Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Làm cho dân có lãi nhiều nhất

Thứ bảy, ngày 28/09/2013 15:27 PM (GMT+7)
Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát tại Hội nghị triển khai Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” ngày 27.9.
Bình luận 0
Điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất

Phát biểu tại hội nghị này, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, trong những năm qua, ngành nông nghiệp luôn tăng trưởng tốt và được coi là “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu là do phát triển theo chiều rộng thông qua tăng vụ, tăng diện tích, thâm dụng tài nguyên nên tác động xấu đến môi trường, hiệu quả bấp bênh... Do đó, thực hiện Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là vấn đề rất cấp thiết.

Ngô sẽ được chú trọng mở rộng diện tích trong thời gian tới.
Ngô sẽ được chú trọng mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết: Mục tiêu TCC ngành trồng trọt là đẩy mạnh nâng cao năng suất, đảm bảo giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân. Mục tiêu cụ thể là chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, giảm diện tích đất lúa, nhất là ở những nơi kém hiệu quả. Cây công nghiệp cũng là nhóm cây quan trọng, trong đó cần tăng diện tích cao su từ 920ha lên 1 triệu ha; chè tăng 10.000 - 15.000 ha; tăng diện tích hoa ở vùng có lợi thế; đặc biệt quan tâm tới cây ngô, vì hiện mỗi năm nước ta nhập tới 1,5 - 1,7 triệu tấn nên mục tiêu là tăng diện tích ngô lên 1,5 triệu ha. Đối với cây sắn, đậu tương thì giữ ổn định diện tích như hiện nay...

Về chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, quan điểm TCC đối với chăn nuôi là nâng cao hiệu quả trang trại, nhưng vẫn phải quan tâm đến chăn nuôi nông hộ vì còn chiếm tỷ lệ lớn, không phải một sớm một chiều có thể thay đổi được. Đối với chỉ tiêu vật nuôi, xác định ổn định số lượng đàn bò, tăng năng suất, chất lượng thịt; riêng bò sữa là tăng chất lượng, quy mô và sản lượng từng vùng; đàn trâu và lợn ổn định số lượng; còn gia cầm tăng cả quy mô, năng suất và sản lượng.

Trong lĩnh vực lâm nghiệp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT chỉ đạo: Mục tiêu là làm thế nào phát huy được lợi thế, thay vì bấy lâu nay cứ chạy theo độ che phủ rừng thì giờ phải làm ra tiền cho dân; phòng hộ cũng phải ra tiền, độ che phủ của rừng cũng phải ra tiền. Ngoài ra, cần trồng những loại cây có hiệu quả cao, phù hợp với khí hậu từng địa phương. Đồng thời, cần đầu tư cho công nghiệp chế biến để góp phần nâng cao giá trị và hiệu quả từ tài nguyên rừng, giảm dần xuất khẩu gỗ thô và sơ chế. Đối với thuỷ sản, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: Đánh bắt phải xa bờ, nuôi trồng phải chú ý môi trường, nhất là đầu tư chế biến phải sâu hơn để nâng cao giá trị của ngành.

Làm cho dân có lãi nhiều nhất

Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: “Khi nói tới TCC, các chuyên gia quốc tế không đưa ra mục tiêu diện tích, sản lượng cụ thể mà mục tiêu là dân có bao nhiêu tiền, tăng bao nhiêu thu nhập. Khi làm ở địa phương, xin các đồng chí luôn luôn hỏi một câu, làm cái gì có lợi nhất, được nhiều tiền nhất”.

Khi nói tới TCC, các chuyên gia quốc tế không đưa ra mục tiêu diện tích, sản lượng cụ thể mà mục tiêu là dân có bao nhiêu tiền, tăng bao nhiêu thu nhập.


Về vấn đề nhiều người quan tâm thời gian qua là mâu thuẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng với đất lúa, Bộ trưởng cho biết: Có thể áp dụng linh hoạt các cây trồng khác để đạt các mô hình 100 – 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha, thay vì chỉ trồng lúa với thu nhập 60 triệu đồng/ha như hiện nay. Về lâu dài, có thể chuyển đổi 300.000ha không làm lúa, nhưng vẫn giữ 3,8 triệu ha đất sản xuất. “Trong luật, không có điều nào cấm chúng ta chuyển đổi sản xuất linh hoạt” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thanh Xuân (Thanh Xuân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem