Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid

Quyên GAVOYE Thứ bảy, ngày 13/02/2021 07:38 AM (GMT+7)
Cách ly là từ mà tôi đã quen. Đây không phải là lần đầu chúng tôi bị cách ly. Nhưng cách ly của những ngày gần tết thật sự rất khó khăn về mặt tâm lý và về mặt xã hội.
Bình luận 0
Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid - Ảnh 1.

24 tết, mẹ gọi điện sang nhắc, tết không có bánh chưng sẽ thiếu hương vị. Gia đình tôi ở miền bắc, có thói quen gói bánh chưng trước tết ông Công, ngày hai mươi ba tháng chạp. Những tấm bánh chưng vuông vức xanh màu xanh của lá dong, thơm mùi thơm của nếp cái hoa vàng cùng gia vị tiêu, thảo quả, tượng trưng cho sự hài hòa đất trời. Mỗi năm, mẹ thường dành ra một ngày để tổ chức gói bánh. Các bác, các dì tập trung cùng nhau gói bánh. Không khí luôn rộn rã. Người lớn vừa làm vừa kể chuyện ngày xưa trong khi trẻ con chúng tôi chạy lăng nhăng. Các bác, các dì để mặc chúng tôi vui đùa, mẹ bảo cả năm có mấy ngày tết để anh em gặp gỡ, thắt chặt tình cảm gia đình.

Mới đó mà gần ba mươi năm trôi qua, lũ trẻ chúng tôi lớn lên lưu lạc mỗi người một phương mưu sinh, họa hoằn mới tập trung được đông đủ như xưa. Mẹ vẫn giữ thói quen gói bánh trưng và nhắc các con gói bánh dù không còn cái rộn rã của ngày xa xưa, mẹ vẫn bảo bánh chưng là hồn tết, không có bánh chưng, không có tết.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid - Ảnh 2.

Năm nay là một năm vô cùng đặc biệt. Từ tháng giêng, tôi đã hứa với mẹ về ăn tết, nhưng rồi dịch Covid cứ loang mãi, các đường biên giới lần lượt khép lại. Ban đầu là đường biên giữa các quốc gia, sau thu hẹp lại thành đường biên giữa các tỉnh, các huyện, và đã có lúc những bước chân của chúng tôi bị giới hạn trong phạm vi một cây số. Nơi tôi ở, chỉ trong vài tháng, Covid đã biến cuộc sống của chúng tôi thành một cơn ác mộng. Cuộc sống của chúng tôi chòng chành theo từng đợt sóng virus. Chiều 22 tết, sở y tế gọi điện thông báo rằng gia đình chúng tôi thuộc dạng F1, bởi trong số bạn bè của tôi có người vừa dương tính nCov. Điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải cách ly ở nhà cho đến 29 tết, và sẽ xét nghiệm lần một. Diễn biến tiếp theo sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm.

Còn bao nhiêu thứ tôi chưa kịp mua để chuẩn bị tết. Không lá dong, không gạo nếp cái hoa vàng, và không cả thịt...

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid - Ảnh 3.

Bất chợt tôi nhớ, mẹ tôi ngày xưa đã từng kho thịt mà không có thịt. Mẹ thay thịt bằng củ cải và dừa, miếng củ cải ngấm đủ gia vị và vị béo của dừa trở lên mềm thơm như miếng thịt mỡ. Lũ trẻ chúng tôi ăn đến no căng cả bụng mà không chán. So với việc kho thịt mà không có thịt như của mẹ thì việc gói bánh chưng của tôi dễ dàng hơn nhiều.

Trong nhà tôi luôn có sẵn đậu xanh, gạo nếp, một loại nếp bán ở chợ người Việt, khô và không thơm. Không có lá dong nhưng tôi có lá chuối đông lạnh trong tủ đá. Tôi rất thích những món bánh trái Việt Nam, nên luôn phòng thủ lá chuối để khi cần là có. Gói bánh bằng lá chuối đông lạnh rất khó, bởi lá chuối mềm oặt và rất dễ rách. Rất may đây không phải là lần đầu nên tôi cũng có chút ít kinh nghiệm. Nhưng gói bánh bằng gạo nếp khô, không hương, không vị thật ngán ngẩm. Bất chợt tôi nghĩ đến những chiếc lá nếp thường được sử dụng để làm màu cho bánh. Tôi luôn có cả bó lá nếp trong tủ đá. Phải rồi, tôi sẽ xay chúng và dùng để ngâm gạo, vừa để cho gạo có màu xanh của lá dong, vừa để gạo thêm mùi thơm của lá nếp. Thật nhẹ nhõm khi mọi thứ đều có hướng giải quyết.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid - Ảnh 4.

Buổi trưa, hàng xóm nhà tôi đi chợ mang thịt treo trước cổng, cô cười giòn hỏi có phải sắp đến tết Châu Á. Với người Pháp, « tết » là lễ hội mừng năm mới của tất cả châu Á.

Sau khi ngâm gạo, đồ đỗ, tôi hứng khởi bắt tay vào gói. Có một điều mà tôi không thể ngờ, trong chiếc bánh chưng ngoài lá dong, gạo, đỗ, thịt, gia vị thì lạt gói bánh cũng là yếu tố quan trọng. Chiếc lạt tuy không có giá trị dinh dưỡng, nhưng nó giúp cột bánh để lá không bung ra. Khó có thể thay thế nó bằng dây hay một thứ gì khác vì tất cả đều khiến chiến bánh trở lên lỏng lẻo. Nhưng lúc này, dù bới tung cả nhà lên, tôi cũng không thể tìm thấy một chiếc lạt. Đành phải chấp nhận dùng dây để cột bánh. Lá chuối đông lạnh vốn đã khó gói và mỏng manh lại buộc bằng dây khiến công việc của tôi trở lên khó khăn hơn bao giờ hết. Chiếc bánh hoàn thành không vuông vức như của mẹ và có vẻ xấu xí.

Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid": Bánh chưng thời Covid - Ảnh 5.

Chiều qua mẹ gọi điện. cha mẹ lo nhà chúng tôi vì không ra được khỏi nhà sẽ không có tết, mẹ sợ tôi buồn và lo cho sức khỏe của chúng tôi. Tôi thông báo kết quả âm tính, họ thở phào nhẹ nhõm. Thành phố nơi cha mẹ tôi ở cho đến hôm nay vẫn còn an toàn nằm ngoài vùng dịch. Nhưng từ khi dịch bùng phát trở lại Việt Nam, họ cũng như những người tôi quen biết đều có ý thức ngay từ ngày đầu chống dịch. Mẹ bảo năm nay, cả nhà sẽ ăn tết gọn nhẹ, tránh nơi đông người, mẹ sẽ đi chợ một lần rồi cho tủ đá. Đồ ăn sẽ không tươi, nhưng trong hoàn cảnh lây lan, mọi ý thức chống dịch đều là cần thiết. Cuối câu chuyện với mẹ, tôi chĩa máy quay về phía những chiếc bánh chưng trên mâm cỗ nhà tôi. Cha mẹ vô cùng ngạc nhiên vì trong hoàn cảnh không thể ra khỏi nhà, tôi vẫn giữ được hồn tết. Mẹ ngắm nghía chiếc bánh chưng méo mó, nhìn tôi cười bảo đó sẽ là chiếc bánh chưng đẹp nhất của đời tôi và tôi sẽ không bao giờ quên nó, nó chính là bằng chứng của sự vượt qua khó khăn.

 Có lẽ không chỉ riêng với tôi, tết năm Tân Sửu sẽ mang một dấu ấn khó phai đối với tất cả những người dân Việt Nam khi xuân mới chưa kịp chạm cửa nhưng bóng ma Covid đã lấp ló đâu đây. Sẽ có rất nhiều người thuộc dạng F1 như tôi, sẽ không được mua sắm tết, và bị cách ly với xã hội. Nhưng ai cũng hiểu những ngày khó khăn rồi sẽ qua đi, mùa xuân vẫn còn rất dài, chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để có thể gặp gỡ và cười với nhau.

Cơ cấu giải thưởng của cuộc thi "Ăn Tết thời Covid" gồm:

1 Giải Nhất trị giá 5 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

2 Giải Nhì mỗi giải trị giá 3 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

3 Giải Ba mỗi giải trị giá 2 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

5 Giải Khuyến khích mỗi giải trị giá 1 triệu đồng và Giấy chứng nhận.

Thể thức cuộc thi viết:

- Các bài dự thi viết bằng tiếng Việt, chưa từng đăng trên ấn phẩm báo chí nào. Các bài viết gửi về tòa soạn báo điện tử Dân Việt theo địa chỉ email thoisu@danviet.vn (hoặc số điện thoại: 0903.222411 để hỏi thêm chi tiết) trong thời gian 10 ngày, từ ngày 10/2 (tức 29 Tết) tới hết ngày 20/2 (tức mồng 9 Tết Nguyên đán Tân Sửu). Các bài viết thuộc thể loại báo chí phản ánh, ghi chép, có độ dài tối thiểu 600 chữ, tối đa 1.500 chữ, kèm theo ít nhất 2 - 3 ảnh thực tế phản ánh trong bài viết, có chú thích rõ ràng.

- Các bài dự thi gửi về tòa soạn phải ghi rõ tiêu đề "Bài dự thi "Ăn Tết thời Covid" của báo Dân Việt", trong đó ghi rõ họ tên, tuổi, địa chỉ (rõ ràng để có thể liên hệ), số điện thoại và tài khoản ngân hàng (trong trường hợp tác phẩm được đăng tải, Tòa soạn có thể gửi nhuận bút cho các tác giả ở xa thuận lợi nhất).

- Ban Tổ chức sẽ lựa chọn những bài viết chất lượng nhất để đăng tải trên báo điện tử Dân Việt, sau đó tiến hành chấm giải với những bài được đăng và làm lễ trao giải sau Tết. Các bài đoạt giải sẽ được công bố trên báo điện tử Dân Việt.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem