Công việc "bới đen, tìm trắng" kiếm bộn tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại

Trung Hiếu - Thùy Anh Chủ nhật, ngày 19/11/2023 13:00 PM (GMT+7)
Nhổ tóc bạc là nghề thịnh hành tại Thủ đô Hà Nội những năm trở lại đây. Công việc này mang lại nguồn doanh thu tốt cho người làm nghề. Tuy nhiên, không ít người cho rằng đây là công việc mờ ám, không đứng đắn.
Bình luận 0

Công việc "bới đen , tìm trắng" kiếm bội tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại. Clip: Trung Hiếu

Công việc dễ bị hiểu lầm là "nhổ tóc bằng răng"

8 giờ sáng, cửa hàng nhổ tóc bạc của chị Nguyễn Thị Hoàng Anh (40 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bắt đầu đón những vị khách đầu tiên trong ngày. Chỉ ít phút sau, bốn chiếc ghế trong quán đều đã có người ngồi. Một tay cầm nhíp, tay còn lại thoăn thoắt bới tóc theo các hướng để nhổ những sợi tóc bạc, chị Hoàng Anh sở hữu 11 năm kinh nghiệm làm công việc "bới đen, tìm trắng".

Công việc "bới đen , tìm trắng" kiếm bội tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại - Ảnh 2.

Chị Hoàng Anh cho rằng, nghề nhổ tóc bạc là công việc khá phù hợp với chị em phụ nữ ngoài 30 tuổi. Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Hoàng Anh chia sẻ: "Tôi mở cửa hàng nhổ tóc bạc từ năm 2012. Còn nhớ, thời gian đầu có một số khách nam có suy nghĩ không văn minh, lịch sự đến với cửa hàng, họ cho rằng tôi hành nghề mờ ám. Chứng kiến không gian làm việc mở, mọi người có thể giao lưu, trò chuyện với nhau thì những vị khách đó đã quay về luôn vì không đáp ứng được yêu cầu của họ".

Chị Hoàng Anh tâm sự, đối diện với những lời đàm tiếu rằng công việc này không đàng hoàng, chị không quan tâm và chỉ tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ của cửa hàng: "Mục đích của tôi từ khi mở cửa hàng đến nay vẫn là muốn mang đến cho khách một dịch vụ làm đẹp an toàn cho sức khỏe, không nguy hại như việc nhuộm tóc. Từ đó, khách hàng có thể tự tin hơn khi giao tiếp ngoài xã hội. Ngoài ra, tôi muốn khách đến đây có thể được thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng qua những cuộc trò chuyện vui vẻ khi nhổ tóc".

"Người làm công việc này đòi hỏi phải tinh mắt, yêu nghề và thật sự chăm chỉ. Tôi cho rằng, công việc này phù hợp với phụ nữ ngoài 30 tuổi, bởi nó cũng không quá nặng nề, mệt nhọc. Tuy nhiên, để có thể thạo việc, các bạn nhân viên cũng cần học từ 3 đến 6 tháng mới có thể làm được tốt", chị Hoàng Anh nói thêm.

Công việc "bới đen , tìm trắng" kiếm bội tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại - Ảnh 3.

Mẹo để nhổ tóc bạc nhanh là người thợ phải nhổ dứt khoát, đúng chiều tóc mọc. Ảnh: Trung Hiếu

Khi PV Dân Việt trò chuyện với chủ cửa hàng nhổ tóc bạc, một vị khách ngoài 40 tuổi cũng góp vui: "Nhổ tóc sâu cũng như đi làm đẹp ấy. Nhổ xong thì thoải mái vô cùng. Tóc đen được 'bảo vệ', tóc trắng lại bị 'xử gọn' trong một nốt nhạc, trông bản thân trẻ ra một chút và còn vui hơn khi mình không bị ngứa đầu nữa".

Ông Nguyễn Đức Dũng (Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã trở thành khách "ruột" của cửa hàng nhổ tóc bạc này được 5 năm. Đứng trước câu hỏi tại sao lại đến quán thay vì nhờ nhờ vợ, con nhổ tóc bạc ở nhà, ông dí dỏm đáp: "Đối với tôi, làm việc gì cũng phải chuyên nghiệp, nhờ người thân nhổ tóc bạc dễ bị đứt chân tóc, rất đau. Mà muốn nhờ cũng khó vì người thân làm gì có thời gian mà nhổ cho tôi, nhổ không chuyên nghiệp thì lâu lắm. Tần suất đến đây nhổ tóc bạc của tôi là hai lần một tháng, mỗi lần từ 30 đến 45 phút".

Tại Nhật Bản, nhổ tóc bạc không phải là nghề phổ biến, nhưng đây có có thể được xem là một công việc… "hốt bạc" mới xuất hiện. Theo khảo sát tại một số cửa hàng, mức phí mà khách hàng cần trả để có thể trải nghiệm dịch vụ này là khoảng 3.980 yên (khoảng 830.000 đồng) cho 30 phút nhổ tóc, 7.480 yên (khoảng 1.500.000 đồng) cho 60 phút và tính thêm 1.000 yên cho mỗi 10 phút vượt giờ.

Theo quan sát của phóng viên trong hơn hai tiếng đồng hồ, cứ một vị khách ra lại có người mới vào quán, bao gồm cả khách nam và khách nữ. Chị Hoàng Anh - chủ cửa hàng nhổ tóc bạc phải luôn tay lật giở từng trang sổ để ghi chú thời gian từ lúc khách bắt đầu được nhổ tóc cho tới khi hoàn thành. Chị cho biết: "Khách hàng thuộc lứa tuổi trung niên bên mình chiếm khoảng 50%, những người cao tuổi (ngoài 60 tuổi) chiếm khoảng 20%, còn 30% là giới trẻ, có cả những bạn sinh năm 2000".

Dịch vụ nhổ tóc bạc thu tiền triệu "ngon ơ" mỗi ngày

Trái ngược với khung cảnh náo nhiệt của đường phố bên ngoài, không gian trong tiệm nhổ tóc bạc của anh Nguyễn Anh Dũng (43 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) khá yên tĩnh, chỉ có tiếng nhạc nhẹ cất lên. Tại căn phòng rộng chừng 20m2, anh Dũng đã miệt mài nhổ tóc sâu, tóc bạc cho không biết bao nhiêu "thượng đế" từ năm 2007 đến nay. 16 năm tuổi nghề giúp anh có thể nhổ được khoảng 600 – 700 tóc bạc chỉ trong một giờ đồng hồ.

Cửa hàng anh Dũng mở từ 8 giờ sáng đến 18 giờ tối hàng ngày. Giá của mỗi giờ nhổ tóc bạc tại đây là 100.000 đồng. Trong đó, nếu khách nhổ 15 phút đầu cần thanh toán 30.000 đồng, giá sẽ tăng thêm 10.000 đồng cho 5 phút tiếp theo. "Hiện tại, tôi đã có hai cửa hàng nhổ tóc bạc, đón trung bình từ 15 đến 20 khách hàng một ngày, thu nhập mỗi ngày khoảng 2-3 triệu đồng", anh Dũng nói thêm.

Công việc "bới đen , tìm trắng" kiếm bội tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại - Ảnh 5.

Dịch vụ nhổ tóc bạc thu hút nhiều đối tượng khách hàng tới trải nghiệm. Ảnh: Trung Hiếu

Cũng theo anh Dũng, muốn khách hàng hài lòng và quay trở lại cửa hàng, quy trình phục vụ "thượng đế" cần có sự chuyên nghiệp. "Đầu tiên, nhân viên phải hỏi khách đang thấy ngứa ngáy ở vùng nào trên đầu nhất thì sẽ bắt tay vào nhổ vùng đó trước. Trong quá trình bới tóc, có thể để các đầu ngón tay chạm vào da đầu, vừa để tìm chân tóc bạc dễ hơn, vừa giúp khách được mát xa giảm ngứa và thư giãn. Khi đã xác định được vị trí của tóc bạc, nhân viên dùng nhíp nhổ dứt khoát, đúng chiều, tránh làm đứt chân tóc và làm đau khách hàng".

Công việc "bới đen , tìm trắng" kiếm bội tiền ở Hà Nội nhưng dễ bị hiểu lầm khiến ai cũng e ngại - Ảnh 6.

Tóc bạc sau khi nhổ rơi xuống khoảng áo phía sau gáy của khách hàng. Ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ về ý tưởng kinh doanh, anh Dũng cho biết, nhiều năm trước trong một lần đi vào Sài Gòn, anh tình cờ nhìn thấy mọi người ngồi nhổ tóc cho nhau ở vỉa hè vào buổi trưa. Anh cho rằng đây là công việc thú vị, lạ và quyết định mở cửa hàng nhổ tóc bạc cũng ra đời từ đó. Nhớ về những ngày đầu kinh doanh dịch vụ, anh Dũng tâm tình: "Thời điểm ấy, 40 triệu đồng là con số mà tôi dùng làm vốn thuê mướn cửa hàng trả nhân viên, mua đèn, dụng cụ nhổ tóc. Đó là số tiền tôi tích góp được sau nhiều năm đi làm và vay mượn người thân. Hai năm đầu là khoảng thời gian khó khăn nhất vì không nhiều người biết đến cửa hàng".

Mạng xã hội phát triển, anh Dũng cũng tận dụng không gian mạng để giới thiệu về cửa hàng tới nhiều người dùng nền tảng số. Đến nay, quán đã có một lượng "khách hàng ruột" thường xuyên tới lui. "Cũng có những vị khách vãng lai vì tò mò với dịch vụ lạ nên gọi điện hỏi thăm trước qua số điện thoại của quán. Sau khi được tư vấn thì họ tới trải nghiệm trực tiếp và thỉnh thoảng họ lại ghé quán", anh Dũng chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị Hà (Hai Bà Trưng, Hà Nội) năm nay đã "70 nồi bánh chưng". Số lượng tóc bạc quá nửa đầu nhưng mỗi lần tới quán, bà lại nói vui với nhân viên: "Cháu nhổ hết tóc trắng trên đầu cho bác nhé". Bà bảo: "Thật ra tôi là khách quen nên trêu các bạn nhân viên như vậy. Chứ thực tế, vì tôi đã bạc cả mái đầu rồi nên các bạn ấy chỉ nhổ những sợi gây ngứa như sợi xoăn, sợi tóc bị xù chân, tóc to bất thường… thôi. Nhổ xong, đầu tôi cảm thấy rất sảng khoái, nó không ngứa nữa mà rất là thích. Thêm nữa là mức giá dịch vụ cũng vừa túi tiền nên tôi thường xuyên đến quán".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem