Vì sao cổ phiếu 'vua' mía đường vẫn lẹt đẹt?

Quốc Hải Thứ năm, ngày 01/04/2021 18:28 PM (GMT+7)
Hàng loạt cổ phiếu mía đường đã tăng mạnh giá trị từ 30-80% trong 3 tháng qua, tuy nhiên, với cổ phiếu “vua" mía đường SBT mức tăng này khá nhẹ, chỉ chưa tới 10%...
Bình luận 0

Là nhóm cổ phiếu ít được chú ý trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng từ đầu năm tới nay, cổ phiếu ngành mía đường đang có những biến động khá tích cực với những thông tin đến từ việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường thô từ Thái Lan hay việc giá đường thế giới đang tăng mạnh khi nguồn cung dự báo hạn chế.

Vì sao cổ phiếu “vua mía đường” vẫn lẹt đẹt? - Ảnh 1.

Cổ phiếu ngành mía đường tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm 2021 (Ảnh: IT)

Tuy nhiên, với "vua mía đường" SBT (Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa), câu chuyện cố phiếu tăng giá theo đà tăng chung của thị trường, của ngành mía đường là quá xa vời.

Cổ phiếu ngành mía đường tăng từ 30-80%, "vua mía đường" chỉ… nhích nhẹ

2 năm qua, ngành mía đường trong nước gặp không ít khó khăn bởi theo cam kết ATIGA, Việt Nam phải xóa bỏ hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường từ ASEAN từ ngày 1/1/2018. Do đó, với việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan là thông tin rất tốt cho các doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh yếu tố áp thuế, một thông tin hỗ trợ các doanh nghiệp mía đường trong nước là giá đường thế thời gian qua tăng khá mạnh, kéo theo giá đường trong nước tăng vọt.

Nhờ các thông tin hỗ trợ, cổ phiếu ngành mía đường cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Trong đó, tăng mạnh nhất là mã cổ phiếu LSS của Công ty CP Mía đường Lam Sơn, từ vùng giá 7.860 đồng/CP hồi cuối năm 2020 (phiên giao dịch 31/12/2020), hiện cổ phiếu này đã đạt tới mức giá 13.000 đồng/CP, tức tăng tới hơn 65%.

Tương tự, cổ phiếu SLS của Công ty CP Mía đường Sơn La cũng tăng rất mạnh, từ vùng giá 71.800 đồng/CP hồi cuối năm 2020, đến nay mã chứng khoán này đã tăng tới 127.000 đồng/CP, tức tăng tới gần 77%.

Cổ phiếu KTS của Công ty CP Đường Kon Tum cũng không nằm ngoài xu thế tăng giá. Từ vùng giá 14.000 đồng/CP thời điểm cuối năm ngoái, chỉ sau 3 tháng, mã chứng khoán này đã tăng tới 19.400 đồng/CP, tức tăng lên khoảng 38,5%.

Vì sao cổ phiếu “vua mía đường” vẫn lẹt đẹt? - Ảnh 2.

Nông dân thu hoạch mía (Ảnh: TL)

Trong khi đó, hai "ông lớn" ngành mía đường thì chỉ có đà tăng nhẹ. Chẳng hạn, QNS của Công ty CP Đường Quảng Ngãi tăng từ mức giá 39.300 đồng/CP hồi cuối năm ngoái, lên mức giá 42.600 đồng/CP thời điểm hiện tại, tức tăng khoảng 8,3%.

Tương tự, "vua mía đường" SBT cũng tăng nhẹ từ vùng giá 20.950 đồng/CP hồi cuối năm lên mức 22.900 đồng/CP thời điểm hiện tại, tức tăng khoảng 9,3%.

Vì sao cổ phiếu "vua mía đường" vẫn lẹt đẹt?

Thực tế, SBT hiện là doanh nghiệp mía đường lớn nhất Việt Nam, đứng đầu về cả diện tích vùng nguyên liệu (28% tổng diện tích trồng mía cả nước), công suất luyện đường (40% công suất luyện đường trong vụ) và mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh bán buôn, bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại và kênh thương mại (40% thị phần). Vì vậy, theo phân tích của các công ty chứng khoán, SBT sẽ được hưởng lợi nhanh hơn các doanh nghiệp trong ngành khi có thuế tự vệ đối với đường Thái Lan.

Theo SSI Research, khi áp thuế tự vệ với đường nhập khẩu, SBT khả năng tăng công suất luyện đường lên tới 300 ngày/năm, có sẵn mạng lưới phân phối đủ tất cả các kênh và hệ thống kho chứa lớn nhất cả nước (43 kho, tập trung chủ yếu tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ).

Một lợi thế khác của SBT là doanh nghiệp này ít gặp phải cạnh tranh tại phân khúc kênh công nghiệp với các khách hàng lớn B2B, ít áp lực cạnh tranh gay gắt khi đường Thái tràn vào thị trường Việt Nam. Phân khúc sản phẩm của SBT thuộc tầm trung và cao cấp nên có nhiều cơ hội xuất khẩu sang EU và các nước có hiệp định FTA với Việt Nam. SBT cũng dần định hướng phát triển các sản phẩm cao cấp, đặc biệt là các sản phẩm organic đem lại giá trị gia tăng cao xuất khẩu sang EU (sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực).

Vì sao cổ phiếu “vua mía đường” vẫn lẹt đẹt? - Ảnh 4.

Ngành mía đường cần nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn...

"Trong trường hợp không có thuế tự vệ, SBT cũng sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn trong ngắn hạn, do có hoạt động phân phối thương mại và có thể nhập khẩu chính ngạch đường Thái Lan về phân phối trong nước. Tuy nhiên, trong dài hạn, sự cạnh tranh với đường Thái Lan (trong trường hợp không có thuế tự vệ) vẫn là rủi ro lớn đối với hoạt động kinh doanh của SBT", chuyên gia của SSI Research, nhận định.

Dù vậy, tỷ lệ chi phí SG&A (Chi phí Bán hàng và Quản lý ) của SBT cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành, trong khi sử dụng đòn bẩy lớn hơn, khiến biên lợi nhuận thuần từ mảng kinh doanh cốt lõi của SBT kém hơn so với các doanh nghiệp trong ngành.

Tính đến cuối năm 2020, SBT đã đưa hệ số nợ vay/VCSH về mức 1,1x – là mức thấp nhất kể từ năm 2015 – nhưng lại là hệ số cao nhất trong các công ty đường, khá cao so với ngành 0,7x lần, và chủ yếu sử dụng nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên trong tháng 1, SBT đã phát hành thêm 700 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm, tiếp tục tăng tỷ lệ vay nợ (trái phiếu trơn không có tải sản đảm bảo, lãi suất 10%/năm cho năm đầu tiên sau đó thả nổi, mục đích phát hành để thanh toán hợp đồng mua đường với các công ty con trong Q1/2021).

Một yếu tố rủi ro khác khiến nhà đầu tư cân nhắc khi rót tiền vào SBT là rủi ro từ đầu tư vào cổ phiếu GEG. Tính đến cuối năm 2020, SBT hiện đang nắm giữ 38,3 triệu cổ phiếu GEG với giá vốn trung bình 16.646 đồng/cổ phiếu.

Thống kê Hiệp hội Mía đường (VSSA), nếu cả nước trước đây có 40 nhà máy mía đường thì đến niên vụ 2019-2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động, giảm 27,5%. Niên vụ 2020-2021, dự kiến sẽ có thêm 4 nhà máy gồm Sơn Dương, Nông Cống, Vạn Phát và Phổ Phong phải đóng cửa do không đảm bảo nguồn nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem