Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng

Bích Thuận - Thảo Quyên Thứ hai, ngày 08/08/2022 10:28 AM (GMT+7)
Là cửa ô duy nhất còn vẹn nguyên của Hà Nội, Ô Quan Chưởng nằm giữa nơi phố xá sầm uất, vẫn mang trong mình dấu ấn kinh thành Thăng Long xưa, minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.
Bình luận 0

Video di tích cổ trăm tuổi ở Hà Nội. Thực hiện: Bích Thuận - Thảo Quyên.

Từ cầu Long Biên, qua phố Trần Nhật Duật rẽ vào là thấy ngay cổng Ô Quan Chưởng sừng sững, uy nghi. Đối với người dân Hà Nội, đây là một chứng nhân, ghi dấu những biến thiên của lịch sử.

Lịch sử hào hùng của cửa ô cuối cùng còn sót lại

Ô Quan Chưởng là di tích đậm dấu ấn kinh thành Thăng Long xưa nhất. Giờ đây di tích đã nhuốm màu thời gian, những mảnh tường đã bám đầy rêu xanh, nhưng ở đó vẫn còn những câu chuyện ly kỳ được người dân xung quanh truyền tai nhau.

Ô Quan Chưởng tên chữ là Ô Đông Hà (Đông Hà Môn), được vua ê Hiến Tông xây dựng năm 1749.  Đây là cửa ô được mở qua tường phía đông của tòa thành đất bao quanh khu kinh thành Thăng Long xưa. Công trình này đã từng được trùng tu, sửa chữa hai lần vào năm Gia Long thứ 3 (1804) và năm Gia Long thứ 16 (1817), tuy nhiên, kiến trúc hiện nay là kết quả của lần sửa chữa vào năm 1804.

Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng - Ảnh 2.

Mặt trước của Ô Quan Chưởng, cửa ô duy nhất còn sót lại của kinh thành xưa. Ảnh: Thảo Quyên.

Sở dĩ có tên gọi Ô Quan Chưởng, là do người dân đặt theo một sự kiện có thật trong lịch sử. Để ghi nhớ công lao và sự hy sinh của viên Quan Chưởng cơ – chỉ huy vệ binh, cùng với 100 binh lính nhà Nguyễn, đã anh dũng chiến đấu đến người cuối cùng chống quân Pháp đánh vào thành Hà Nội năm (1873) qua cửa ô Đông Hà. 

Song do lực lượng quá chênh lệch, ông thất thủ ở Gia Lâm, bị quân Pháp giải về Hà Nội chém đầu và đem bêu bên bờ sông Cái ngay phía trước cửa ô Đông Hà. Nhân dân tiếc thương cho ông, nên từ đó cửa ô có tên gọi khác là Ô Quan Chưởng để tưởng nhớ sự hy sinh lẫm liệt của người con trung dũng này.

Là người sinh sống lâu đời cạnh cửa Ô Quan Chưởng, ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi) kể với chúng tôi: "Cho đến nay, không chỉ gia đình tôi, nhiều hộ gia đình xung quanh đây vẫn đều thờ cúng vị quan Chưởng cơ đó. Cứ ngày rằm lễ tết, mọi người sẽ thắp hương, cúng viếng tưởng nhớ công lao của ông".

Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng - Ảnh 4.

Ô Quan Chưởng là minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân ta. Ảnh: Thảo Quyên.

Cửa Ô Quan Chưởng được thiết kế theo kiểu vọng lâu, mặt trước nhìn về phía Đông và sông Hồng, mặt sau nhìn về phía Tây và phố Hàng Chiếu, với kiến trúc mang đậm nét kiến trúc thời nhà Nguyễn với những mái vòm. Ô Quan Chưởng được chia làm 2 tầng, tầng dưới gồm 3 mái vòm, cửa chính ở giữa cao tới 3m, rộng gần 3m, hai cửa phụ nằm ở hai bên mỗi cửa cao gần 2,5m.

Bên trên Ô Quan Chưởng có vọng lâu 4 mái, ngày xưa lính tuần thường đứng trên vọng lâu để canh giữ, quan sát xung quanh. Giữa phần trên nóc cửa chính và vọng lâu là một khung hình chữ nhật, có đắp chữ Hán bằng mảnh sứ màu xanh ghi chữ: "Đông Hà Môn".

Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng - Ảnh 5.

Khung chữ hán trên cổng ghi ba chữ "Đông Hà Môn". Ảnh: Thảo Quyên.

Tường được xây bằng đá và gạch vồ loại lớn, giờ đây cũng đã bám đầy rêu phong, sự đổi thay của năm tháng đã in hằn trên những viên gạch, bức tường.

Cánh cổng giao thoa giữa quá khứ và hiện tại

Nhớ lại ký ức, ông Nguyễn Văn Dũng (63 tuổi) cho biết: Ô Quan Chưởng trước đây từng là một cửa quan trọng thời kỳ 36 phố phường. Là nơi giao thương hàng hóa lớn của Hà Nội xưa, cách bến sông Hồng chỉ khoảng 80m. Nơi đây đã từng là chợ lớn vô cùng sầm uất, đâu đâu cũng thấy những hàng chợ, rao bán hàng tiểu thủ công từ khắp nơi trên cả nước.

Ngày xưa, khi thực dân Pháp chiếm đóng Hà Nội, những di tích lịch sử khác đã bị phá dỡ gần hết để xây đô thị mới. Tới Ô Quan Chưởng đã vấp phải sự phản đối dữ dội của nhân dân ở đây và ông cai tổng Đồng Xuân lúc đó là Đào Đăng Chiểu (1845-1916), người làng Khúc Thủy (Hà Đông) nên cửa ô này được giữ lại, nhờ vậy mà lưu giữ được một nét kiến trúc độc đáo mà chỉ riêng Hà Nội mới có.

"Hà Nội 36 phố phường giờ chỉ còn những tên gọi thôi, rất nhiều phố nghề giờ chỉ còn là tên gọi chứ không còn bán mặt hàng truyền thống ở đó nữa ", ông Dũng chia sẻ thêm.

Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng - Ảnh 6.

Dấu vết của tháng năm in hằn lên trên mỗi bức tường. Ảnh: Thảo Quyên.

Những ngôi nhà mộc mạc ngày xưa giờ đã thay bằng những căn nhà cao tầng, phố cổ đã trở thành con phố không ngủ. Duy nhất cửa Ô Quan Chưởng vẫn còn vẹn nguyên trở thành minh chứng cho một thời phồn thịnh.

"Tuy dấu vết kinh thành xưa đã phai nhạt nhiều, nhưng cũng may vẫn còn đó một dấu tích để người dân chúng tôi tưởng niệm. Ngay từ lúc bé tôi đã được nghe cha kể về lịch sử hào hùng của Ô Quan Chưởng, cũng nghe rất nhiều câu chuyện ly kỳ xung quanh nơi đây. Mỗi khi nhìn vào nó, tôi như thấy được quá khứ, có nơi để hoài niệm lại", ông Dũng bộc bạch.

Bí ẩn phía sau di tích cổ trăm năm tuổi Ô Quan Chưởng - Ảnh 7.

Ô Quan Chưởng được công nhận là di tích lịch sử năm 1995. Ảnh: Thảo Quyên.

Là chứng tích của kinh thành Thăng Long 36 phố phường, để giữ được dáng vẻ nguyên vẹn cho tới ngày nay, chính quyền địa phương và nhân dân đã luôn cố gắng gìn giữ, bảo vệ di tích lịch sử vô giá này. Mặc cho bao đổi thay của thời đại, di tích lịch sử này vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem