“Nhặt tiền” từ phế thải

Thứ năm, ngày 19/01/2012 17:27 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làm nghề đồng nát gần chục năm, thấy việc tái chế nhựa phế thải vừa có thu nhập, vừa tạo việc làm cho nhiều người lao động, lại tận thu được rác thải của địa phương, chị Dương Thị Hương ở thôn Trung Nguyên, xã Trung Nguyên (Yên Lạc, Vĩnh Phúc) quyết định vay 50 triệu đồng mở xưởng tái chế nhựa phế thải.
Bình luận 0

Chị Hương kể, lúc mới vào nghề, chị phải cất công đến các nơi nổi tiếng về nghề tái chế như ở Trung Văn (Từ Liêm, Hà Nội), Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên)… để học hỏi kinh nghiệm. Chị thấy, ở đây họ làm tái chế phế thải rất giỏi, nhưng điều làm chị băn khoăn là làng nghề rất ô nhiễm, do phải thải ra một lượng lớn nước súc, rửa chai, lọ.

img
Chị Dương Thị Hương (phải) hướng dẫn công nhân phân loại phế thải.

"Nếu làm nghề chỉ được cho mình, mà gây ô nhiễm ảnh hưởng đến người khác thì không bền. Rác thải, phế thải đã là ô nhiễm, khi mình tái chế nếu không xử lý sẽ còn ô nhiễm hơn. Biết là tốn kém, nhưng để làm ăn lâu dài, tôi đã đầu tư hệ thống bể xử lý nước thải gần 100 triệu đồng" - chị Hương cho hay.

Với dây chuyền 4 máy băm, 2 máy rửa, hàng tháng xưởng của chị tiêu thụ hơn 20 tấn nhựa phế thải và đang tạo công ăn việc làm cho 30 lao động, với thu nhập từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Chị Hương cho hay, sau khi nhập phế liệu về, chị tiến hành phân loại, sau đó rửa sạch và băm nhỏ phơi khô đóng gói xuất đi một số nhà máy sản xuất hàng nhựa ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và một phần xuất khẩu. Sau 5 năm làm nghề tái chế phế thải, chị đã trả hết nợ, xây được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt.

"Nghề này không cần nhiều vốn, nhưng quan trọng nhất là phải giữ được môi trường. Sang năm, nếu thuê được mặt bằng, tôi sẽ mở thêm 1 xưởng dự kiến sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 20 lao động nữa".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem