Bến Tre: Giống mít đỏ của nước nào đang "gây sốt", dân Chợ Lách ghép cây giống đến đâu bán hết đến đó?

Thứ hai, ngày 24/05/2021 08:35 AM (GMT+7)
Hiện nay, nhà vườn Chợ Lách ưa chuộng giống mít mới là mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Thái Lan. Mít ruột đỏ này được lai giống và trồng nhiều ở các nước như Malaysia, Indonesia... Mới đây, được du nhập vào nước ta là giống PT 79 Indonesia.
Bình luận 0

Theo TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), năm 2021 mưa sớm thuận lợi cho sản xuất cây giống. Toàn huyện ước tính sản xuất 35 triệu cây giống các loại, với 7 ngàn hộ sản xuất cây giống trên diện tích 1.500ha.

Bến Tre: Ở Chợ Lách giống mít đỏ của nước nào đang "gây sốt", dân ươm cây giống đến đâu bán hết đến đó? - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Thảo, huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) sản xuất mít ruột đỏ lá bầu (xuất xứ từ Indonesia).

Nhiều cây giống mới

Hiện nay, SXCG nhiều nhất là cây mít. Ông Lê Quốc Nghị, ấp Trung Hiệp, xã Hưng Khánh Trung B cho biết, năm 2021, ông sản xuất khoảng 100 ngàn cây ghép bo mít siêu sớm để xuất đi các tỉnh. 

Hiện tại, mít ghép thành phẩm giá bình quân 25 ngàn đồng/cây. Toàn xã có khoảng 100 hộ ghép mít bán để tăng thu nhập cho gia đình.

Năm 2021, xã Phú Sơn dự kiến sản xuất bình quân 4 triệu cây giống/năm, trong đó nhiều nhất là mít. Ông Lê Văn Thắm - Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết: “1.000 mét vuông đất có thể trồng được 200 cây mít, sau 2 năm thì cho thu hoạch. Mít cho trái sau 4 - 5 năm phải trồng cây khác vì mít ghép có tuổi thọ ngắn. 

Ấp Lân Bắc trồng mít và sản xuất giống cây mít rất nhiều. Sau 2 tháng ghép cây mít ra 3 - 4 lá là bán được. Gốc ghép phải từ 1cm trở lên. Hầu hết các hộ dân ở đây đều trồng mít siêu sớm ghép vì cho năng suất cao”.

Hiện nay, nhà vườn Chợ Lách ưa chuộng giống mít mới là mít ruột đỏ có nguồn gốc từ Thái Lan. Mít ruột đỏ này được lai giống và trồng nhiều ở các nước như Malaysia, Indonesia... Mới đây, được du nhập vào nước ta là giống PT 79 Indonesia. 

Ông Lê Văn Thảo, chủ cơ sở SXCG Thảo Trang, ở xã Vĩnh Thành nói: “Giống mít này thích nghi được với điều kiện khí hậu nước ta. Mít ruột đỏ lá bầu (Indonesia) khi chín có màu cam đỏ như củ cà rốt, múi to, cơm dày, thịt giòn, vị rất ngọt và có mùi thơm như hương va-ni. 

Khi mít đỏ chín muồi, múi mít càng đỏ hơn, ăn càng ngọt và hơi mềm. Do đó, tùy theo sở thích ăn giòn hay mềm mà canh ngày chín của mít đỏ để khui trái. Bình quân mỗi trái mít đỏ nặng khoảng 10kg, nếu được chăm sóc tốt thì có thể nặng tới 17kg. Tôi đang ghép 40.000 cây mít ruột đỏ lá bầu, đến cuối năm 2021 có thể đạt 300.000 cây để cung cấp cho các nhà vườn trong toàn quốc”.

Ngoài mít ruột đỏ, ông Lê Văn Thảo còn sản xuất hàng trăm ngàn cây giống mới như: na sầu riêng (Đài Loan) có hương vị sầu riêng (đang trồng 4 mẫu ở Long An), sầu riêng Musang King (Malaysia), vú sữa hoàng kim (có trái quanh năm) và vú sữa Mica. 

Ngày nay, nghề sản xuất cây giống (SXCG) lan rộng lên đến xã Sơn Định. Tại đây, có cơ sở SXCG Hoàng Lan, ấp Phụng Châu, với 30 năm trong nghề.

Bà Bùi Ngọc Lan  - chủ cơ sở SXCG Hoàng Lan phấn khởi nói: “Khoảng 15 năm trước, tôi trồng vú sữa lò rèn. Cách nay khoảng 5 năm, có 1 cây có lẽ bị đột biến gen cho trái rất lạ: ngọt, thơm, khi chín muồi vỏ trái không có mủ, ăn được cả vỏ. Thấy vậy, tôi nhờ TS. Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đặt tên cho nó, thế là nó có tên vú sữa “Mica”.

Để có thương hiệu riêng cho vú sữa Mica của mình, bà Bùi Ngọc Lan đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền sản phẩm và trồng cây đầu dòng vú sữa Mica. 

Vú sữa Mica của bà Bùi Ngọc Lan đang có mặt từ tỉnh Cà Mau đến tỉnh Đắk Nông. Vú sữa Mica chỉ sau 2 năm trồng, chăm sóc đúng cách là cho trái. Bên cạnh vú sữa Mica, bà Ngọc Lan đang sản xuất 100 cây ổi giống mới là ổi ruột tím (thơm, ngọt, ít hạt), với giá 150.000 đồng/cây.

Hướng sản xuất mới

Do tình hình xâm nhập mặn trong những năm gần đây, nhiều hộ SXCG chọn hướng đi mới là mở rộng diện tích sản xuất đến các tỉnh không bị xâm nhập mặn. 

Ông Trần Văn Thành - Phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành nói về cái mới trong SXCG ở Cái Mơn: “Vĩnh Thành có khoảng 3.200 hộ SXCG, trong đó nhiều hộ đi mua hoặc thuê đất ở các tỉnh: Vĩnh Long, Long An, Tây Ninh… vì nơi đây có nước ngọt quanh năm. Đây là cái nhìn sáng suốt về lâu dài của một số nhà SXCG ở Vĩnh Thành”.

Ông Nguyễn Việt Hải ở ấp Vĩnh Hưng 2, xã Vĩnh Thành sang Vĩnh Long đầu tư 4ha trồng cây ăn trái và SXCG đã 4 năm. 

Chỉ tính trong 3 tháng đầu năm 2021, ông Việt Hải sản xuất 100.000 cây mít siêu sớm thu về khoảng 3,5 tỷ đồng. “Ngoài sản xuất cây mít siêu sớm, tôi còn sản xuất cây sầu riêng vì đây là cây truyền thống của Vĩnh Thành nói riêng và Chợ Lách nói chung”, ông Hải cho biết.

Ông Lê Văn Thảo, chủ cơ sở SXCG Thảo Trang chuyên cung cấp các loại cây giống trong và ngoài nước cho biết thêm: “Tôi thấy tình hình xâm nhập mặn như thế này là không ổn nên quyết tâm đầu tư 15ha tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An để làm cây nguyên liệu. Sau đó, đem cây nguyên liệu về SXCG trên diện tích 1ha, tại ấp Vĩnh Hiệp, xã Vĩnh Thành”. Hai năm qua, ông Lê Văn Thảo tập trung sản xuất mít ruột đỏ lá bầu (xuất xứ từ Indonesia); cây sầu riêng Musang King (Malaysia) và vú sữa hoàng kim (Đài Loan) đang hút hàng cùng với mít ruột đỏ.

“Trong sản xuất cây giống, nông dân Chợ Lách có nhiều cái mới cần nhân rộng và phát huy. Cụ thể, trái cây mới và tìm vùng đất mới không bị nhiễm mặn để sản xuất cây giống. Qua đó, duy trì và phát triển nghề truyền thống sản xuất cây ăn trái của Chợ Lách, với thương hiệu Cái Mơn”, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Lách Phạm Anh Linh.

Hoàng Vũ (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem