Người đưa chả cá xuất ngoại

Thứ sáu, ngày 18/05/2012 14:01 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ở miền Bắc, anh Nguyễn Văn Long (Thanh Hoá) là nông dân đầu tiên xây dựng nhà máy chế biến chả cá xuất khẩu hiện đại, đưa sản phẩm ra các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.
Bình luận 0

Trước kia, nhiều người biết anh Nguyễn Văn Long, thôn Nam Hải, xã Hải Bình (Tĩnh Gia, Thanh Hoá) là chi hội trưởng ND năng động, dũng cảm của chi hội tàu dịch vụ nghề cá trên biển. Những năm gần đây, càng nhiều người biết anh, bởi anh là ND đầu tiên xây dựng nhà máy chế biến chả cá xuất khẩu ra nước ngoài.

Dù ở vị trí nào, điều dễ nhận thấy ở anh Long là nhiệt huyết làm kinh tế không chỉ cho gia đình mà còn đóng góp phát triển xây dựng quê hương.

img
Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Mai Văn Ninh (giữa) thăm nhà máy chế biến chả cá Sumiri của Công ty Long Hải do anh Nguyễn Văn Long (trái) làm giám đốc.

Kình ngư bám biển

Sinh ra ở miền biển Hải Bình, huyện Tĩnh Gia, năm 1979, anh Long nhập ngũ. Năm 1983, anh xuất ngũ trở về quê hương. Tuổi thơ và thời niên thiếu của anh gắn với biển, với làng chài. Xuất ngũ, anh trở về với nghề của ông cha là đánh bắt, khai thác hải sản.

Nhiều năm liền, anh Long là một trong những người được mệnh danh là "kình ngư" bám biển gắn bó với HTX đánh bắt hải sản Hải Bình rồi đảm nhiệm Chi hội trưởng Chi hội Tàu dịch vụ nghề cá. Chi hội tập hợp hơn 60 tàu chuyên đi thu gom hải sản khắp vịnh Bắc Bộ. Thu gom hải sản xong, tàu dịch vụ lại cấp dầu, nước đá và vật tư cho các tàu đánh bắt ngay tại ngư trường.

Đội tàu dịch vụ không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả nghề khai thác và đánh bắt hải sản mà còn góp phần quan trọng củng cố tình đoàn kết trên biển, thể hiện chủ quyền biên giới trên biển. Năm 2003, anh Long thành lập Công ty CP thương mại vận tải và chế biến hải sản Long Hải (Công ty CP Long Hải). Hiện, doanh nghiệp vẫn có đội tàu hơn 10 chiếc công suất từ 450 mã lực trở lên làm dịch vụ nghề cá.

Đưa chả cá đi Hàn Quốc

Trước năm 2009, doanh nghiệp của anh Long chỉ thu gom hải sản tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh và các tỉnh phía Nam. Anh Long luôn nung nấu tìm hướng đi cho ngành hải sản ở địa phương bằng con đường chế biến và xuất khẩu.

Giữa năm 2009, sau quá trình tìm hiểu học hỏi và nhận được sự hợp tác đầu tư của 1 đối tác Hàn Quốc, Công ty CP Long Hải quyết định xây dựng nhà máy chế biến chả cá Surimi xuất khẩu. Surimi là tinh thịt cá biển đã qua hệ thống máy móc xử lý, ép thành chả, cấp đông.

Đối tác Hàn Quốc đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc vào bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tổng vốn đầu tư của khu nhà máy là 138 tỷ đồng. Công suất chế biến đạt trung bình 200 tấn cá nguyên liệu/ngày. Quá trình chuẩn bị và ra đời nhà máy được anh Long và các cổ đông quyết định chỉ trong vòng 6 tháng.

"Đây là cơ hội để xây dựng cơ sở và hiện đại hoá ngành chế biến hải sản tại địa phương, tạo ra sản phẩm xuất khẩu, thay đổi hẳn cục diện ngành nghề..." - anh Long thổ lộ.

Ở miền Bắc, anh Long là ND đầu tiên xây dựng nhà máy chế biến chả cá xuất khẩu hiện đại. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sớm tạo được uy tín và danh tiếng nên có thêm nhiều đối tác trong và ngoài nước liên hệ hợp tác trong việc đưa sản phẩm chả cá ra các thị trường Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

Anh Long chia sẻ: "Việc đưa vào nhà máy chế biến và xuất khẩu chả cá đã giúp cho việc tiêu thụ hải sản thuận lợi hơn rất nhiều. Trước kia hải sản về bến phải chờ xe vận chuyển, người bốc vác, bảo quản, vận chuyển đường dài tới thị trường tiêu thụ mất khá nhiều thời gian, công sức và ẩn chứa rủi ro. Nay, hải sản về tới bến là được vận chuyển ngay vào các kho chứa đạt chuẩn và đi vào chế biến...".

Xây dựng nông thôn mới

Với công việc thu gom hải sản, trước năm 2009, Công ty CP Long Hải chỉ có 30 lao động. Từ khi xây dựng và đưa vào vận hành nhà máy chế biến hải sản, Công ty đã tạo ra lượng việc làm rất lớn cho lao động nghèo vùng ven biển Tĩnh Gia. Không kể hàng trăm lao động mang tính chất thời vụ, hiện nhà máy đang tạo việc làm ổn định cho 700-800 công nhân lao động với lương khá cao từ 4-4,5 triệu đồng/người/tháng.

“Công ty CP Long Hải là doanh nghiệp tích cực hưởng ứng các hoạt động xã hội từ thiện, khuyến học, đền ơn đáp nghĩa ở địa phương. Số tiền làm công tác xã hội từ thiện của Công ty năm 2011 gần 1 tỷ đồng”.

Anh Long cho biết, trong số công nhân của nhà máy có nhiều người là lao động của các gia đình thuộc diện tái định cư khu lọc hoá dầu Nghi Sơn. Sắp tới, khi Công ty CP Long Hải đưa vào sử dụng, vận hành nhà máy chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nhà máy nước sạch thì số lao động có việc làm, thu nhập ổn định sẽ tăng lên.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế -xã hội, 2 nhà máy sắp đi vào vận hành của Công ty CP Long Hải còn tạo sự biến chuyển về môi trường. Người dân xã Hải Bình và khu cảng cá Lạch Bạng sẽ được dùng nước sạch. Những phế phẩm của nhà máy chả cá sẽ được đưa sang nhà máy chế biến nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, tạo nên vòng sản xuất khép kín, tăng hiệu quả sản xuất. Công ty CP Long Hải cũng đang xúc tiến kế hoạch xây dựng khu nhà ở cho công nhân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Những hoạt động của Công ty Long Hải được người dân và cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao, góp phần quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem