Phú Thọ loay hoay phát triển sản phẩm OCOP: Quên mất sự cộng hưởng của OCOP và du lịch (Bài 1)

Hoan Nguyễn Thứ ba, ngày 14/02/2023 18:51 PM (GMT+7)
Phú Thọ có nhiều tiềm năng để phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch. Song thực tế, tỉnh trung du này vẫn còn thiếu vắng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch, việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch ở Phú Thọ chưa được quan tâm đúng mức.
Bình luận 0

Dù có nhiều tiềm năng và sản phẩm OCOP đa dạng, nhưng đến nay toàn tỉnh Phú Thọ mới chỉ có 2 sản phẩm dịch vụ du lịch được gắn sao là rất ít.

Quá ít sản phẩm OCOP gắn với dịch vụ du lịch

Thời gian qua, HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên (xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ) trở thành điểm đến khám phá và trải nghiệm yêu thích của du khách. Trang trại với quy mô hơn 7.000m2 trồng các loại rau, củ, quả sạch, cùng hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt của Israel với số vốn đầu tư hơn 4 tỷ đồng, được áp dụng với bộ điều khiển tự động.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 1): Tiềm năng lớn nhưng sản phẩm OCOP du lịch còn thiếu vắng - Ảnh 1.

HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên có nhiều sản phẩm OCOP đạt 3 sao được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: H.N

Theo ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Giám đốc HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên, có tuần, vào thứ Bảy và Chủ nhật, gia trại tiếp đón cả trăm du khách cùng nhiều học sinh. Từ một cơ sở sản xuất rau củ quả sạch, đến nay gia trại đã trở thành điểm du lịch mới nổi trên địa bàn.

Tuy nhiên, gia đình ông Mạnh không thu phí đối với du khách đến tham quan, trải nghiệm hay xem quy trình sản xuất rau củ quả sạch. Du khách chỉ phải trả tiền khi mua sản phẩm từ gia trại.

"Các sản phẩm gồm ổi, dưa lê, dưa chuột, măng tây... của HTX được công nhận OCOP đạt 3 sao, được người tiêu dùng đánh giá chất lượng rất cao, luôn sạch, tươi, ngon. Vì thế, khi đến tham quan tại đây, hầu hết du khách đều rất thích thú với các sản phẩm. Do không thu phí nên việc bán sản phẩm từ rau củ quả là nguồn lợi chính của HTX" - ông Mạnh nói.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 1): Tiềm năng lớn nhưng sản phẩm OCOP du lịch còn thiếu vắng - Ảnh 2.

Tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ cao sản xuất nông nghiệp sạch, HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên trở thành điểm đến khám phá và trải nghiệm đầy sức hút. Ảnh: H.N

Với quyết tâm xây dựng sản phẩm OCOP đầu tiên về du lịch nông thôn của tỉnh, huyện Tân Sơn đã phát triển nhiều địa điểm gắn với các hoạt động vui chơi, trải nghiệm Vườn Quốc Gia Xuân Sơn như: Cọn nước Xuân Sơn, đường hoa du lịch Xuân Sơn, biển du lịch Xuân Sơn, đôi tượng gà nhiều cựa...

Ông Hà Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Xuân Sơn cho biết, cuối năm 2022, sản phẩm "Du lịch cộng đồng Xuân Sơn" của tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Xuân Sơn được công nhận là OCOP đạt 3 sao. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên về dịch vụ du lịch của tỉnh Phú Thọ được công nhận.

Để sản phẩm OCOP "Du lịch cộng đồng Xuân Sơn" trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế, các thành viên của tổ hợp tác xác định cần đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở lưu trú, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị hơn nữa.

Quan trọng nhất là gắn các sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng tiêu biểu của địa phương với điểm du lịch và sử dụng làm sản phẩm dịch vụ để du khách mua về làm quà. Bởi nhu cầu của du khách hiện nay không chỉ dừng ở việc tham quan, khám phá, tìm hiểu, nghỉ dưỡng, thư giãn, học tập ở điểm đến mà còn là việc mua sắm.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 1): Tiềm năng lớn nhưng sản phẩm OCOP du lịch còn thiếu vắng - Ảnh 3.

Sản phẩm "Du lịch cộng đồng Hùng Lô" của tổ hợp tác dịch vụ du lịch cộng đồng Hùng Lô đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đang thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Ảnh: H.N

Tỉnh Phú Thọ hiện có 142 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 47 sản phẩm đạt 4 sao và 95 sản phẩm 3 sao. Có thể thấy, sản phẩm OCOP đang là nền tảng để thúc đẩy du lịch phát triển.

Bà Vũ Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, cuối năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Phú Thọ đã đánh giá 2 sản phẩm "Du lịch cộng đồng Xuân Sơn" và "Du lịch cộng đồng Hùng Lô" đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Việc gắn sao OCOP cho sản phẩm dịch vụ du lịch đã góp phần tạo được niềm tin về tiêu chuẩn, chất lượng trong lòng du khách. Qua đó, vừa nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, vừa gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương. Đồng thời, giúp cho đơn vị phụ trách có trách nhiệm duy trì, nâng cấp các hạng sao.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 1): Tiềm năng lớn nhưng sản phẩm OCOP du lịch còn thiếu vắng - Ảnh 4.

Du khách đến đây vừa được lắng nghe những điển tích lịch sử vùng đất cổ, tham gia biểu diễn hát Xoan, trải nghiệm quy trình làm sản phẩm mì gạo đạt chuẩn OCOP 4 sao tại HTX Mì gạo Hùng Lô… Ảnh: H.N

Tuy nhiên, theo bà Phương, dù có nhiều tiềm năng và sản phẩm OCOP đa dạng nhưng toàn tỉnh Phú Thọ mới chỉ có 2 sản phẩm dịch vụ du lịch được gắn sao là rất ít. Trên thực tế, các địa phương mới quan tâm đến việc gắn sao cho sản phẩm mà quên mất sự cộng hưởng của sản phẩm OCOP và du lịch.

Trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, sản phẩm dịch vụ du lịch được xem là một nhóm quan trọng, là giải pháp giúp tiêu thụ sản phẩm địa phương hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới bền vững hơn. 

Nhưng sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch số lượng quá ít, còn các sản phẩm nông nghiệp OCOP khác quy mô nhỏ, chủ thể chưa có năng lực quản trị, lại thiếu kiến thức về kinh tế thị trường, chế biến sâu, phát triển theo chuỗi, chưa quan tâm, chú trọng giới thiệu tại các điểm du lịch để cung cấp cho du khách.

Tiềm năng kết hợp sản phẩm OCOP và du lịch còn bỏ ngỏ

Đồng quan điểm, ông Vũ Quốc Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ cho rằng, thực tế sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch thuộc chương trình OCOP đã được một số địa phương đưa vào khai thác. Tuy nhiên định hướng phát triển chưa rõ ràng, chưa tương xứng với nguồn tài nguyên vốn có.

Theo ông Tuấn, Phú Thọ có tiềm năng để xây dựng và liên kết các tour, tuyến du lịch từ phương thức canh tác độc đáo. Điển hình như trồng, canh tác, chế biến sản phẩm từ cây bưởi ở huyện Đoan Hùng; quả hồng không hạt Gia Thanh trên các thửa ruộng, đồi gò ở huyện Phù Ninh; thu hái, chế biến chè ở xã Long Cốc, huyện Tân Sơn; nuôi cá khu vực lòng hồ sông Đà, sông Lô…

Đặc biệt, người dân bản địa luôn thân thiện, nhiệt tình, mến khách, khiến du khách ấn tượng. Đây là cơ hội lớn cho các địa phương phát triển du lịch nông nghiệp.

Phú Thọ phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch (bài 1): Tiềm năng lớn nhưng sản phẩm OCOP du lịch còn thiếu vắng - Ảnh 5.

Việc gắn kết giữa sản phẩm OCOP và du lịch chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: H.N

Thế nhưng, khi cần thực hiện các thủ tục để chuẩn hóa, gắn sao OCOP cho sản phẩm dịch vụ du lịch hay phát triển du lịch còn lúng túng.

Thậm chí đến nay, nhiều người vẫn chưa hiểu về khái niệm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch. Các chủ thể cũng chưa được tiếp cận nhiều với các tiêu chí đánh giá cụ thể đối với sản phẩm dịch vụ du lịch. Các công ty du lịch chưa đưa sản phẩm OCOP vào các điểm du lịch và nâng cao nhận thức của du khách về thương hiệu OCOP...

"Không phủ nhận việc một số hạn chế còn tồn đọng tại Phú Thọ với các sản phẩm OCOP. Nhưng những thực trạng đó cũng chính là động lực để các chủ thể, cơ quan xúc tiến thay đổi để sản phẩm đến được với tay người tiêu dùng" - ông Tuấn nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem