Người Chăm làm du lịch

Thứ năm, ngày 09/01/2014 09:51 AM (GMT+7)
Cả tỉnh An Giang có 9 xóm Chăm với tổng số gần 20 ngàn người, thì riêng huyện An Phú có tới 5 xóm người Chăm, trong đó có xóm Chăm Đa Phước (xã Đa Phước) rất nổi tiếng về làm du lịch...
Bình luận 0
Thay đổi tư duy, phát huy lợi thế

Người Chăm nói chung và đồng bào Chăm An Giang vốn sống trầm mặc và khép kín, do ảnh hưởng nhiều luật tục tôn giáo (đạo Hồi, phái Islam). Sự kiện những cô gái Chăm lần đầu tiên lên sân khấu (năm 1982) đã được xem là một bước ngoặt đánh dấu sự thay đổi tư duy của người Chăm ở tỉnh An Giang trên con đường hội nhập và phát triển.

Thánh đường EH SAN ở xóm Chăm Đa Phước luôn thu hút du khách nước ngoài.
Thánh đường EH SAN ở xóm Chăm Đa Phước luôn thu hút du khách nước ngoài.

Ông Ali Dal - Phó Giáo cả Thánh đường EH SAN xã Đa Phước cho biết: Ngày càng nhiều khách du lịch đến chiêm bái thánh đường và tìm hiểu về văn hóa người Chăm, nên người dân ở đây rất tự hào. Ai cũng muốn chủ động giới thiệu cho du khách, trong đó có nhiều thanh niên Chăm tự nguyện làm hướng dẫn viên cho khách đến thăm. Đây cũng là cơ hội để giao lưu văn hóa, góp phần phát triển cộng đồng và đời sống người Chăm.

“Các con tôi cũng hăng hái mở quầy hàng lưu niệm bán những sản phẩm của người Chăm An Giang, để phục vụ du khách, và cũng là làm du lịch cải thiện kinh tế gia đình”- ông Ali Dal cho hay.

Anh Mah Ro Liep- một người bán hàng lưu niệm ở đây, phấn khởi nói: “Giờ thì không ai gièm pha nữa, chứ hồi mới ra làm hướng dẫn cho du khách, nhiều người cũng nói ra nói vào, cho rằng làm mất đi vẻ đẹp truyền thống của người Chăm. Tiếp du khách tôi vẫn mặc trang phục truyền thống, đội cà pé (nón của nam giới Chăm) nghiêm túc đấy chứ. Tôi còn giới thiệu cho du khách biết về trang phục của người Chăm”.

Ở gia đình, nhất là những gia đình có quầy hàng phục vụ khách du lịch, họ bố trí một khung dệt ở mặt tiền để du khách “mục sở thị” nghề đặc sắc của người Chăm. Chị Ay Sah-chủ một quầy hàng lưu niệm ở xóm Chăm này cho biết: “Tôi làm du lịch ở đây đã gần 20 năm rồi, tôi thấy du khách rất thích mua những sản phẩm dệt của người Chăm nhưng họ sợ hàng nhái, hàng lấy từ nơi khác về. Vì thế mà chúng tôi bố trí những khung dệt ở ngay quầy hàng, có người ngồi dệt thường xuyên thì họ tin và mua hàng mà không ngại, sản phẩm dệt ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu”.

Cả dòng họ làm du lịch


"Ở xóm Chăm Đa Phước này, chưa có bất kỳ trường hợp nào cũng như du khách nào than phiền về việc chèo kéo, giành giật khách hoặc lừa gạt, giựt tài sản của du khách…”.

Ông Đoàn Văn Chol - Phó Trưởng Công an xã Đa Phước

Ở xóm Chăm Đa Phước, nói đến chuyện làm du lịch thì ai cũng biết đến dòng họ nhà Sim Ta Lot. Ngày xưa, ông Sim Ta Lot giàu lắm, ông là Việt kiều Mỹ, thấy con cháu còn nghèo khó mà quê hương thì có tiềm năng phát triển du lịch, nên ông đã đầu tư rất nhiều tiền bạc cho con cháu làm du lịch. Ông cho tiền mở đường, làm cầu, mua khung dệt… để phục vụ du khách. Nhờ ông mà xóm Chăm này được nhiều người trên thế giới biết đến…

Chị Sa Mi Roh- một chủ quầy hàng lưu niệm ở xã Đa Phước cho biết: “Mấy chiếc cầu cao này là do ông Sim bỏ tiền ra xây để cho du khách đi từ dưới bến sông lên thánh đường mà không bị sình ướt, ngay cả trong mùa nước nổi. Còn mấy cây cầu mới này là do con cháu ông bắc thêm cho du khách quốc tế bên Victoria (khách sạn Victoria ở Châu Đốc) ghé tàu thuận tiện…”.

Theo phản ánh của bà con, hiện hầu hết con cháu, dòng họ nhà ông đều làm du lịch… Anh Mah Ro Liep, một trong những người cháu của ông Sim, khẳng định: “Cách làm du lịch của chúng tôi là không bao giờ kèo nài, mời ép du khách mua hàng hay nói thách giá. Chúng tôi còn tận tình giới thiệu cho du khách về văn hóa người Chăm An Giang, nên họ rất cảm tình và còn giới thiệu cho nhiều khách quốc tế ngày càng đến đây đông hơn…”.
Trọng Bình (Trọng Bình)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem