Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng””

Huy Hoàng Thứ sáu, ngày 11/03/2022 16:55 PM (GMT+7)
Đó là lời chia sẻ của PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trong vấn đề mở cửa du lịch như thế nào để thu hút, tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam. Đặc biệt trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được đảm bảo an toàn.
Bình luận 0

Mở cửa du lịch: Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch

Ngày 11/3 tại diễn đàn mở cửa du lịch - "Luồng xanh cho du lịch cất cánh" do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức đã có rất nhiều tham luận, ý kiến được trình bày về những vướng mắc, khó khăn, giải pháp khi chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày Việt Nam chính thức mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, 15/3. Tuy nhiên cho tới thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều khó khăn và thách thức cho những người làm du lịch.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 1.

PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp

Chia sẻ về ý kiến của mình trong khuôn khổ phòng chống dịch đối với du khách, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết: "Thực tế, số ca mắc Covid-19 của cả nước ghi nhận là 4.059.262, chủ yếu trong nước, 63/63 tỉnh/thành phố có dịch nhưng nguy cơ dịch, tỷ lệ mắc và tử vong và tỷ lệ tiêm khác nhau. Do đó có thể căn cứ để mở cửa du lịch khép kín theo từng địa phương.

Tôi cho rằng, chúng ta nới lỏng nhưng không buông lỏng. Chúng ta mở cửa an toàn, có mở cửa mới có khách du lịch.

Bên cạnh đó, theo tôi, chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin để thông tin xuyên suốt giữa các tour, thông tin về ca bệnh, phòng dịch bệnh trong du lịch.

Ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương. Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. 

Cần mở cửa đồng bộ nhưng phòng bệnh cũng phải đồng bộ. Chỉ đạo hướng dẫn đồng bộ nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm".

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 2.

ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines

ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng Ban Kế hoạch và Phát triển của Vietnam Airlines thì chia sẻ: "Hiện nay quy định nới lỏng điều kiện nhập cảnh và cách ly cho khách du lịch quốc tế chưa được ban hành; chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, thu hút khách. 

Khách Việt Nam sang nước ngoài cần có xét nghiệm âm tính khi trở lại Việt Nam khiến không ít du khách có tâm lý lo ngại. Hay khách nước ngoài đến Việt Nam thì băn khoăn họ sẽ chữa trị ở lại Việt Nam như thế nào, chi phí nếu họ dương tính. "Điều này rất khó kích thích, thu hút khách du lịch. Nếu chúng ta mở cửa , xác định du lịch là ngành mũi nhọn, là cơ hội để Việt Nam mở cửa phát triển kinh tế sau đại dịch, chúng tôi kiến nghị có các quy định thông thoáng hơn về vấn đề này"

Theo ông Nguyễn Quang Trung, đánh giá phân khúc thị trường khách du lịch được dự báo phục hồi nhanh hơn các đối tượng khách hàng không khác; du lịch nội địa và quốc tế khách du lịch và thăm thân phục hồi nhanh nhất trước cả khách công vụ. Ở thị trường Việt Nam trước đại dịch, 70% khách vận tải quốc tế là khách du lịch và nội địa là 30% khách du lịch. 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không.

Trong 9 tuần đầu 2022, tổng số khách trên nhóm đường bay du lịch tăng 8,6% so 2019, tốc độ phục hồi cao hơn 23 điểm so với các nhóm đường bay còn lại. Ở thị trường nội địa, du lịch đang là cứu cánh cho ngành hàng không.

"Hãng hàng không Vietnam Airlines, đã chủ động phối hợp với các đối tác triển khai các chương trình đi đến Việt Nam. Đặc biệt với thị trường nội địa, đường bay số chuyến bay đều cao hơn so với trước đại dịch. Cụ thể, số chuyến bay cao hơn 20% với 54-55 đường bay nội địa so với mức 44-45 chuyến bay, số lượng chuyến bay đang khai thác trung bình cả năm nay sẽ cao hơn thời điểm năm 2019 khoảng 10%.

Với đường bay quốc tế, hoạt động khai thác sẽ mở lại hầu hết các đường bay đã khai thác trước đây, trừ các đường bay đến Trung Quốc bởi chính sách đóng cửa của quốc gia này. Số lượng chuyến bay sẽ quay về mức 60-65% so với trước đại dịch"

Tuy nhiên trái ngược với tín hiệu khởi sắc của ngành hàng không thì các cơ sở lưu trú dường như lại trong tình trạng bi đát hơn, cụ thể theo bà Lê Mai Khanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn Việt Nam, cho đến nay, trao đổi tại nhiều địa phương, số lượng cơ sở lưu trú chỉ mở khoảng 50-70% và còn lại vẫn trong tình trạng đóng cừa. Bên cạnh đó, công suất hoạt động của các cơ sở lưu trú nhìn chung vẫn còn thấp và hạn chế.

Chưa kể, thời gian vừa qua, lực lượng lao động tại các cơ sở lưu trú có tỷ lệ nghỉ việc tương đối cao, có thời điểm lên đến 80%. Khi mở cửa trở lại, số lượng lao động quay lại làm việc thấp dẫn tình trạng phải làm việc luân phiên, đổi ca…

Bà Lê Mai Khánh cho rằng, mặc dù chính sách mở cửa du lịch nội địa và chính sách mở cửa du lịch quốc tế được triển khai đã tạo thêm nhiều kỳ vọng cho các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú nhưng lượng khách thực tế vẫn còn rất ít. Để khách quốc tế vào Việt Nam nhanh hơn, cũng như khách nội địa phát triển mạnh hơn, vẫn cần tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch vào Việt Nam.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 3.

Du khách xem chương trình tại đảo Vin Nam Hội An vào tháng 12/2021. Ảnh: Huy Hoàng

Mở cửa du lịch: Tiếp tục đề xuất miễn visa, thị thực trước năm 2020.

Rất nhiều chuyên gia du lịch, các hiệp hội hàng không, Hiệp hội khách sạn, Hiệp hội du lịch Việt Nam cho rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất cho việc đón khách quốc tế là miễn visa, thị thực.

Cụ thể theo bà Lê Mai Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội khách sạn, đề xuất, bên cạnh những nước được miễn visa song phương và đơn phương, các cơ quan có thể nghiên cứu mở rộng thêm với các thị trường trọng điểm của Việt Nam. Thời hạn visa với một số nước có thời hạn 15 ngày, có thể kéo dài thêm thành 30 ngày.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 4.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho biết: "Chúng tôi đề nghị một điều rất đơn giản, là hãy triển khai các chế độ visa của Việt Nam như trước năm 2020, những nước nào miễn visa song phương thì tiếp tục miễn, nước nào miễn đơn phương cũng vẫn cứ miễn. Trong khi chúng ta cần khôi phục mà lại đưa ra chính sách khó hơn cả trước thì rất khó để hồi phục.

Trong thực tế, tất cả các nước hiện nay họ không làm như thế, ví dụ Indonesia miễn visa cho 157 nước, các nước khác như Thái Lan, Singapore, Malaysia đều miễn nhiều hơn. Chúng tôi không có đòi hỏi Nhà nước phải hỗ trợ thêm cho ngành du lịch, mà chỉ mong muốn chúng ta khôi phục lại những gì đã có trước năm 2020 và đó cũng là kiến nghị của tất cả các doanh nghiệp du lịch hiện nay"

Còn với hãng hàng không Vietnam Airlines, thì đưa ra những đề xuất gồm tăng cường tổ chức, quảng bá hình ảnh Việt Nam – điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn, tập trung một số thị trường chính như Đông Bắc Á, Châu Âu, Mỹ, Úc. Nếu xác định du lịch là mũi nhọn, cần quy mô quốc gia, tổng thể lớn hơn, dài hơn để quảng bá du lịch Việt Nam.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình hộ chiếu vắc xin, tham gia các hệ thống chung của quốc tế để đơn giản hóa thủ tục cho du khách; Ban hành quy định, thủ tục, hướng dẫn cho khách du lịch quốc tế, liên tục cập nhật trên các phượng thông tin đại chúng.

Cần phối hợp giữa các ban, ngành, doanh nghiệp trong chuỗi Hàng không – Du lịch để xây dựng lộ trình phát triển điểm đến Việt Nam, chỉ rõ vai trò của các bên tham gia, có các chính sách thuận lợi, ưu đãi phù hợp cho các doanh nghiệp tham gia.

Và cuối cùng triển khai hệ thống kết nối, chia sẻ dữ liệu hành khách giữa các hàng không, khách sạn, công ty du lịch để nâng cao trải nghiệm cho khách và phục vụ nghiên cứu thị trường.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 5.

Ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi

Ông William Haandrikman, Tổng Quản lý Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi cho biết: "Bản thân tôi hoàn toàn đồng tình với quan điểm mở cửa ngành du lịch với những quy định tương tự như thời điểm trước đại dịch Covid-19. 

Trong xu thế mở cửa chung trên toàn thế giới, yếu tố đảm bảo cho sự an toàn của khách hàng là vấn đề được đặt lên hàng đầu. Trong phần chia sẻ của mình, tôi muốn bàn về nhu cầu của khách hàng và nhiệm vụ đảm bảo phục vụ các nhu cầu đó thông qua hoạt động cung cấp thông tin, đào tạo nguồn nhân lực và quá trình chuyển đổi số.

Tôi cho rằng trong thời gian tới khách hàng sẽ có xu hướng tìm kiếm những gói ưu đãi và những chính sách linh hoạt giúp họ dễ dàng tiếp cận trong việc đặt phòng, đặt vé máy bay cho mỗi chuyến đi. Đồng thời du khách cũng sẽ quan tâm đến chính sách xử lý nếu không may ho nhiễm dịch. 

Đặc biệt, du khách sẽ có xu hướng lựa chọn các chuyến du lịch bền vững tại những nơi không quá đông đúc để tránh tình trạng quá tải du lịch. Ngoài ra, sau hai năm đại dịch, khách hàng sẽ quan tâm đến yếu tố thư giãn tình thần. Do đó, cần tổ chức các hoạt động du lịch giúp khách hàng có thêm trải nghiệm và thư giãn trong chuyến đi của mình.

Theo tôi, kế hoạch chào đón du khách quốc tế cần thực hiện theo bốn yêu cầu chính. Đầu tiên cần đặt mối quan tâm tới sức khỏe và an toàn của du khách lên hàng đầu. Tiếp đó, cần thực hiện những chính sách ưu đãi dành cho khách hàng tại khách sạn trong thành phố và các khu nghỉ dưỡng. Trước mắt cần tập trung áp dụng với thị trường khách tiềm năng quen thuộc của Việt Nam. Bên cạnh đó cần trú trọng đến yếu tố ẩm thực để thu hút du khách quốc tế.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 6.

Du khách Nga đến Nha Trang - Khánh Hòa cuối năm 2021

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tuân thủ các quy định về phòng dịch cũng như kết hợp xử lý với các địa phương trong những tình huống bùng phát dịch bệnh. Về phía khách sạn khách sạn Metropole Hà Nội, chúng tôi tự tin có khả năng xử lý mọi tình huống xảy ra nhờ trước đó khách sạn đã từng là khu cách ly được nhà nước cấp phép về đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm mọi quy định trong công tác phòng dịch thời gian qua.

Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng quỹ hỗ trợ nhân viên ngành du lịch. Chúng ta cũng nên áp dụng hiệu quả tiêu chuẩn OHSAS về hệ thống quản lý sức khỏe với cán bộ, nhân viên trong ngành. Cùng với đó cần xây dựng những cơ chế, chính sách một cách minh bạch, rõ ràng, giúp nhân viên dễ dàng tiếp cận trong hành trình du lịch của mình".

Bà Phan Thị Minh Giang, Trợ lý Cục trưởng, Trưởng phòng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao thì cho biết: "Bộ Ngoại giao đã đề xuất những phương án đề xuất, tập trung vào những điểm chính, bao gồm để thực sự mở cửa đón khách quốc tế, cần áp dụng quy trình cấp thị thực, giấy miễn thị thực theo đúng quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Các yêu cầu cách ly sau nhập cảnh kiến nghị xem xét bãi bỏ, không hạn chế theo mục đích nhập cảnh. Hiện nay chúng ta đã điều chỉnh về chính sách nhập cảnh theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhưng vẫn bị giới hạn và chưa hoàn toàn triển khai theo đúng Luật Nhập cảnh. Do đó, từ góc độ của Bộ Ngoại giao, Chính phủ cần xem xét áp dụng trở lại theo quy định Luật hiện hành"

Tuy nhiên chốt lời cuối bà Phan Thị Minh Giang cho rằng, khi mở cửa, nên cân nhắc đảm bảo hài hỏa giữa chính sách thị thực và các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay.

Mở cửa du lịch: “Nới lỏng” nhưng không buông lỏng”” - Ảnh 7.

ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch

Phát biểu những vướng mắc cần được giải quyết khi mở cửa du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng, Tổng cục Du lịch cho hay, phải đảm bảo tuân thủ thống nhất các quy định phòng chống dịch; tăng cường khai thác các đường bay thương mại quốc tế; Tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong điều kiện bình thường mới hiện nay, Việt Nam cần khôi phục các chính sách đơn giản hóa thủ tục nhập xuất cảnh cho khách du lịch để thu hút khách quốc tế đến; công nhận hộ chiếu vacxin; nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; cạnh tranh điểm đến, bằng nhiều chính sách hỗ trợ ngành Du lịch; xúc tiến quảng bá và thu hút thị trường khách; hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem