Làm sao không bị say nắng?

Thứ hai, ngày 19/04/2010 08:31 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà nông là những người phải làm việc ngoài nắng liên tục. Đó là lý do tại sao không thiếu người đột qụy vào giờ Ngọ, hay cuối ngày làm việc, khi nạn nhân đằng nào cũng đuối sức.
Bình luận 0
img
Dang nắng quá mức dễ làm người nông dân bị đột qụy.

Đừng quá liều thì tốt

Cho dù chúng ta có ăn mặc kín mít chẳng kém ninja thì vẫn chạy trời không khỏi nắng vì có né được tia tử ngoại cũng không tránh được nhiệt độ.

Riêng với nhà nông, nếp sinh hoạt không chỉ gắn liền với trời nắng mà quan trọng hơn nhiều với khoảng thời gian dài dang nắng. Nhà nông trước mắt không phải lo chuyện thiếu sinh tố D vì chất này được tổng hợp khi có đủ ánh sáng mặt trời.

Nói cách khác, xác suất loãng xương, nhất là ở phụ nữ đã vào tuổi mãn kinh thường thấp hơn cư dân thành phố nhờ vừa vận động nhiều nên canxi được ký gửi nhanh hơn ở mô xương, vừa không thiếu sinh tố D nên cơ thể dễ tổng hợp collagen để dán chất vôi vào xương.

Đừng quên là các nhà nghiên cứu gần đây đã phát hiện vai trò phòng chống ung thư của sinh tố D. Bao nhiêu đó thôi cũng đủ cho thấy phơi nắng, nếu đừng quá liều, là đúng điệu bảo vệ sức khỏe.

Nhưng không ai chỉ làm việc ngoài đồng có nửa giờ mỗi ngày, thế nên tình trạng say nắng, đột quỵ thường dễ xảy ra ở đối tượng: Cao huyết áp hoặc huyết áp thấp; ăn quá no hay ngược lại quá đói trước khi ra sân; đổ mồ hôi quá nhiều nhưng không uống nước; cơ tạng thiếu canxi lại gặp lúc cảm cúm hay bệnh tiểu đường, bệnh tuyến giáp không được điều trị đến nơi đến chốn. Đột qụy do nắng cũng thường xảy ra với những bệnh nhân tiểu năng mạch vành chưa được phát hiện hoặc phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, đang dùng thuốc an thần, trấn kinh, giảm đau…

Cần tuân thủ nguyên tắc

Trong mọi trường hợp, người đột qụy sau đó cần đến thầy thuốc để xem có bệnh gì nghiêm trọng núp bóng phía sau lần đột qụy. Đừng xem đó như chuyện xui xẻo thỉnh thoảng trời kêu ai nấy dạ.

Tuy đa số trường hợp đột qụy không đến nỗi nghiêm trọng nhưng đừng quên một tỷ lệ trong số đó, dù rất thấp, là hậu quả của nhồi máu cơ tim! Do đó, nông dân cần được y tế địa phương hướng dẫn một số thao tác sơ cứu như đưa vào bóng mát, nằm đầu thấp chân cao, hạ nhiệt…

Bên cạnh đó, cẩn tắc vô áy náy, nên lưu ý một số điểm quan trọng như sau: Đừng ra nắng hay tiếp tục làm việc nếu bất ngờ có cảm giác khó chịu khó tả; Ngưng việc ngay tức khắc nếu có cảm giác đau nhói ngực lan ra cánh tay trái; Vào bóng mát ngồi nghỉ nếu có cảm giác hoa mắt, chóng mặt, lạnh tay chân, đói run vì rất có thể do hạ đường huyết, hạ huyết áp hay hạ canxi; Tạm nghỉ vài ngày và đến ngay thầy thuốc nếu ghi nhận cảm giác tối đen dù chỉ thoáng qua không đầy một giây trong lúc dang nắng; Khám sức khỏe định kỳ thay vì ỷ y theo kiểu “sức mấy mà bệnh”.

Ngoài ra, cũng đừng quên những lưu ý sau đây: Nếu có bệnh phải uống đủ thuốc hạ áp, hạ đường huyết trước khi ra sân; Không bao giờ ra đồng với bụng đói. Quá no cũng không tốt nhưng dù sao ít ai đột qụy vì ăn quá nhiều.

Nên uống viên thuốc canxi và manhê trước khi ra đồng nếu trước đây đã có lần hạ canxi, tốt nhất là pha thuốc trong chai nước lớn rồi uống rỉ rả trong lúc dang nắng. Đừng đợi khát mới uống, nếu được ly nước lớn trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng càng tốt.

Với ánh nắng mặt trời và sức khỏe cũng thế. Thiếu không xong nhưng nhiều khi thừa cũng kẹt. Khó chỉ ở chỗ nhiều khi khó tránh hoặc thiếu hoặc thừa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem