60 đội vào đường đua “sáng kiến giảm nghèo”

Lê San Thứ ba, ngày 02/08/2016 14:26 PM (GMT+7)
60 đội thi, đến từ 13 dân tộc thiểu số (DTTS) của 16 tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ đã cùng tham gia sự kiện Tọa đàm phát động Hội thi “Sáng kiến giảm nghèo bền vững thông qua phát huy nội lực cộng đồng”.
Bình luận 0

Sự kiện do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Đại sứ quán Ireland và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 2.8.2016 tại Hà Nội.

img

Các nhóm tham gia mang sản phẩm của mình giới thiệu tại hội thi.

img

Để có rau mang tới hội thi, chị Lý Mẩy Chát, dân tộc Dao, Sa Pa, Lào Cai phải hái rau từ tối qua (1.8) để bảo đảm độ tươi ngon khi ra mắt.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Hội thi được tổ chức thí điểm để tài liệu hoá mô hình hay, cách làm sáng tạo nhằm khuyến nghị áp dụng cho Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (CTMTQGGBV); phát huy vai trò và nội lực của cộng đồng (đặc biệt là nhóm phụ nữ DTTS) trong xây dựng và triển khai sáng kiến phát triển sinh kế gắn với tôn vinh giá trị sản phẩm bản địa, đảm bảo sự bền vững của môi trường, hướng tới sản xuất sạch để giảm nghèo bền vững và gia tăng giá trị cộng đồng.

“Các mô hình/cách làm sáng tạo trong giảm nghèo bền vững thông qua phát huy vai trò cộng đồng và kết nối với các nguồn hỗ trợ, nhu cầu thị trường sẽ cung cấp minh chứng, kinh nghiệm cho thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2016 – 2020, đặc biệt là dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo” – ông Đàm nêu tại hội nghị.

Một trong những nhóm tham gia hội thi này là nhóm sinh kế phụ nữ giảm nghèo nhờ nuôi thả cánh kiến đỏ ở xã Quang Chiểu, Mường Lát, Thanh Hoá. Đội này do chị Lương Thị Tiến làm trưởng nhóm, được thành lập từ năm 2014, ban đầu chỉ có 5-7 thành viên của mỗi thôn trong 3 thôn của xã. Đến nay, số thành viên tăng lên 14 -18 thành viên trong trong mỗi thôn. Cả xã có 11/13 thôn có thành viên nuôi thả cánh kiến đỏ. 100% số thành viên là phụ nữ dân tộc thiểu số… Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh, tổ hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng, liên kết với các nhóm phụ nữ khác của các xã thuộc huyện Mường Lát để chi em phụ nữ dân tộc trong huyện có thêm cơ hội gần gũi giúp nhau sản xuất, trao đổi kinh nghiệm và tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp của địa phương.

“Tham dự Hội thi này, Nhóm sinh kế phụ nữ giảm nghèo nhờ nuôi thả cánh kiến đỏ chúng tôi mong muốn được hỗ trợ tìm thêm đối tác làm bạn hàng tiêu thụ sản phẩm, và hỗ trợ quảng bá tiếp thị sản phẩm để nghề nuôi thả cánh kiến đỏ của đồng bào các dân tộc huyện Mường Lát phát triển bền vững, góp phần xây dựng quê hương” – chị Tiến chia sẻ.

Nhóm nuôi cánh kiến này được TS Đặng Kim Sơn trực tiếp tư vấn.

img

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Chuyên gia về chính sách giảm nghèo trao đổi với các nhóm hợp tác nuôi thả cánh kiến đỏ đến từ Thanh Hóa.

Các nhóm khác cũng được các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm, uy tín đến từ các bộ, ngành, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp…. trực tiếp tư vấn theo từng bàn tròn như TS Trần Văn Ơn – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Dược khoa Pharma; bà Nguyễn Thị Thu Hà và bà Nguyễn Thị Ngọc Hân đến từ Tổ chức UNDP; ông Nguyễn Quốc Văn – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển thanh niên nông thôn; ông Đoàn Hữu Minh (chuyên gia đến từ Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐTB-XH)… và nhiều chuyên gia khác.

img

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Trọng Đàm tham quan quầy hàng nông sản sạch bên lề hội thi. 

img

Các đội thi trao đổi rất nghiêm túc để giành được kết quả cao nhất.

Cách thức tọa đàm là thành viên các nhóm lần lượt nêu ý kiến, ý tưởng vào tờ giấy xanh, nêu khó khăn vào tờ giấy hồng, sau đó chuyên gia tổng hợp, trao đổi, chia sẻ và góp ý, gợi ý những vấn đề chung nhất để thúc đẩy các nhóm suy nghĩ trao đổi sâu để hình thành các kế hoạch kinh doanh khả thi hơn. Trong buổi chiều nay và ngày mai (3-8), các chuyên gia hướng dẫn các nhóm lập kế hoạch kinh doanh, các hướng tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ, đào tạo và vận dụng các đòn bẩy, nguồn lực cộng đồng, nguồn lực kỹ thuật và công nghệ, nguồn lực của gia đình… để các nhóm 

Cuộc thi sẽ bắt đầu từ tháng 7 đến hết tháng 12.2016, qua 3 vòng từ sơ tuyển cho đến chung kết với 10 đội chung cuộc. Giải thưởng gồm 10 giải, trong đó giải Nhất trị giá 20 triệu đồng. Tuy nhiên, cái được lớn nhất của các đội thi được các bên kỳ vọng là cơ hội của các đội tham gia trong việc được tư vấn, tương tác, kết nối và tìm kiếm những động lực mới, tư duy mới cho từng dự án của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem