Cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập dân nông thôn tăng 1,5 lần vào năm 2025

Trần Quang Thứ năm, ngày 21/04/2022 14:47 PM (GMT+7)
Đó là mục tiêu được Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì ngày 21/4.
Bình luận 0
Cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 - Ảnh 1.

Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Trần Quang

 Cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn nông thôn mới

Chia sẻ tại hội nghị Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao. 

Tính đến 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn NTM, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,0 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 34,1%); có 16 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM.

Trong đó có 5 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.

Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể OCOP, đạt từ 3 sao trở lên, trong đó 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường và được người dân tín nhiệm.

Theo người đứng đầu ngành Nông nghiệp, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới NTM nâng cao, huyện NTM kiểu mẫu.

17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn theo các tiêu chí do UBND cấp tỉnh quy định. Đặc biệt, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương cho biết, trong giai đoạn tới, địa phương, nhất là cấp cơ sở, được phân cấp, trao quyền chủ động nhiều hơn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Các nguồn vốn thực hiện được lồng ghép thông qua việc sử dụng vốn của nhiều chương trình, dự án, hoạt động có cùng mục tiêu trên cùng địa bàn; khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, dàn trải, phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Theo ông Phương, các dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp được áp dụng quy chế đặc thù với quy trình đơn giản, thủ tục rút gọn. Ngân sách nhà nước hỗ trợ có điều kiện, một phần, người dân, các tổ chức cùng chia sẻ trách nhiệm trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xóa bỏ tư tưởng "trông chờ, ỷ lại".

Về chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung khẳng định: Mục tiêu tổng quát là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chương trình đặt mục tiêu hàng năm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1-1,5%, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3%, hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%; trong cả giai đoạn sẽ có 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Dự kiến tổng kinh phí thực hiện chương trình tối thiểu là 75.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, tạo động lực, đồng thời huy động tối đa các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cả nước có 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025 - Ảnh 2.

Các đại biểu trao đổi sôi nổi tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025. Ảnh: Trần Quang

Trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố

Trao đổi tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Quảng Nam, Gia Lai, An Giang… khẳng định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn.

Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 rất cao, trong khi những huyện, xã chưa hoàn thành NTM, chưa thoát nghèo có rất nhiều khó khăn đặc thù đòi hỏi không chỉ quyết tâm, nỗ lực mà cả những cách làm đột phá, sáng tạo hơn nữa.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cho biết, ngay từ năm 2021, Hà Tĩnh đã chủ động, cơ bản hoàn thành hệ thống các văn bản pháp lý và cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.

Nhờ chủ động triển khai, nên mặc dù trong bối cảnh chung là chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Hà Tĩnh vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, nhất là cấp cơ sở tổ chức, vận động, hướng dẫn người dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới gắn kết chặt chẽ với công tác phòng, chống dịch hiệu quả.

Lũy kế đến hết năm 2021, Hà Tĩnh đã có 9/13 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 173/182 xã đạt chuẩn NTM (chiếm 95% tổng số xã), 45 xã đạt chuẩn nâng cao, 3 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, 914 Khu dân cư NTM kiểu mẫu. 

Đối với Chương trình giảm nghèo bền vững, đến nay có 29/29 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển đã thoát khỏi tình trạng xã nghèo; không còn xã đặc biệt khó khăn miền núi, không còn thôn đặc biệt khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo từ đầu nhiệm kỳ là 11,4% (đầu năm 2016) xuống còn 3,05% (cuối năm 2021).

Để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng: Trong Đề án thí điểm tỉnh đạt chuẩn NTM có nhiều nội dung, tiêu chí có tính mới, thí điểm, rất cần sự giúp đỡ, hướng dẫn của bộ, ngành Trung ương. 

Đề nghị các bộ, ngành quan tâm, bố trí các nguồn vốn thuộc thẩm quyền của các bộ và hỗ trợ, giúp đỡ Hà Tĩnh xây dựng các mô hình thí điểm theo nội dung, tiêu chí của ngành phụ trách theo các nội dung của Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025”.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm từ các địa phương, lãnh đạo các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh khẳng định: Chúng ta đã xây dựng xong thể chế, cơ chế, quy định, bây giờ phải tập trung triển khai. Trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. 

"Các đồng chí phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; tuyên truyền, quán triệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cho đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia",Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nói.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Ban chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa hướng dẫn của Trung ương; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành được phân công  phải khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần.

Bộ LĐTBXH, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

"Những dự án, tiểu dự án thành phần, chương trình chuyên đề phải được lập, thẩm định theo đúng quy định về đầu tư công, pháp luật có liên quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem