Liên Hợp Quốc tuyên bố: "Bây giờ hoặc không bao giờ"

Lê Phương (Aljazeera) Thứ ba, ngày 05/04/2022 13:06 PM (GMT+7)
Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng chính sách của các quốc gia đang khiến hành tinh này tăng nhiệt độ quá mức và kêu gọi ngừng khẩn cấp việc gia tăng khí thải.
Bình luận 0
Liên Hợp Quốc tuyên bố: "Bây giờ hoặc không bao giờ" - Ảnh 1.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc cho biết cần kiểm soát lượng phát thải khí nhà kính trước khi quá muộn. Ảnh: AFP

Theo báo cáo mới của Liên Hợp Quốc về ngăn chặn sự nóng lên toàn cầu và đảm bảo một "tương lai có thể sống được", nhân loại chỉ còn chưa đầy 3 năm để ngăn chặn sự gia tăng của lượng khí thải carbon đang làm nóng hành tinh và chưa đầy một thập kỷ để cắt giảm chúng đi một nửa.

Nhiệm vụ vốn đã rất khó khăn, nhưng chính sách của các quốc gia hiện tại đang khiến hành tinh tăng nhiệt độ một cách chóng mặt, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cho biết hôm 4/4.

Bất chấp những cảnh báo về biến đổi khí hậu được IPCC đưa ra từ năm 1990, lượng khí thải toàn cầu vẫn tiếp tục tăng trong thập kỷ qua, đạt mức cao nhất trong lịch sử.

Lượng khí thải toàn cầu hiện đang trên đà vượt qua giới hạn 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris năm 2015 và dự kiến đạt khoảng 3,2 độ C vào cuối thế kỷ này.

Trong báo cáo dài 2.800 trang, IPCC cho biết các quốc gia cần thực hiện những biện pháp như cắt giảm mạnh việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trồng thêm rừng và ăn ít thịt hơn.

Trong những tháng gần đây, IPCC đã công bố hai phần đầu tiên trong bộ ba bài đánh giá khoa học về cách thức mà phát thải khí nhà kính làm nóng hành tinh và điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với sự sống trên Trái đất.

Theo nghiên cứu, từ nay cho đến 2025, chúng ta không được tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính để có hy vọng duy trì các mục tiêu của thỏa thuận Paris: Chỉ cao hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngoài ra, báo cáo cho biết lượng khí thải carbon cần giảm 43% vào năm 2030 và 84% vào giữa thế kỷ này để đáp ứng mục tiêu tham vọng hơn của Paris là mức tăng 1,5 độ C.

Jim Skea, giáo sư tại Đại học Imperial College London và là đồng chủ tịch của nhóm làm việc đằng sau báo cáo cho biết: "Cần hành động bây giờ hoặc không bao giờ, nếu chúng ta thực sự muốn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Nếu không cắt giảm phát thải ngay lập tức trên tất cả các lĩnh vực thì sẽ không thể thực hiện được".

Thậm chí việc cắt giảm lượng khí thải cũng là không đủ, IPCC cho biết. Các công nghệ hút CO2 ra khỏi khí quyển sẽ cần được phát triển mạnh mẽ.

IPCC cho biết mục tiêu 1,5 độ C hiện đang ở mức "ngoài tầm với", ngay cả với những cam kết cập nhật nhất về khí hậu toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng để đạt được mục tiêu đó, thế giới phải giảm triệt để nhiên liệu hóa thạch.

IPCC cho biết các quốc gia nên ngừng đốt than hoàn toàn và cắt giảm 60% và 70% lượng dầu khí sử dụng.

IPCC cũng cảnh báo rằng cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch hiện tại, nếu được sử dụng đến hết tuổi thọ dự kiến mà không thu được lượng khí thải carbon, sẽ không thể hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

IPCC nói thêm các cá nhân cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn. Việc cắt giảm các chuyến bay đường dài, chuyển sang chế độ ăn dựa trên thực vật, xây dựng các tòa nhà chống chịu khí hậu là một số cách để cắt giảm mức tiêu thụ, từ đó giảm lượng phát thải khí nhà kính từ 40 đến 70% vào năm 2050.

Báo cáo cho biết: "Việc giảm nhu cầu trong mọi lĩnh vực có thể giúp giảm phát thải khí nhà kính", chẳng hạn các lĩnh vực như xây dựng, tiêu thụ thực phẩm và vận tải.

Với việc chiến sự ở Ukraine đang thúc đẩy các nỗ lực khẩn cấp của một số nước phương Tây nhằm chuyển đổi nhu cầu dầu khí, các nhà quan sát cho rằng báo cáo này nên tập trung vào các cam kết về khí hậu của các quốc gia.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem