Quảng trường ngàn tỷ nhất thế giới, có ai hỏi dân?

Nguyễn Quang A Thứ năm, ngày 17/12/2015 06:30 AM (GMT+7)
Phong trào đầu tư cứ thế này thì ngân sách vỡ là cái chắc.
Bình luận 0

Dư luận đã quá bức xúc với dự án cụm công trình quảng trường, tượng đài… 1.400 tỷ đồng của tỉnh nghèo Sơn La hồi tháng Tám. Tưởng những việc đầu tư vô bổ như thế đã bị dẹp đi, bốn tháng sau lại nghe Tiền Giang đổ ngàn tỷ đồng làm … quảng trường. Phong trào đầu tư cứ thế này thì ngân sách vỡ là cái chắc.

Phát hoảng. Nhưng ngẫm lại thấy không thế mới là lạ trong cái thể chế này.

Dân Mỹ Tho có được hỏi ý kiến hay không? Họ có ưu tiên xây quảng trường thay cho bệnh viện hay không? Thành phố Mỹ Tho với dân số khoảng 216 ngàn người có cần một dự án quảng trường 44 ha to hơn 13 lần quảng trường Ba Đình được cho là lớn nhất Việt Nam với diện tích 3,2 ha hay không?

 Mỹ Tho có nên có dự án quảng trường có diện tích đúng bằng Thiên An Môn của Bắc Kinh (to thứ 6 thế giới) hay không? Mỹ Tho có cần khu quảng trường 3,5 ha rộng nhất Việt Nam trong dự án 44 ha hay không?

Nếu tính diện tích quảng trường trên đầu người thì chắc Mỹ Tho sẽ nhất thế giới và Mỹ Tho có cần “thành tích” ấy hay không? Nhất là khi dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, với tổng mức đầu tư 2.350 tỷ đồng (chỉ hơn dự án quản trường 161 tỷ), bị treo từ lâu do không xoay đâu ra vốn.

Chắc bất cứ người dân nào cũng dễ trả lời mấy câu hỏi trên và tôi tin đa số bảo: không. Thần kinh chắc phải có vấn đề thì mới bảo rằng Mỹ Tho cần có “bộ mặt” cực kỳ thiếu cân đối như vậy.

Dân thành phố Mỹ Tho chắc chưa được hỏi ý kiến, vì chỉ thấy nào là UBND tỉnh thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, rồi mới đây Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa chỉ đạo rà soát, xem xét lại mà thôi. Chả thấy bóng “người đại diện” danh nghĩa của nhân dân ở đâu, nói chi đến tiếng nói trực tiếp của người dân.

Đất dự án để làm quảng trường tại Mỹ Tho đang để hoang cho dân chăn bò. Ảnh: Tuổi trẻ

Bệnh viện, quảng trường là các công trình công cộng và người dân phải có tiếng nói về chúng. Người ta hô hào để “dân làm chủ,” “dân bàn, dân kiểm tra” nhưng có ai thực sự để dân quyết định việc như vậy, thí dụ qua trưng cầu dân ý ở Thành phố Mỹ Tho mà chắc chỉ tốn vài trăm triệu chứ không phí hàng trăm tỷ.  Lời nói sao xa việc làm vậy?

 Cái lõi, cái gốc của vấn đề là ở đó. Hãy trả lại cho dân quyền quyết định những vấn đề thực sự của họ và không ai được lạm dụng “nhân danh nhân dân” để làm bừa, tiêu phí tiền của dân.

Căn bệnh nói một đằng làm một nẻo, không minh bạch, không muốn để ai giám sát (tuy vẫn ra rả nói “dân kiểm tra”) là căn bệnh trầm kha ở ta đã từ lâu, cho nên bao nhiêu chuyện trái khoáy như tượng đài ngàn tỷ, quảng trường ngàn tỷ vẫn là chuyện nhỏ, còn bao chuyện trầm trọng hơn mà chúng ta ít để ý. Chính cung cách làm ăn ấy tạo cơ hội cho tham nhũng, lãng phí và góp phần làm tăng nợ công lên với tốc độ chóng mặt.

Nếu doanh nghiệp nào sốt sắng tự bỏ tiền (còn xấu hơn nếu vay ngân hàng) lao vào nhận thực hiện dự án, thì rất có thể sẽ bị chính quyền địa phương chây ỳ trả nợ giống chuyện “thành ủy hết tiền thành phố vỡ nợ” mà chúng ta đã nhắc đến. Ông nào có quyền mà không bị kiểm soát đều trở thành “công tử Bạc Liêu” cả, bởi vì làm thế là hợp với “lợi ích” của họ. Thực ra chuyện như vậy đã xảy ra từ lâu với quy mô kinh hoàng hơn nhiều.

 Riêng năm 2011, theo báo cáo của Ủy ban Tài chính Quốc hội khi đó, tổng số nợ đọng của ngân sách 63 tỉnh trong cả nước do không có tiền trả cho các doanh nghiệp đã sốt sắng thực hiện các dự án của địa phương là 91.273 tỷ đồng (nói cách khác các địa phương đó đã vỡ nợ) làm cho các doanh nghiệp lao đao không trả được nợ cho ngân hàng khiến các ngân hàng chao đảo và nợ khó đòi tăng cao.

 Chuyện 4 năm trước đã thế, nó sẽ lặp lại nếu không có cơ chế kiểm soát các “công tử Bạc Liêu” này tiêu tiền của dân nhưng nhân danh “nhân dân” mà không bị dân kiểm soát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem