Tỷ phú mát tay nuôi lợn, thu tiền tỷ

Thứ hai, ngày 19/03/2012 18:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ mấy con lợn ốm yếu làm vốn, được Hội Nông dân hỗ trợ, giờ đây gia đình anh Nguyễn Đức Hưng (tổ 7, phường Chiềng Sinh, TP.Sơn La) mỗi năm thu nhập hơn 1,5 tỷ đồng.
Bình luận 0

Gãi gãi mái đầu đã lốm đốm bạc, anh Hưng bảo: "Tuổi Thân (1968) của tôi vất vả lắm. Lấy vợ năm 1994, đến năm 2003 chúng tôi mới được công nhận thoát nghèo. Cái sự thoát nghèo ấy là nhờ mấy con lợn".

img
Hiện gia đình anh Hưng có hơn 20 lợn nái, mỗi năm cung cấp cho thị trường gần 1.000 con giống.

Trăm nghề không bằng nuôi lợn

Làm công nhân của Lâm trường Cánh kiến Sông Mã (Sơn La) chỉ được mấy năm thì anh Hưng phải thôi "làm người nhà nước" vì lâm trường giải thể. Đôi vợ chồng trẻ lao vào kiếm sống với hàng chục nghề: Bán quần áo rong, may vá, khâu giày dép, thợ mộc, thợ nề... nhưng vẫn chẳng đủ sống. "Đói đến nỗi sợ không dám sinh con" - anh Hưng bảo.

"Kiềm chế" mãi, 3 năm sau ngày cưới, đứa con đầu tiên ra đời. Gánh nặng kinh tế làm vợ chồng Hưng lao đao. "Làm cả chục nghề không sống nổi, chúng tôi quyết định quay về với nghề nấu rượu, chăn lợn" - anh Hưng kể. Nhưng vốn liếng không có nên mấy con lợn giống đầu tiên mua lại của các hộ nuôi thấy chậm lớn, bệnh tật mà bán đi cho khuất mắt. "Tôi phải xin dầu nhớt thừa ở các quán sửa xe máy để chữa ghẻ cho chúng. Thật may, về tay mình lợn lại nhanh lớn, năm ấy bán được giá cao, thế là cuối năm có một khoản tiền nho nhỏ để sang năm đầu tư tiếp" - anh Hưng nhớ lại.

Năm 2005, được Hội ND cho đi tham quan học tập một số mô hình chăn nuôi hiệu quả cao, anh dốc vốn đầu tư xây gần 50m2 chuồng trại và bắt về 3 con lợn nái. Những năm tiếp theo (2006-2009), được Ngân hàng NNPTNT cho vay vốn, anh đầu tư lớn hơn với diện tích chuồng trại gần 600m2, có quạt mát, sàn sắt; nuôi hàng chục con nái và hơn 100 con lợn thịt một lứa. "Năm 2011, tôi xuất chuồng hơn 60 tấn lợn hơi, trên 1.000 con giống và làm dịch vụ thụ tinh nhân tạo cho các hộ chăn nuôi khác trên địa bàn. Tổng lãi từ chăn nuôi của tôi mấy năm gần đây ngót 1 tỷ đồng/năm và là 1 trong 3 hộ nuôi lợn có hiệu quả cao nhất thành phố Sơn La" - anh Hưng cho biết.

Máu nghề nông

Không dừng lại ở những thành công trên, năm 2012 này anh Hưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống chuồng trại chăn nuôi lợn theo mô hình CP Thái Lan với tổng diện tích 1.030m2, đầu tư trên 300 triệu đồng mua thêm 30 con lợn nái sinh sản và 2 con lợn đực giống CP Thái Lan, mở thêm diện tích kho bãi để làm dịch vụ cung ứng thức ăn chăn nuôi. Hiện trang trại của anh tạo việc làm có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng cho từ 7 lao động nông thôn.

img Cái máu nghề nông nó ngấm vào tôi từ bé nên có vốn là tôi tìm thị trường đầu tư. img

Anh Nguyễn Đức Hưng

Anh Hưng bảo: Cái máu nghề nông nó ngấm vào tôi từ bé nên có vốn là tôi tìm nghề, tìm thị trường đầu tư. Thực hiện chương trình hợp tác phát triển toàn diện giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh Bắc Lào, vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư sang huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn (Lào) để hướng dẫn bà con các bộ tộc Lào sản xuất nông sản hàng hoá cà phê, lúa, ngô, đậu; chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò... Năm 2011, tôi đã đầu tư cho 5 bản, với 350 hộ giống, quy trình kỹ thuật sản xuất, mở đường giao thông vào khu sản xuất và nhận bao tiêu toàn bộ sản phẩm, với tổng số vốn đầu tư trên 3,5 tỷ đồng. Gia đình tôi đã thu mua trên 1.500 tấn nông sản. Bà con bên ấy được đầu tư ban đầu, lại được bao tiêu sản phẩm với giá thoả thuận nên phấn khởi lắm.

Nói về thành công của gia đình mình, chị Ngô Thị Thuỷ - vợ anh Hưng, bảo: “Chúng tôi có chí hướng, có quyết tâm nhưng nếu không có tổ chức Hội, các hội viên tâm huyết và ngân hàng nông nghiệp giúp đỡ thì cũng chẳng làm được gì. Vì thế, những hoạt động của Hội, khó khăn của hội viên về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất, gia đình tôi đều cố gắng góp sức hết mình. Giúp người lúc khó khăn là truyền thống của Hội ND, của ND Việt Nam, chúng tôi luôn tâm niệm điều ấy”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem