Quảng Ninh: Khi cán bộ Hội Nông dân được quý trọng

Nguyễn Quý Thứ năm, ngày 18/11/2021 14:40 PM (GMT+7)
Đi khắp các vùng nông thôn của Quảng Ninh ngày nay, đâu đâu cũng thấy tinh thần hứng khởi nâng cao hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, gắn với hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm…
Bình luận 0

Trong chuyến công tác huyện Tiên Yên cùng Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh vào đợt tháng 10/2021, đến đâu chúng tôi cũng nhận được tiếng cười giòn giã cùng sự đón tiếp nồng hậu của bà con nông dân.

Anh Lê Văn Độ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh, nửa đùa nửa thật: "Nông dân bây giờ quý cán bộ Hội lắm, đến nhà có rượu thịt ngon là mang ra tiếp đãi, chứ không thờ ơ như trước đây đâu".

Rồi anh Độ lý giải, ở nhiều thôn, khe, bản vùng sâu, vùng cao, trước đây cây cối, lợn, gà… gần như chỉ là thứ lương thực, thực phẩm để bà con tự cung tự cấp. Nhưng nay, nhiều sản phẩm giản đơn do bà con nuôi, trồng đã trở thành những sản phẩm biết "đẻ ra tiền".

Quảng Ninh: Khi cán bộ Hội Nông dân được quý như…thầy cúng - Ảnh 1.

Thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) từng là 1 ốc đảo nhỏ biệt lập, nay đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con dân tộc Dao ở đây đã được nâng lên rất nhiều. Ảnh: Nguyễn Quý.

Thôn Nà Cà (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) từng là ốc đảo nằm biệt lập, bị chia cắt bởi con sông Tiên Yên chảy qua, đời sống của người dân trong thôn gặp nhiều khó khăn.

Được sự quan tâm của tỉnh Quảng Ninh, những cây cầu, đường giao thông được xây dựng, kết nối thôn, bản, tạo động lực cho người dân phát triển sản xuất. Đặc biệt, thực hiện chương trình di dân ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở, bà con trong thôn đã được đưa đến nơi ở mới ổn định, an toàn, thuận lợi.

"An cư", người dân Nà Cà nay càng hào hứng hơn với "lập nghiệp". Thôn có 77 hộ thì có tới 22 hộ nuôi gà Tiên Yên theo hướng sản xuất hàng hóa với hơn 22.000 con. Người dân còn tích cực sản xuất lâm nghiệp, như khai thác nhựa thông, trồng rừng...

Quảng Ninh: Khi cán bộ Hội Nông dân được quý như…thầy cúng - Ảnh 2.

Mô hình nuôi gà đồi Tiên Yên của anh Phùn A Ửng (thôn Nà Cà, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Quý.

Được sự tư vấn, hướng dẫn của Hội Nông dân huyện Tiên Yên, từ năm 2019, anh Phùn A Ửng (thôn Nà Cà, xã Phong Dụ) đã mạnh dạn đầu tư 1.000 con gà Tiên Yên, nuôi thử nghiệm trên chính đồi keo của nhà.

Dù đã chăn nuôi lâu năm, nhưng kiến thức về lĩnh vực này của anh Ửng rất hạn chế. Tham gia các lớp tập huấn, cùng với được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tại trang trại, từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn gà của anh Ửng ngày càng tăng.

Hiện, số lượng gà Tiên Yên anh Ưng nuôi đã lên đến 3.000 con, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trên các sườn đồi đã được phủ một màu vàng đỏ và đốm hoa của đàn gà.

Tại thôn Tân Thành (xã Việt Dân, TX Đông Triều), gia đình ông Nguyễn Xuân Long đã mạnh dạn áp dụng quy trình VietGAP cho hơn 1ha trồng cây na dai.

Với quy trình này, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học được giảm thiểu, thay thế bằng các loại phân hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Nhờ đó, gia đình ông không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư, bảo vệ sức khỏe, môi trường, mà năng suất, giá thành quả na dai còn tăng.

Hiện hơn 1ha trồng na theo quy trình VietGAP của gia đình ông cho sản lượng trung bình gần 16 tấn/năm.

Quảng Ninh: Khi cán bộ Hội Nông dân được quý như…thầy cúng - Ảnh 3.

Hội Nông dân TX Đông Triều đến thăm một vườn na VietGAP ở xã Việt Dân. Ảnh: Nguyễn Quý.

Theo ông Nguyễn Văn Thìn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TX Đông Triều: "Để nâng cao giá trị và xây dựng thương hiệu cho quả na, Hội Nông dân thị xã cùng cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể tích cực vận động, khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị theo quy trình VietGAP.

Điều này cũng mang lại lợi thế lớn cho thương hiệu na dai Đông Triều khi giá thành cao hơn hẳn so với cây na được trồng theo phương pháp truyền thống, mang lại thu nhập ổn định cho hội viên. 

Đến nay, toàn thị xã có khoảng 350ha (gần 1/2 diện tích na) được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cấp nhãn hiệu tập thể".

Tại huyện Bình Liêu, cây dong riềng được đánh giá là cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao, giảm nghèo hiệu quả cho nông dân địa phương.

Thực hiện Đề án phát triển sản xuất của huyện, hằng năm Hội Nông dân huyện Bình Liêu đều phối hợp với các phòng, ban chuyên môn tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng dong riềng.

Đồng thời, hỗ trợ giống, máy móc, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, khuyến khích nông hộ đẩy mạnh liên kết sản xuất với các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn để tạo đầu ra bền vững. Huyện đã hình thành được một số vùng trồng dong riềng với gần 120ha tại các xã Húc Động, Lục Hồn, Đồng Tâm, Vô Ngại...

Quảng Ninh: Khi cán bộ Hội Nông dân được quý như…thầy cúng - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh Lê Văn Độ (áo trắng) thăm ruộng lúa bao thai (sản phẩm OCOP của huyện Đầm Hà), kết hợp vận động, khuyến khích, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giá trị. Ảnh: Nguyễn Quý.

Dưới sự hướng dẫn, vận động của Hội Nông dân các cấp, nhiều nông sản khác trong tỉnh, như: Gà Tiên Yên, lợn Móng Cái, hải sản Vân Đồn, vải Phương Nam, ổi Hoành Bồ... đã hình thành được các vùng sản xuất lớn, quy mô tập trung.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã hình thành 17 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, với gần 5.000ha. Tiêu biểu: Vùng trồng lúa chất lượng cao ở TX Đông Triều; vùng trồng rau an toàn ở TX Quảng Yên; vùng trồng hoa tại TP Hạ Long; vùng chăn nuôi lợn Móng Cái; vùng nuôi tôm ở Đầm Hà, Móng Cái; vùng nuôi trồng nhuyễn thể ở Vân Đồn...

Để khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển nông sản, nhất là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh theo hướng an toàn, bền vững, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp hội triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Trong đó, tập trung tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức, kiến thức trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất an toàn theo chuỗi liên kết để nâng cao sản phẩm; áp dụng khoa học công nghệ vào quy trình chăm sóc, chế biến để nâng cao năng suất.

Các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh hỗ trợ về cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật cho hội viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem