

“Túi nilon thải ra môi trường phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân huỷ hoàn toàn. Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi nilon lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi nilon sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khoẻ con người,  ảnh hưởng tuyến nội tiết, gây ung thư, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hoá và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ…”

Một facebooker bất kỳ chỉ cần một cú gõ google có thể thuộc làu điều này. Đáng tiếc, hầu hết thời gian trên mạng có lẽ đã được dùng để tuyên ngôn, để thể hiện mất rồi. Đến khi ra thực tế, có nhiều “nhà hoạt động” lại hiện nguyên hình là những cá nhân thiếu hiểu biết, lười biếng, thiếu tự trọng.

Bất chấp các nỗ lực, những tiếng kêu gào, số đông ấy vẫn “man rợ” như thường. Đến hẹn lại lên, có hội hè là có rác, có vui chơi là có rác. Rác, như một đặc điểm nhận diện của người Việt vậy. Chúng ta không bao giờ cố hiểu rằng, hạn hán tại Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, bệnh ung thư tăng cao khắp nước, rất có thể là hậu quả của những hành vi nhỏ tích tụ của ngày hôm qua. Trong tương lai gần, khi biến đổi khí hậu đang hiện hiện rõ nét trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ còn nhận lãnh những gì từ hành vi của mình?

img

Bãi biển ngập ngụa rác thải từ du khách.

Khi người nông dân Nhật Bản đối xử nhân ái với thiên nhiên bằng cách chỉ thu hoạch 97% hoa màu của mình, để dành phần cho chim chóc muông thú. Khi Bhutan, một quốc gia bé và nghèo khổ nỗ lực cấm thuốc lá trên phạm vi toàn quốc. Thì người Việt, còn bận lên mạng cãi nhau xem xả rác thoải mái do không có thùng đựng rác là đúng hay sai. Ý thức cộng đồng đã thành khái niệm xa xỉ mất rồi. Bất cứ một dân tộc nào lạm phát “anh hùng bàn phím” và đói khát ý thức văn minh, chắc chắn sẽ phụ thuộc vào giá trị ảo và chậm chạp hơn với phần còn lại của thế giới.

Lại nói, ý thức người Việt sắp tuyệt chủng mất rồi. Mà ý thức, không phải là thứ hữu hình để có thể mang vào sách đỏ để bảo tồn. Làm gì để vực dậy ý thức của người Việt? Đó là một câu hỏi day dứt mà bản thân mỗi con người phải tự trả lời mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem