Vườn nhãn khổng lồ ra trái nghịch vụ ở Cần Thơ, ông giám đốc là Nông dân Việt Nam xuất sắc

Hồng Cẩm Thứ bảy, ngày 26/08/2023 05:20 AM (GMT+7)
Hơn 25 năm gắn bó với cây nhãn, thành công thất bại đều nếm đủ, đến nay ông Phạm Văn Lơ (TP Cần thơ) đã nắm vững kỹ thuật trồng nhãn như một kỹ sư nông nghiệp. Ông có thể chủ động cho nhãn ra hoa, kết trái bất cứ thời gian nào trong năm. Ông Phạm Văn Lơ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023.
Bình luận 0

Clip: Ông Phạm Văn Lơ, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP Cần Thơ, Giám đốc HTX Nhãn Nhơn Nghĩa chuyên trồng nhãn ra trái nghịch vụ. Ông Phạm Văn Lơ là Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023. Clip: Hồng Cẩm

Xây nhà, mua đất, tậu ô tô… nhờ cây nhãn da bò

Ông Phạm Văn Lơ (Út Lơ, SN 1968, ấp Nhơn Phú 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) chia sẻ, ông đã gắn bó với cây nhãn khoảng 26 năm, từ thành công với cây nhãn Da Bò, rồi thất bại cũng chính với cây nhãn Da Bò, cho đến ổn định với cây nhãn Ido ngày hôm nay.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 2.

Ông Phạm Văn Lơ, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP.Cần Thơ. Ảnh: Hồng Cẩm

Ông Út Lơ nhớ lại, vào những năm trước năm 1997, ở ấp Nhơn Phú 1 nói riêng, vùng Phong Điền nói chung bà con chủ yếu trồng Cam sành và các loại cây có múi, nhưng thường xuyên bị sâu bệnh nên thu nhập không cao, đời sống bà con rất khó khăn.

Năm 1997 ông và một số hộ dân được Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa cho đi Vĩnh Long tham quan mô hình trồng nhãn Da bò. Thấy bà con nông dân trồng nhãn Da bò thu nhập cao, nên về ông mạnh dạn cải tạo 1ha vườn cam, chanh không hiệu quả để trồng nhãn Da bò. Đồng thời, để hỗ trợ nhau về kỹ thuật, ngày công lao động, ông và 19 hộ dân khác trong ấp đã thống nhất thành lập Câu lạc bộ trồng nhãn Da bò, ông được bầu làm Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB).

"Những năm đó khó khăn lắm, dù bà con ai cũng nhiều đất vườn nhưng trồng cây trái không hiệu quả nên không có tiền thuê nhân công. Mục đích của việc thành lập CLB là hỗ trợ kỹ thuật và ngày công lao động cho nhau. 20 thành viên tập trung làm cho 1 hộ trong vòng 3 ngày là xong công việc. Cứ thế xoay vòng từ hộ này sang hộ khác nên CLB hoạt động rất hiệu quả, các thành viên đoàn kết hỗ trợ nhau"- Ông Út Lơ kể lại.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 3.

Ông Phạm Văn Lơ, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP Cần Thơ khởi nghiệp và làm giàu từ cây nhãn da bò và nhãn Ido. Ảnh: Hồng Cẩm

Sau 3 năm trồng nhãn da bò cũng bắt đầu cho thu hoạch vụ đầu tiên vô cùng phấn khởi. Nhãn cho trái vụ đầu khoảng từ 8-10 tấn/ha, nhưng giá nhãn da bò thời đó cao ngất ngưỡng, đến 30.000 đồng/kg.

"Lúc đó nhãn da bò giá cao mắc ham lắm, 30.000 đồng/kg. Trong khi đó giá vàng chỉ tầm khoảng 400.000 đồng/chỉ vàng. Tui bán 1 cần xé nhãn là mua được 1 chỉ vàng. Cứ thế từ năm 2001 đến 2011 tui và các thành viên trong CLB xây nhà tường, mua đất, tậu ô tô… nhờ vào cây nhãn Da bò"- ông Út Lơ vui vẻ nhớ lại thời hoàng kim của CLB nhờ cây nhãn da bò.

Tuy nhiên, đến năm 2012 bệnh chổi rồng trên cây nhãn xuất hiện và lan rộng ra cả nước, mặc dù đã áp dụng mọi kỹ thuật tích lũy, cùng sự hỗ trợ của các Giáo sư, Tiến sĩ của Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây ăn quả miền Nam… nhưng vẫn không cứu được cây nhãn Da bò.

Có thể xử lý cho nhãn ra trái bất cứ tháng nào trong năm

Năm 2014 thêm một lần nữa Hội Nông dân xã Nhơn Nghĩa đưa đoàn nông dân xã đi Vĩnh Long để tìm cây giống mới. Cuối cùng cơ duyên của ông Út Lơ và CLB vẫn gắn liền với cây nhãn, nhưng lần này là giống nhãn Ido - giống nhãn sừng sững cho hoa, cho trái giữa "đại dịch bệnh chổi rồng" trên cây nhãn Da bò. Thế là cuối năm 2014 ông và các thành viên CLB một lần nữa quyết định đốn hàng chục ha nhãn Da bò được xem là "cây tài sản" của mình để trồng lại giống nhãn Ido.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 4.

Với cây nhãn Ido để trúng mùa trúng giá ông Phạm Văn Lơ, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP.Cần Thơ cho cây ra trái nghịch vụ. Ảnh: Hồng Cẩm

Sau gần 3 năm nhãn Ido bắt đầu cho trái, tuy nhiên thị trường lúc này giá nhãn đã hạ nhiệt, giá giao động từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi đó vật giá các thứ, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao, nên lãi không cao. 2 năm đầu thu hoạch nhãn Ido khoảng 10 tấn/ha, đến năm thứ 3 trở đi thu hoạch từ 20 - 30 tấn/ha/vụ/năm.

Tuy nhiên, theo ông Út Lơ tuy thu nhập từ nhãn Ido không cao như thời trồng nhãn da bò nhưng bù lại thu nhập từ cây nhãn Ido rất ổn định, không bị rơi vào tình trạng trúng mùa rớt giá như những loại trái cây khác.

Đặc biệt, trải qua giai đoạn thăng trầm từ cây nhãn, bản thân ông Út Lơ cũng như các thành viên CLB đã học tập và đúc kết được rất nhiều kinh nghiệm và kỹ thuật trồng nhãn. "Các cuộc hội thảo, chuyển giao KHKT lớn nhỏ chúng tôi đều tham gia; rồi chúng tôi đi giao lưu học tập từ các mô hình ở các địa phương khác; trao đổi kỹ thuật với các giáo sư, tiến sĩ của các trường, Viện… Sau đó về áp dụng thực tiễn tại vườn cây của mình nên đến nay các thành viên CLB đều nắm vững kỹ thuật, cho trái chủ động theo ý muốn, có thể cho nhãn ra trái bất kỳ tháng nào trong năm năm"- Ông Út Lơ tâm sự.

Theo ông ÚT Lơ, nhãn mùa thuận xử lý cho trái dễ, thu hoạch vào khoảng tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, nhưng vào giai đoạn đó lại rơi vào mùa trái cây, rất nhiều loại trái cây ngon như: sầu riêng, măng cụt, vải, chôm chôm... Nên giai đoạn người khác thu hoạch trái thì ông mới bắt đầu xử lý hoa, đến khoảng tháng 2 hàng năm khi những nhà vườn khác đang dưỡng cây thì vườn nhãn nhà ông mới chín rộ, giá lại cao. 

Năm 2023 này ông thu hoạch 1ha nhãn Ido của mình được 21 tấn, với giá 30.000 đồng/kg, trừ chi phí lãi trên 350 triệu đồng.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 5.

Vườn nhẫn vừa xử lý ra hoa, sẽ cho trái vào khoảng tháng 2 năm sau của Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP.Cần Thơ- ông Phạm Văn Lơ. Ảnh: Hồng Cẩm

"Sau hơn 25 năm trồng nhãn, giờ kỹ thuật chúng tôi đã nắm vững, cho trái thuận mùa hay nghịch mùa đều không có gì khó và thậm chí chúng tôi vẫn trồng nhãn sạch dù trồng nghịch mùa, việc đầu tư chi phí cũng không cao như người ta nghĩ về việc trồng cây trái vụ"- ông Út Lơ nói.

Từ trồng nhãn bán đến làm chủ vựa trái cây

Cũng trong năm 2017, sau khi thu hoạch vụ nhãn Ido đầu tiên, CLB trồng nhãn của ông Út Lơ và bà con trong ấp được chính quyền địa phương hỗ trợ thành lập "Hợp Tác xã Nhãn Nhơn Nghĩa" và ông Út Lơ được tín nhiệm bầu làm Giám đốc HTX. Đến nay HTX đã phát triển được 29 thành viên, diện tích trồng là 22,5ha nhãn Ido; giải quyết cho 130 lao động có việc làm thường xuyên tại địa phương, thu nhập ổn định từ 9 triệu đồng/tháng.

Để đầu ra cho nhãn của HTX ổn định, HTX đầu tư thêm đại lý thu mua nông sản,với vốn điều lệ 1 tỷ đồng, thu mua các loại trái cây như: Nhãn, chanh, tắc, dâu, vú sữa, sầu riêng…

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 6.

Ngoài trồng nhãn cho thu nhập cao Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ TP.Cần Thơ- ông Phạm Văn Lơ còn là chủ vựa thu mua trái cây. Ảnh: Hồng Cẩm

Riêng cá nhân ông Út Lơ cũng mở một vựa thu mua trái cây, hiện đang đã liên kết khoảng hơn 10 công ty lớn nhỏ ở TP.HCM và các tỉnh phía Bắc để cung cấp trái cây theo yêu cầu phục vụ nội địa, chế biến, xuất khẩu… 

Hiện trung bình mỗi năm vựa của ông thu mua, cung ứng khoảng 1.000 tấn trái cây các loại, doanh thu khoảng 20 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên, ổn định cho 8 lao động.

"Các công ty liên hệ cần loại trái cây gì, tiêu chuẩn, báo giá... Sau đó mình đi khảo sát số lượng, nguồn hàng và tham khảo giá trong bà con nông dân. Khi tìm đủ số lượng, đáp ứng chất lượng và giá cả hợp lý thì mình chốt đơn đặt hàng của công ty và giao nhân công đi thu mua về đóng thùng đi giao"- ông ÚT Lơ cho biết.

Không những làm kinh tế giỏi, bản thân ông Út Lơ còn tích cực hưởng ứng tích cực phong trào tham gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương, như vận động, đóng góp hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại địa phương, đặc biệt là góp phần thực hiện các tiêu chí để xã được công nhận xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 7.

Hàng năm vựa trái cây của ông Út Lơ thu gôm và bán khoảng 1.000 tấn trái cây các loại. Ảnh: Hồng Cẩm

Nhiều năm qua mỗi năm ông đóng góp trên 300 triệu đồng vào công tác phúc lợi xã hội, riêng năm 2019, 2020 hỗ trợ sửa chữa 3,5 km đường giao thông nông thôn, sửa chữa xây dựng mới 4 cây cầu bê tông, trị giá 40 triệu đồng và vận động nhân dân đóng góp 350 ngày công lao động, trị giá 105 triệu đồng;  hỗ trợ 1,5 tấn gạo, 3 tấn rau, củ cho công tác phòng chống dịch covid-19, trị giá 30 triệu đồng...

Nhiều năm liền gia đình luôn đạt danh hiệu gia đình văn hóa; hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và thành phố, nhận nhiều giấy khen và Bằng khen của UBND thành phố, các sở, ngành thành phố, huyện, xã.

Bà Trần Thị Thiên Thư – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần thơ, nhận xét: Anh Út Lơ là người nông dân mới thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Bản thân anh luôn tìm tòi, học hỏi, nắm bắt xu hướng thị trường đầu tư sản xuất nhằm tạo hiệu quả kinh tế, đem lại thu nhập cho gia đình mình và tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Là người tiên phong xây dựng HTX Nhãn Nhơn Nghĩa và đưa HTX phát triển vững mạnh, các thành viên HTX đều là nông dân sản xuất giỏi các cấp.

Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ Cần Thơ là "Vua" xử lý nhãn cho trái nghịch mùa - Ảnh 8.

Vườn nhãn cho thu nhập cao, ổn định hơn 5 năm qua của Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đến từ TP Cần Thơ- ông Phạm Văn Lơ Ảnh: Hồng Cẩm

Trong cuộc sống anh là người có phẩm chất đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, giản dị và hòa đồng với mọi người, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và các quy định của địa phương. Đối với gia đình, ông luôn giữ nề nếp, gia đình hạnh phúc, nuôi dạy các con trưởng thành có việc làm ổn định. là tấm gương gia đình tiêu biểu của địa phương.

Về hoạt động xã hội, anh tích cực tham gia các hoạt động, phong trào ở địa phương, nhất là ở địa bàn nơi cư trú. Thường xuyên hỗ trợ giúp đỡ cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn nhà ở, vận động, tham gia đóng góp, thực hiện  xây dựng nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ cho trường học, học sinh trên địa bàn...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem