Ninh Bình: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
Ninh Bình: Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới
Vũ Thượng
Thứ sáu, ngày 01/12/2023 13:07 PM (GMT+7)
Mục tiêu đến hết năm 2023, tỉnh Ninh Bình có trên 150 sản phẩm OCOP được gắn từ 3-4 sao trở lên. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, gắn với hoạt động du lịch cấp vùng tại Ninh Bình.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Tỉnh Ninh Bình đến hết năm 2022, đã có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 68 sản phẩm đạt 4 sao trở lên.
Tỉnh Ninh Bình có 8 huyện, thành phố đã hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới. Cụ thể, 119/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 33 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu...
Việc phát triển sản phẩm OCOP còn nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu, năm 2025, tỉnh Ninh Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chia sẻ với Dân Việt, anh Phạm Văn Vang (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) chủ cơ sở gốm Bồ Bát cho biết: "Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm ở Bồ Bát của tôi có diện tích 6.000 m2, với 20 người thợ làm việc mỗi ngày, tôi trả lương theo tay nghề từ 5-8 triệu đồng/người/tháng".
Được biết, năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2020, sản phẩm gốm Bồ Bát được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Hướng đến sản phẩm OCOP đặc trưng
Hiện tỉnh Ninh Bình đang tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa với 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái. Giai đoạn 2021-2025, Chương trình OCOP được tỉnh Ninh Bình xác định là chương trình chuyên đề trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị.
Tỉnh Ninh Bình tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP hướng tới các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, đặc sản…nhằm phục vụ khách du lịch khi tới tham quan, khám phá Ninh Bình.
Điển hình như sản phẩm gốm Bồ Bát từ cơ sở anh Phạm Văn Vang (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) sản xuất và phát triển đều là các sản phẩm lưu niệm, quà tặng gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình như: Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính,…
Đồng thười, tỉnh Ninh Bình tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm OCOP trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về làng nghề, du lịch nông thôn. Phấn đấu có 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.
Đại diện Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình thông tin, vừa qua, Bộ NNPTNT giao Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương và Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình tổ chức "Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP gắn với hoạt động du lịch cấp vùng" tại tỉnh Ninh Bình.
Không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP là một trong những hoạt động trong khuôn khổ triển lãm "Không gian Di sản văn hóa và Sản phẩm thủ công truyền thống" tại Ninh Bình -một hoạt động trong chuỗi các sự kiện chào mừng Festival Ninh Bình lần thứ II năm 2023.
Với chủ đề chính "Giới thiệu kết nối với hoạt động du lịch tâm linh, lễ hội văn hóa", không gian quảng bá, kết nối sản phẩm OCOP tại tỉnh Ninh Bình. Từ đó, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tri thức, văn hóa bản địa đặc sắc tới khách du lịch về các sản phẩm OCOP và nâng cao hình ảnh du lịch của các địa phương.
Gần đây, ngày 18/11, tại Ninh Bình đã diễn ra phiên livestream trên nền tảng TikTok nhằm quảng bá và bán sản phẩm OCOP, trong đó tập trung vào các sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Ninh Bình và một số địa phương khác trên cả nước.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.