"Chiếc áo bảo vệ nền kinh tế đang rách"

Chân Tâm Thứ ba, ngày 09/06/2015 14:41 PM (GMT+7)
Đối với những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc sản xuất được nhưng có giá thành cao hơn, theo quy luật của thị trường, Việt Nam phải nhập. Nhưng chúng ta không chấp nhận chiếc áo bảo vệ có những lỗ thủng để hàng lậu chui qua, phá hoại sản xuất trong nước.
Bình luận 0

TS Mai Hữu Tính đưa ra một khái niệm tại nghị trường ngày 8.6 để diễn đạt về thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, rằng “chiếc áo bảo vệ nền kinh tế đang rách”. Khái niệm đó được chứng minh bằng con số cụ thể 63,7 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cao hơn 45% so với công bố của Tổng cục Thống kê Việt Nam. Cụ thể hơn, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc năm 2014 là 43,8 tỷ USD, cao hơn rất nhiều so với con số 29,8 tỷ mà chúng ta công bố. Một khoản chênh lệch gần 15 tỷ USD. 15 tỷ USD mà phía Trung Quốc đưa ra có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng cho dù có cao thấp hơn một ít, cũng rất nghiêm trọng. Khoản chênh lệch đó đi từ cửa nào mà Việt Nam không thống kê được là một câu hỏi cần phải giải đáp.

Hàng lậu từ Trung Quốc vượt biên giới sang Việt Nam bằng nhiều cửa, nhưng cho dù cửa nào thì trách nhiệm cũng thuộc về những cơ quan canh cửa. Lực lượng hải quan, quản lý thị trường kiểm soát không tốt. Hàng lậu từ Trung Quốc tuồn sang Việt Nam không chỉ giết chết sản xuất trong nước, mà còn có thể tổn hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Hàng trôi nổi không ai kiểm soát, dân mình có chết cũng không ai chịu trách nhiệm. Hàng hóa, sản phẩm gây nguy hại cho sức khỏe con người được cảnh báo ngay tại Trung Quốc, gian thương Trung Quốc không từ thủ đoạn với dân của họ, đừng mong họ thương dân mình.

Trái cây, rau củ Trung Quốc vào Việt Nam, thay tên đổi họ thành nông sản của Việt Nam. Dân mình cho dù có đủ nhận thức đề phòng sản phẩm không nguồn gốc từ Trung Quốc cũng bị đánh lừa. Người tiêu dùng chọn giá rẻ đương nhiên mắc bẫy, nông sản Việt Nam ế ẩm là một chuyện, chuyện to hơn là người tiêu dùng có thể bị đầu độc. Báo chí từng điều tra và đưa tin về những chuyến hàng lậu theo đoàn tàu từ biên giới phía Bắc về Hà Nội, rồi tỏa đi khắp thị trường nội địa. Phóng viên thâm nhập thực tế, đưa tin và hình ảnh rõ ràng về một cái chợ buôn lậu, thế tại sao các lực lượng chức năng không biết. Chiếc áo rách mà đại biểu Mai Hữu Tín nói chính là chỗ này đây.

Có một thực tế mà chúng ta phải chấp nhận, đó là đối với những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được, hoặc sản xuất được nhưng có giá thành cao hơn, theo quy luật của thị trường, Việt Nam phải nhập. Nhưng chúng ta không chấp nhận chiếc áo bảo vệ có những lỗ thủng để hàng lậu chui qua, phá hoại sản xuất trong nước.

Chiếc áo bảo vệ rách đó gây hại cho nền kinh tế đất nước, nhưng lại làm giàu cho những người tiếp tay cho buôn lậu. Không thay chiếc áo khác mà vẫn sử dụng chiếc áo rách này thì con số chênh lệch cán cân thương mại Việt Nam- Trung Quốc năm 2015 sẽ còn cao hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem