Thờ ơ với di sản của cha ông?

Thứ tư, ngày 27/02/2013 08:29 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trưng bày “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” được khai mạc vào dịp đầu xuân ở ngay giữa thủ đô, nhưng khách tham quan vắng hoe. Bao nhiêu di sản quý báu, những bức tượng công phu tuyệt mỹ cứ lặng im trầm mặc...
Bình luận 0

Dạo một vòng di sản

Sáng 26.2, ngày đầu tiên sau khi trưng bày khai mạc, Triển lãm “Di sản văn hóa Phật giáo VN” tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia vô cùng vắng lặng, hầu như rất ít khách đến tham quan những di sản văn hóa vô cùng quý báu mà tiền nhân đã gửi lại cho con cháu đời sau. Trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật gồm tranh, tượng Phật, trang trí kiến trúc chùa tháp, đồ thờ cúng, nhạc khí… theo 5 thời kỳ lịch sử: 10 thế kỷ đầu Công nguyên, thời Lý- Trần, thời Lê sơ - Mạc, thời Lê Trung Hưng – Tây Sơn và Phật giáo thời Nguyễn.

img
Khách tham quan rất vắng trong bảo tàng.

Trong những hiện vật sớm nhất được trưng ở đây, quý giá nhất phải kể đến pho tượng Phật bằng gỗ thuộc văn hóa Óc Eo, thế kỷ 4 – 6. Pho tượng còn khá nguyên vẹn, được tạc nguyên khối từ một gốc cây to với đường nét uốn lượn mịn màng đến kinh ngạc nơi từng nếp áo, sống mũi. Màu gỗ qua thời gian từ nâu hồng tự nhiên đã chuyển thành xám đá khiến người xem có cảm giác pho tượng đã lẫn vào nơi từ đó nó khởi nguồn, những vết xước, những vết tích của chất liệu gỗ bị ăn mòn lại càng làm cho tượng sống động và trở thành một khối toàn bích.

Tượng Phật gỗ là sản phẩm đặc trưng của nghệ thuật văn hóa Óc Eo ở đồng bằng sông Cửu Long, cùng với những hiện vật khác bao gồm các pho tượng Phật, tượng Bồ tát tìm thấy ở di tích Phật viện Đồng Dương với đường nét tạo hình hiền hòa, mềm mại, tròn trịa, cho thấy một thời kỳ Phật giáo được truyền bá khá nhuần nhụy vào đời sống cư dân ở vùng đất này.

Một mảng trưng bày cuốn hút khác là về thời Lý – Trần, khi Phật giáo được coi là quốc giáo, đặc biệt giai đoạn này đánh dấu sự ra đời của một dòng thiền Việt Nam - thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông khai sáng trên cơ sở thống nhất các dòng thiền trước đó.

Hiện vật trưng bày có các cổ vật bằng đá tìm thấy tại chùa Phật Tích như bệ kê chân cột, cổ bệ tượng Phật chạm hình lưỡng long tranh châu, tượng Kim Cương, tượng Kinnari, đố cửa chạm hình rồng. Ngoài ra còn các pho tượng tổ, tượng tăng sĩ bằng gốm, đất nung; chuông chùa Vân Bản (Hải Phòng), cánh cửa gỗ chùa Phổ Minh (Nam Định), mô hình tháp thờ Phật, tượng khỉ (biểu tượng của Tam không)…

Mỗi hiện vật đều chứa riêng trong lòng nó một đời sống thẳm sâu và bao nhiêu công phu tuyệt mỹ của những bàn tay, khối óc tài hoa người nghệ nhân đã làm nên nó, khiến cho bước chân người xem quyến luyến không muốn rời.

Lạc đạo tùy duyên

Chúng tôi gặp trong bảo tàng bác Nguyễn Đăng Thịnh ở 56 Thái Hà (Hà Nội), một vị khách hiếm hoi đến tham quan, chiêm ngưỡng những di sản văn hóa Phật giáo. Bác cho biết: “Tôi nghe tin có cuộc trưng bày này nên sáng sớm phải đến ngay, bước chân vào đây thấy sung sướng vô kể, tâm hồn thư thái, tinh thần như được thanh lọc, thật khác xa với cảnh chen chúc cầu cúng ở những ngôi chùa. Tôi thấy thật khó hiểu khi người ta cứ rầm rộ đi chiêm bái những pho tượng Phật khổng lồ, vào đến khu trưng bày này, tôi mới tìm được những pho tượng Phật trong tâm thức mình, nhỏ nhắn, hiền hòa, gần gũi với văn hóa Phật giáo mộc mạc của người Việt”.

Bác Thịnh đứng lặng trước bài Kệ Vân của Phật hoàng Trần Nhân Tông, rồi nhẩn nha thích thú đọc thành tiếng bản dịch của nhà thơ Nguyễn Duy: “Sống đời vui đạo tuỳ duyên/Đói thì ăn mệt ngủ liền sá chi/Nhà ta châu báu thiếu gì/Vô tâm với cảnh biết khi nào thiền”. Sở dĩ bài Kệ Vân (hay còn gọi là “Cư trần lạc đạo phú”) được chọn trưng bày trong triển lãm này vì theo Thiền sư Thích Huệ Thiên, nó thâu tóm những tinh túy tư tưởng thiền học “cư trần lạc đạo, nhậm vận tùy duyên, gia trung hữu bảo, đối cảnh vô tâm”. Vì đạt được “tâm không” mà người tu thiền có khả năng ở với trần vui với đạo, đó chính là thiền vậy.

Cuộc trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật có niên đại từ đầu công nguyên tới thời Nguyễn, đặc biệt là chiếc trống đồng Cảnh Thịnh đúc vào thời Tây Sơn vừa được công nhận Bảo vật quốc gia Việt Nam. Sự kiện này sẽ kéo dài cho đến hết tháng 8.2013 tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Trần Lâm Biền cho biết cảm tưởng của ông khi đứng trước những hiện vật di sản Phật giáo: “Đằng sau tâm linh còn có vẻ đẹp của nghệ thuật, của văn hóa. Từ những hình tượng này, chúng ta nhìn bản sắc dân tộc Việt, đó là một tư tưởng hiền hòa, tôn thờ Phật tính như một ứng xử nhân ái với thiên nhiên, con người”.

Rời bảo tàng rồi nhưng có lẽ những người xem như chúng tôi vẫn chưa thôi ám ảnh, bởi đâu phải dễ dàng mà có dịp được chứng kiến nhiều đến như thế những bảo vật mà ông cha để lại trong đời. Từng đường nét chạm trổ tinh xảo, uyển chuyển và mềm mại nét hoa văn trên nếp áo tượng thờ hay chùm hoa cúc dây trên mảng trang trí chùa thời Lý đều chứa đựng bao nhiêu thông điệp. Một trong những thông điệp ấy cho chúng ta niềm tự hào, rằng tổ tiên chúng ta vô cùng tài hoa, đã từng “cư trần lạc đạo” trong một đời sống tâm linh thiêng liêng và thuần túy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem