Ông Trần Đình Luân: Ăn cá tra giả lươn, ngon như đang ngồi ăn cơm lươn ở quán Nhật

Khương Lực Thứ ba, ngày 13/10/2020 08:11 AM (GMT+7)
Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) cho biết, ăn cá tra giả lươn ngon không kém gì như đang ngồi ăn suất cơm lươn ở trong quán Nhật. Nhiều sản phẩm chế biến từ cá tra như: Pizza cá tra, cá tra tẩm bột, giò cá tra… được các em học sinh rất ưa thích, sử dụng.
Bình luận 0

Đó là những chia sẻ của ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) khi trò chuyện với PV DANVIET.VN xung quanh những khó khăn, giải pháp Bộ NNPTNT đang đưa ra để phát triển bền vững ngành hàng cá tra có tỷ suất hàng hóa rất lớn.

Ông Trần Đình Luân: Sử dụng cá tra giả lươn không kém gì đang ngồi ăn suất cơm lươn ở quán Nhật - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT): Khi sử dụng cá tra giả lươn, ăn ngon không kém gì như chúng ta đang ngồi ăn suất cơm lươn ở trong quán Nhật.

Ở thời điểm hiện nay, xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang các thị trường chủ lực như Mỹ, EU… có những thay đổi như thế nào so với cùng kỳ năm ngoái, thưa ông?

- Hiện nay, cơ bản xuất khẩu cá tra đi một số thị trường do ảnh hưởng của Covid-19 nên giảm hơn so với năm ngoái. Đặc biệt, trong giai đoạn từ tháng 3-5, do thực hiện giãn cách xã hội và việc vận chuyển khó khăn nên xuất khẩu cá tra có giảm.

Trong các thị trường, giảm nhiều nhất là thị trường Trung Quốc. Mức giảm ở thị trường tỷ dân này rất sâu, đã kéo tụt giá trị xuất khẩu cá tra các tháng đầu năm xuống. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra mới chỉ đạt 70% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, đặc biệt từ tháng 9/2020, các thị trường bắt đầu nhập khẩu cá tra trở lại.

Theo cam kết EVFTA, xuất khẩu các sản phẩm cá tra Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU) sẽ được giảm thuế dần về 0% sau ba năm. Ưu đãi về thuế suất này dường như vẫn chưa giúp xuất khẩu cá tra khởi sắc hơn. Vậy, chiến lược xuất khẩu cá tra trong thời gian tới của Bộ NNPTNT là gì?

- Về tổ chức sản xuất, hiện nay chúng ta đã tổ chức sản xuất cá tra theo chuỗi, đặc biệt có chuỗi cá tra 3 cấp. Chúng ta hoàn thiện ngay từ quy trình ươm nuôi để đảm bảo có tỷ lệ sống cao và chất lượng con giống tốt.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ vào nuôi cá tra, ví dụ sử dụng ao nuôi có các hệ thống kiểm soát môi trường, cho ăn, thu hoạch tự động; rồi ứng dụng vi sinh... Đó là chúng ta hoàn thiện quy trình sản xuất ở trong nước từ con giống đến nhà máy chế biến ra các sản phẩm.

Đối với xuất khẩu, ngành NNPTNT có chủ trương phải làm thật tốt để đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, phải khơi thông các thị trường mới, đặc biệt là thị trường Nga, Brazil và tới đây chúng ta đang tiếp tục đề nghị phía Ả Rập Xê Út, các nước Trung Đông mở cửa thị trường trở lại cho sản phẩm cá tra của Việt Nam.

Ông Trần Đình Luân: Sử dụng cá tra giả lươn không kém gì đang ngồi ăn suất cơm lươn ở quán Nhật - Ảnh 2.

Sản phẩm chế biến từ cá tra, có giá trị rất cao đang được nhiều nước khó tính như Mỹ, EU... tin dùng.

Hy vọng với tổng lực từ những thị trường truyền thống, mở những thị trường mới và tổ chức sản xuất ở trong nước để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, chuỗi cá tra của chúng ta sẽ phát triển bền vững trong thời gian tới.

Khi kim ngạch xuất khẩu đang giảm ở mức hai con số thì việc hướng vào thị trường nội địa là giải pháp quan trọng ở thời điểm này. Khi chuyển hướng sang thị trường nội địa, theo ông, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn gì?

- Chúng ta có thể nói không có lý gì cá tra xuất khẩu đi hơn 150 nước trên thế giới mà người Việt không được sử dụng. Chính vì thế, trong thời gian vừa qua, chúng ta đã thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp để khơi thông thị trường nội địa, để trên 97 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch biết đến và thưởng thức các sản phẩm từ cá tra. Đặc biệt, chúng ta phải tự hào về con cá tra của chúng ta. 

Hàng năm tiêu thụ sản phẩm thủy sản ở trong nước rất lớn. Bên cạnh những sản phẩm thủy sản trong nước sản xuất, thị trường còn có những doanh nghiệp nhập khẩu thủy sản rất lớn. Đây là cơ hội chúng ta đưa các sản phẩm của Việt Nam cho người Việt Nam tiêu dùng để tăng nhu cầu lên. Có thể nói, các thị trường ở Việt Nam hiện nay ở các tỉnh đối với cá tra có thể 500.000-1.000.000 triệu tấn nếu chúng ta có cách chế biến, tiếp thị, phân phối tốt. Đây là một thị trường rất lớn để chúng ta khai thác được.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT)

Đối với thị trường nội địa, khi các doanh nghiệp được kết nối, khơi thông lúc đầu cũng rất lúng túng. Chúng ta thấy rằng, qua một số kênh thì hệ thống bao bì, kiểm soát chất lượng, đặc biệt kênh phân phối là chưa có từ trước đến nay. 

Chính vì thế, chúng ta cần có thời gian để tạo liên kết giữa nhà sản xuất với nhà phân phối đến các hệ thống siêu thị, trường học và các bếp ăn công nghiệp.

Đặc biệt, chúng ta thấy, bây giờ hệ thống bán online như của Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt (TP. Hà Nội) là một trong những phương thức để nhiều người Việt biết đến và được sử dụng sản phẩm cá tra có chất lượng của Việt Nam.

Một điểm nữa khi chuyển thị trường nội địa thì giữa doanh nghiệp ở các vùng miền khác nhau, đặc biệt khu vực phía Bắc và các doanh nghiệp phía Nam đã ngồi và thảo luận về khẩu vị, nhu cầu của người tiêu dùng phía Bắc để có những điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Trần Đình Luân: Sử dụng cá tra giả lươn không kém gì đang ngồi ăn suất cơm lươn ở quán Nhật - Ảnh 4.

Từ ngày 7/10, hơn 10 sản phẩm chế biến từ cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu bắt đầu được Công ty CP sản xuất và thương mại An Việt phân phối tới các bếp ăn của trường học, các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, các hệ thống bán lẻ của các siêu thị và hệ thống thương mại điện tử .

Qua quá trình cho các cháu học sinh dùng thử, cho công nhân thử và các bếp ăn tập thể ăn thử, người ta thấy rằng, các sản phẩm cá tra của Việt Nam chất lượng rất cao và rất phù hợp với khẩu vị của người tiêu dùng. Đặc biệt, các bệnh viện, trường học đánh giá, cá tra là một trong những loại cá rất có chất lượng.

Chúng tôi kỳ vọng khi đã điều chỉnh được khẩu vị phù hợp và kênh phân phối được thiết lập một cách toàn diện thì những khó khăn với các doanh nghiệp cá tra khi quay lại thị trường miền Bắc sẽ được xóa bỏ.

Vậy, giá trị về kinh tế nếu các doanh nghiệp tận dụng được lợi thế của thị trường nội địa này như thế nào?

- Có thể nói, song song với xuất khẩu, chúng ta phải chú trọng cả thị trường nội địa. Giá trị kinh tế là chúng ta có được một thị trường chủ động đối với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Từ đó, chúng ta không bị phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường nhập khẩu.

Cùng với đó, chúng ta sẽ hoạch định được kế hoạch sản xuất hàng năm để đưa ra tiêu thụ, không chỉ là thị trường miền Bắc mà còn miền Trung, các thành phố lớn và khách du lịch. Đây là những giá trị kinh tế mang lại cho giữa người nuôi, người sản xuất, chế biến và người tiêu dùng, đồng thời chúng ta hoạch định chính sách được tốt.

Hiện nay, giá cá tra rất phải chăng đối với thu nhập của nhiều người Việt Nam. Đây cũng là giá trị kinh tế mang lại toàn bộ các chuỗi mắt xích trong ngành hàng cá tra, đặc biệt chúng ta khẳng định được giá trị dinh dưỡng đối với sức khỏe đối với người tiêu dùng ở trong nước.

Vậy, Bộ NNPTNT có những đề án, chiến lược gì để hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa?

- Thời gian vừa qua, Bộ NNPTNT đã rất nỗ lực để đưa các doanh nghiệp ngồi lại với nhau đề cùng bàn về sản xuất, tiêu thụ cá tra ở thị trường nội địa. Trong thời gian tới, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi vẫn đang tiếp tục hoàn thiện chuỗi cá tra 3 cấp từ việc nhà nước hỗ trợ chọn tạo con bố, mẹ có chất lượng; hỗ trợ quan trắc, cảnh báo môi trường; hỗ trợ những nghiên cứu để chế biến những sản phẩm có giá trị gia tăng, sản phẩm chế biến sâu.

Đặc biệt với con cá tra, toàn bộ những phần của con cá tra đều được chế biến thành các sản phẩm khác. Đó là định hướng ngành sẽ làm. Bên cạnh đó là thông tin về thị trường, kết nối tiêu thụ nội địa, quảng bá, xây dựng thương hiệu các sản phẩm cá tra. Ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng bà con, doanh nghiệp để chúng ta tạo một mối liên kết vững chắc cho ngành hàng cá tra.

Ông đánh giá như thế nào về giá cả phân phối cá tra hiện nay đã hợp lý hay chưa?

- Tôi cho rằng, giá cá tra và các sản phẩm cá tra hiện nay rất phù hợp với nhiều người tiêu dùng. Nói đến cá tra, giờ không chỉ là giá trị dinh dưỡng đơn thuần của miếng cá tra phile nữa, mà hiện đang có nhiều sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao. 

Có doanh nghiệp chế biến hơn 50 sản phẩm; còn tính chung từ con cá tra đã làm ra khoảng 85 sản phẩm.

Đơn cử như sản phẩm như cá tra giả lươn, khi chúng ta sử dụng thì không kém gì chúng ta đang ngồi ăn suất cơm lươn ở trong quán Nhật. Hay các sản phẩm như pizza cá tra, cá tra tẩm bột, giò cá tra… được các em học sinh rất thích. Đối với công nhân, cá tra cắt khúc rất dễ chế biến, hoàn toàn không có xương dăm, ăn ngon mà giá cả lại phù hợp với thu nhập.

Bên cạnh đó, chúng tôi bàn với các doanh nghiệp sẽ tổ chức nhiều hội chợ hoặc cách thức nào đó để hướng dẫn cho người tiêu dùng biết cách chế biến cá tra thành các món khác nhau để sử dụng trong bữa ăn hàng ngày của gia đình.

Xin cảm ơn ông!

Cá tra hiện có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao

Nói đến cá tra - sản phẩm đặc trưng của khu vực đồng bằng sông Cửu Long – bây giờ không chỉ là giá trị dinh dưỡng đơn thuần của miến cá tra phi lê, cắt khúc hay nguyên con mà hiện đang có khoảng 80 sản phẩm chế biến giá trị gia tăng cao như: cá tra giả lươn, cá tra tẩm bột, xúc xích…

Do cá tra được nuôi, thu hoạch, giết mổ, chế biến theo một chuỗi khép kín tương đương như ở Mỹ nên tạo ra hàng trăm sản phẩm thơm, ngon và có giá trị dinh dưỡng cao. Năm 2018, chỉ với hơn 6.200ha nuôi cá, chúng ta thu hoạch được sản lượng 1,7 triệu tấn, xuất khẩu đi hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ với giá trị kim ngạch 2,26 tỷ USD.

Tuy nhiên, năm 2020 do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên xuất khẩu cá tra có những khó khăn nhất định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem