Quản lý an toàn thực phẩm cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân

Quỳnh Anh Thứ năm, ngày 07/11/2019 12:00 PM (GMT+7)
Tại phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn thành phố do Thường trực HĐND thành phố Hà Nội vừa tổ chức, nhiều vấn đề nóng về ATTP đã được người dân gửi gắm, chất vấn. 
Bình luận 0

Về vấn đề chất lượng thực phẩm không rõ nguồn gốc mà đại biểu Nguyễn Quang Thắng, (Tổ Hoàn Kiếm) nêu, ông Nguyễn Khắc Hiền - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện nay, công tác phân cấp quản lý tương đối rõ, trong đó việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được Sở Công Thương đã có đề án triển khai, nhiều tiến bộ. Công tác kiểm tra ATTP cũng được tăng cường kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm, tịch thu nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, ông Hiền cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại việc thực phẩm không rõ nguồn gốc, ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

img

Hà Nội tăng cường kiểm tra về ATTP

"Thời gian tới, ngành Y tế sẽ phối hợp tiếp tục quản lý, nâng cao tuyên truyền đến các cấp, các ngành, nhất là người kinh doanh, chế biến có trách nhiệm với sản phẩm của mình; khuyến khích người dân phát hiện, tố giác những cơ sở không bảo đảm ATTP đến chính quyền các cấp" - ông Hiến khẳng định. 

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Tổ Thanh Xuân) cũng lo ngại về tình hình kiểm soát ATTP bếp ăn tập thể, ông Hiền cho biết, năm 2018-2019, toàn thành phố có hơn 4.530 bếp ăn tập thể, trong đó có bếp ăn tại trường tiểu học, mầm non... Hiện có trường tự nấu, có trường ký hợp đồng với cơ sở cung cấp thức ăn, nhiều trường giám sát ATTP rất tốt với sự tham gia giám sát của phụ huynh.

Trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã có nhiều các hoạt động kiểm tra ATTP bếp ăn tập thể, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn xử lý tình huống ngộ độc tập thể tại trường học và các khu công nghiệp, qua đó nâng cao kiến thức, ý thức về phòng ngừa an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả lãnh đạo, người cung cấp thực phẩm, chế biến thực phẩm và người dân... 

Hiện nay, chất lượng nước uống cũng là điều khiến người dân lo lắng. Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Tổ Hoàng Mai) đề nghị Sở Y tế nói rõ trách nhiệm và phương án xử lý các các cơ sở nước uống đóng chai, nước đá sử dụng nước giếng khoan không có kiểm định. Về điều này, ông Hiền cho biết, trên địa bàn có 425 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình, nước đá. Nguồn nước được cơ sở sử dụng phần lớn là nước máy, nhưng có nơi vẫn sử dụng nước giếng khoan.

Những tồn tại như đại biểu nêu là do nhận thức của các cơ sở này, cho rằng máy lọc chưa lọc được tuyệt đối, chưa vệ sinh máy lọc tốt, bố trí diện tích sản xuất chưa đủ rộng, việc làm sạch dụng cụ chỉ mới chú trọng làm sạch trong bình mà chưa chú ý ở ngoài bình.

Những hạn chế trên là trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước, từ thành phố đến các quận, huyện, thị xã và cơ quan ngành y tế.

Phát biểu tại phiên chất vấn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, Hà Nội có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 cơ sở giết mổ, nhỏ lẻ thủ công; 454 chợ, 120 siêu thị, 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các nơi khác. 

Vì vậy, việc quản lý ATTP trên địa bàn thành phố cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy và người dân thành phố, trong đó có khâu quản lý tiêu dùng và lưu thông. 

Từ năm 2017 đến nay, toàn thành phố kiểm tra được gần 334.000 lượt cơ sở về ATTP, phạt tiền hơn 21.000 cơ sở với tổng số tiền phạt gần 90 tỷ đồng. Đặc biệt, thành phố đã khởi tố 4 vụ với 7 đối tượng phạm tội sản xuất hàng giả, kém chất lượng.

Bà Ngọc đánh giá, sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 27-10-2016 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội, công tác bảo đảm ATTP đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra gây lo ngại, bức xúc cho nhân dân, nổi lên là tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm; hoạt động giết mổ nhỏ lẻ còn tồn tại trong khu dân cư; việc triển khai quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm còn chậm; ý thức của người dân về ATTP chưa cao… 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem