Tăng 50%
Theo ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), việc tăng viện phí (cộng thêm lương và phụ cấp vào viện phí) nằm trong lộ trình đã định trước, không có gì bất ngờ. Lần điều chỉnh tháng 3.2016 mới chỉ cộng thêm phụ cấp trực ngày giường và phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật vào viện phí, đồng thời mới thực hiện ở đối tượng có bảo hiểm y tế (BHYT). Theo đó, liên Bộ Y tế - Tài chính đã điều chỉnh giá gần 1.900 dịch vụ kỹ thuật y tế. Riêng 9 bệnh viện (BV) trực thuộc Bộ Y tế đã tự chủ hoàn toàn về tài chính gồm: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, Răng hàm mặt T.Ư, Răng hàm mặt TP.HCM, Nội tiết, Phụ sản T.Ư, Tai -Mũi -Họng T.Ư, Mắt T.Ư đã đưa cả lương vào viện phí từ tháng 3.2016.
Người bệnh sẽ được hưởng dịch vụ y tế tốt hơn (phòng mổ hiện đại nhất cả nước tại BV Việt Đức). Ảnh: Diệu Linh
Còn từ cuối tháng 8.2016, viện phí sẽ cộng thêm cả tiền lương của nhân viên y tế vào giá. Theo các chuyên gia, ước tính viện phí sẽ tăng khoảng 50% so với lúc chưa điều chỉnh giá.
Ông Liên cho biết, trước đó, theo lộ trình, viện phí sẽ tăng đồng loạt vào tháng 7-8.2016. Tuy nhiên sau khi cân nhắc mức ảnh hưởng của việc tăng viện phí với đời sống người dân và chỉ số giá tiêu dùng (CPI), Bộ Y tế đang đề xuất việc điều chỉnh giá viện phí mới thành nhiều đợt, mỗi đợt sẽ thực hiện từ 8-12 tỉnh, thành phố và mới chỉ áp dụng cho người có BHYT. Theo đó, đợt điều chỉnh đầu tiên vào cuối tháng 8.2016 thực hiện điều chỉnh giá viện phí tại các địa phương có tỷ lệ tham gia BHYT khoảng 95%; đợt 2 vào tháng 10.2016 tại các tỉnh có tỷ lệ BHYT khoảng 90% và có mức tác động CPI thấp; đợt 3 vào tháng 11.2016 tại các tỉnh có tỷ lệ BHYT trên 85%; đợt 4 vào tháng 12.2016 ở các tỉnh có tỉ lệ BHYT trên 80% và đợt 5 vào tháng 1.2017 tại các tỉnh còn lại. Các cơ sở khám chữa bệnh cấp T.Ư đóng trên địa bàn nào sẽ thực hiện mức viện phí có tiền lương cùng thời điểm với địa phương.
Ông Liên đánh giá, từ tháng 8, viện phí mới tăng khoảng 50%, số tiền đồng chi trả của người dân sẽ lớn hơn nên cũng sẽ có tác động đến người bệnh. “Trong thời gian tới, viện phí mới sẽ áp dụng cho mọi đối tượng. Do đó, nếu không tham gia BHYT, người bệnh sẽ phải chịu gánh nặng rất lớn nếu bị tai nạn, bệnh nặng. Hiện vẫn còn 23,5% dân số chưa tham gia BHYT. Nên các bộ ngành cần có các giải pháp mạnh mẽ để tuyên truyền cho người dân hiểu giá trị của BHYT để người dân tham gia” – ông Liên cho biết.
Ban hành hơn 20.000 dịch vụ
Theo BHXH Việt Nam, hiện có 5 tỉnh có bao phủ BHYT trên 95% là Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang. Theo kiến nghị của Bộ Y tế, 5 tỉnh này nằm trong danh sách tăng viện phí đợt đầu tiên vào cuối tháng 8.2016.
|
Ông Phạm Lương Sơn – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, sau hơn 2 tháng điều chỉnh viện phí mới, người bệnh đã được hưởng lợi. Danh mục dịch vụ mới theo giá mới đã kết cấu vào giá hầu hết các vật tư tiêu hao nên người dân không còn phải mua thêm vật tư bên ngoài như khi giá viện phí quá thấp. Việc thực hiện đồng giá cho tất cả các dịch vụ (trừ tiền ngày giường và tiền khám) giữa các hạng BV giúp người dân cũng được hưởng dịch vụ y tế công bằng, đồng đều. Các BV cũng có cơ hội triển khai phát triển các kỹ thuật y tế, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Ngoài gần 1.900 dịch vụ đã được điều chỉnh, BHXH phối hợp Bộ Y tế ban hành giá của hơn 17.000 dịch vụ kỹ thuật khác và “phiên tương đương” cho hơn 6.000 dịch vụ của 26 chuyên khoa. Như vậy, các BV không lúng túng vì thực hiện kỹ thuật “không có tên” trong danh mục kỹ thuật quy định, không biết áp giá thế nào.
Bà Nguyễn Thị Bích Hường - Phó Giám đốc BV Việt Đức cũng nhận định, tăng viện phí đem lại cơ hội khám chữa bệnh tốt hơn. Người bệnh được coi trọng, được đặt đúng “bát gạo đồng tiền” mà người bệnh chi trả, còn BV phải phục vụ.
Theo bà Hường, dù là tuyến cuối nhưng hiện nay bệnh nhân BHYT tại BV Việt Đức chiếm khoảng 60- 70%. Là BV được tính cả lương và phụ cấp vào viện phí ngay từ tháng 3.2016 nên số tiền người bệnh BHYT phải chi trả là tương đối lớn. “Có các dịch vụ tăng giá 50-60%, lại là các ca ngoại khoa chi phí lớn, nên phần đồng chi trả cũng nhiều. Còn nếu sau này áp dụng cho mọi đối tượng thì người dân không có BHYT sẽ chịu gánh nặng lớn” – bà Hường cho biết.
Theo bà Hường, sau hơn 1 tháng thực hiện viện phí mới, BV cũng tiếp nhận một số khiếu nại khi người bệnh phải đóng tiền với những dịch vụ kỹ thuật chưa có trong danh sách được BHYT chi trả. Với các trường hợp này BV Việt Đức đã yêu cầu bác sĩ điều trị thay thế bằng một kỹ thuật cũ hơn, nhưng được quỹ BHYT thanh toán. Như vậy cũng giúp người bệnh có thêm lựa chọn.
Ông Sơn cho biết thêm, sau hơn 1 tháng tăng viện phí, BHXH cũng đã có đợt kiểm tra và nhận thấy vẫn còn một số BV thu thêm các chi phí đã tính vào giá dịch vụ y tế như găng tay, bơm tiêm, băng dính, tiền tiêm; một số BV để người bệnh tự mua thuốc, vật tư y tế trong phạm vi thanh toán của quỹ…
“Trong đợt kiểm tra gần đây, BHXH phát hiện có BV T.Ư đã thu thêm của bệnh nhân 3,2 triệu đồng trong khi giá dịch vụ chỉ có 600.000 đồng và đã tính đủ chi phí vật tư. Điều này là vô cùng phi lý. BHXH đã yêu cầu cán bộ bảo hiểm ở BV đó phải kiểm điểm, nếu để xảy ra tình trạng như vậy sẽ kỷ luật nặng. Ngoài ra, người dân khi đi khám bệnh cũng cần phải nắm rõ giá viện phí để kiến nghị nếu bị yêu cầu nộp thêm các khoản phí vô lý” – ông Sơn cho biết. /.
Khó chấm dứt nạn “phong bì” phiền hà
Theo TS Trần Tuấn – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, việc tăng giá viện phí là đương nhiên vì giá dịch vụ y tế của Việt Nam đã quá lạc hậu, không căn cứ trên giá thành thực tế. Do đó mới có tình trạng kết cấu dịch vụ không đảm bảo các vật tư y tế, người dân phải mua “bổ sung” từ bông băng, dây chuyền, chỉ khâu… mới đủ để điều trị. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, phải tăng chi phí. Giá viện phí tăng, tính đúng, tính đủ người dân sẽ không phải chi tiền túi, được điều trị tốt hơn.
TS Tuấn phân tích, viện phí tăng cũng không chắc chắn chấm dứt ngay được các tình trạng như quá tải bệnh viện, “bệnh” phong bì, thái độ phục vụ... Chất lượng khám chữa bệnh ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, cần có các giải pháp đồng bộ. Thậm chí, viện phí tăng kéo theo các áp lực cạnh tranh, thu hút bệnh nhân, “bệnh nhân trả lương cho bác sĩ”, “tính lời lãi trên sức khoẻ của người bệnh” sẽ kéo theo các vấn nạn khác như lạm dụng các dịch vụ kỹ thuật, “ép” bệnh nhân phải xét nghiệm, chiếu chụp không cần thiết. Khi đó Quỹ BHYT sẽ bị lạm dụng, người bệnh sẽ mệt mỏi, tốn kém mà chưa chắc đã được điều trị tốt.
Gần đây mạng xã hội ồn ào về một clip quay một nhân viên Bệnh viện K T.Ư nhận một sấp phong bì từ tay một người (được cho là người nhà bệnh nhân) rồi chia lại cho các nhân viên y tế khác. TS Tuấn cho biết, nếu viện phí được tính đầy đủ, kết cấu cả lương của bác sĩ thì thu nhập của bác sĩ sẽ công bằng hơn, về logic sẽ hạn chế được vấn đề “phong bì”.
“Nếu vẫn để tình trạng Bộ Y tế xây dựng quy chuẩn, rồi lại tự vận hành, tự kiểm tra sẽ luôn thiếu sự khách quan trong việc cung cấp các dịch vụ y tế chất lượng. Cần phải có hệ thống giám sát chất lượng dịch vụ y tế nằm ngoài hệ thống cung cấp dịch vụ y tế. Như vậy mới có được cách đánh giá khách quan, trung thực hơn” – TS Tuấn nhấn mạnh.
Diệu Linh (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.