Đến hẹn lại lên, cứ vào khoảng thời gian cách Tết Nguyên đán chừng một tháng rưỡi, người dân ở các làng hoa truyền thống của Hà Nội lại hối hả vào mùa vụ chuẩn bị các công đoạn cuối cùng cho hoa, cây cảnh để phục vụ nhu cầu chơi hoa Tết. Tuy nhiên, những người làm nghề không sao thoát khỏi nỗi lo, bởi phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, ngoài ra cũng cần có cách chăm đào, quất trúng vụ Tết.
Trong rất nhiều làng hoa có trồng quất cảnh ở Hà Nội, thì Quảng Bá, Tứ Liên (quận Tây Hồ) là hai địa danh có bề dầy truyền thống và nổi bật hơn cả. Một nông dân trồng quất cảnh ở Quảng Bá cho biết, mặc dù phải chăm sóc, vun trồng, tưới tắm quanh năm nhưng giai đoạn 2 tháng cuối năm mới thực sự là vất vả nhất, tốn nhiều công sức nhất mà chủ nhân của những vườn quất phải đầu tư vào nó.
Làng quất Quảng Bá, Tứ Liên vào thời điểm gò thế tạo dáng cây
Để cho một cây quất cảnh có dáng, thế đẹp, các cành quả phân bổ đều khắp xung quanh và từ dưới tán gốc lên ngọn thì nhà vườn phải đầu tư nhiều công sức để gò thế, tạo dáng. Người gò quất dùng các sợi dây đồng mềm mại nhỏ li ti như sợi tóc để buộc rồi níu kéo các cành ở những chỗ dầy kéo ra những chỗ thưa trống quả làm cho tứ bề của cây quất đều có quả.
Việc dùng dây đồng để gò, tạo thế cho cây quất như vậy mất rất nhiều thời gian, một người có khi cả nửa ngày mới có thể tạo dáng hoàn thiện xong 1 cây quất. Chính vì lâu công như vậy nên ở những gia đình trồng mấy trăm cây quất thường phải tranh thủ bắt tay ngay vào công việc sớm, hoặc thuê nhân công mới mong kịp mùa vụ.
Nông dân các làng quất cảnh đang hối hả gò thế cây đợi bán Tết.
Những ngày trung tuần tháng 12/2015 này, dạo qua các khu vườn trồng quất của làng Quảng Bá, Tứ Liên, chúng tôi được hiểu thêm về tính thời vụ và cách chăm đào, quất trúng vụ Tết. Bởi thấy gia đình nào cũng huy động tối đa các thành viên để gò thế tạo dáng cho quất cảnh. Nhiều hộ có tới 5 - 7 thành viên đều tham gia. Công việc bận rộn đến nỗi không ít hộ còn ăn trưa qua quýt, ở luôn ngoài ruộng để tận dụng thời gian.
Chị Lan, ở xóm Quảng Tiến, Quảng Bá, chủ nhân ruộng quất cảnh 300 cây kể: “Năm nào cũng vậy, nhà tôi neo người chỉ có 3 lao động nên việc gò quất nhà tôi phải bắt tay làm sớm hơn mọi nhà thì mới kịp bán tết. Sau chục ngày tạo dáng gò thế miệt mài, 3 thành viên nhà tôi mới làm xong được 60 cây, với tiến độ nnhư vậy thì phải tới khi cách tết chục ngày may mới làm xong việc”.
Tiếp xúc với ông Trần Văn Đang, 65 tuổi, người trồng quất cảnh có tiếng ở Tứ Liên, chúng tôi được biết nhiều năm nay xu thế của người dân chơi quất cảnh là họ thích dáng cây thông, mà dáng thông khó tạo hơn dáng tròn, nên người làm vườn phải mất nhiều công sức hơn mới làm được. Ông Đang cho hay, một cây quất dáng thông mà người mua ưng ý chọn phải là cây có quả phân bổ đều khắp tán. Vì vậy công đoạn gò cây tạo thế, tạo dáng là cực kỳ quan trọng, nó quyết định cây quất ấy có được giá tiền, nhiều người thích hay không. Chẳng vậy mà khi gò cây, người làm không được để một khoảng nào trên tán cây bị thưa vẹt quả, bị lép, hoặc lệch tán... Nếu không thì cây quất sẽ mất giá rất nhiều.
Bác Đang cho biết thêm, bình thường một cây quất sau khi gò thế xong khoảng 5-10 ngày mới hồi dáng, nghĩa là khi đó các cành lá, quả mới ngỏng lên phía trên theo tự nhiên, chứ không bị co cụm như khi mới buộc dây để kéo, gò. Vì vậy mà hầu như các hộ dân đều phải làm công việc gò thế cây từ sớm để cây có thời gian phát triển tự nhiên.
Các làng hoa đào vào mùa tuốt lá
Nếu như với người trồng quất cảnh, tuy có vất vả nhiều hơn đôi chút so với những người trồng hoa đào, nhưng sự rủi ro của họ là hầu như không có, chỉ là bán được đắt, hay rẻ mà thôi, rất ít khi mất mùa.
Nhưng với các nhà vườn trồng đào thì hoàn toàn khác, khi người nông dân từng phải "khóc ròng" vì hoa nở không đúng dịp khiến "thất thu", hoặc lời lãi không đáng kể. Khoảng thời gian cây đào vào mùa tuốt lá luôn thất thường, khi thời tiết có năm lạnh nhiều, có năm lại quá nắng nóng... Theo lịch trình của các nhà vườn trồng đào ở làng Nhật Tân đưa ra, nếu như thời tiết năm nào không quá lạnh, khoảng thời gian tính từ lúc bắt đầu tuốt lá cho tới khi cây bung nụ nở hoa là 45 ngày. Nếu như năm nào rét đậm, rét hại kéo dài thì khoảng thời gian cần cho cây đào, tính từ lúc tuốt lá tới lúc nở hoa phải là 50-60 ngày mới đủ. Mặc dù vẫn biết khung thời gian lịch trình là vậy nhưng ngay cả những người có kinh nghiệm trồng đào tới 50 - 60 năm ở Nhật Tân cũng chẳng dám nói trước được điều gì. Bởi sau thời điểm đã tuốt lá, người nông dân đều phó mặc cho “canh bạc” với ông trời.
Tuốt lá cho cây hoa đào.
Bà Nguyễn Thị Năm, 69 tuổi, ở xóm 2 Bắc Nhật Tân, hiện vẫn còn trồng vài chục gốc đào trên vạt bãi bồi ven sông Hồng kể: Nhà bà thường tuốt lá đào theo lịch cách tết 45-50 ngày, chứ việc trúng, trượt chẳng biết thế nào mà lường. Có năm ông thời tiết thì quá lạnh, năm lại quá nóng. Bà Năm còn cho hay, ngay một người trồng đào có thâm niên kỳ cựu như bà cũng còn bị hoa nở sớm trước tết, có khi lại bị nở sau tết cả thời gian dài là chuyện bình thường. Mà đào thì chỉ nở đúng dịp tết bán mới được giá, còn trước và sau tết thì bán rẻ như cho, coi như thất bát cả năm...
Dạo thăm làng đào Uy Nỗ (huyện Đông Anh), một vùng đất trồng hoa ở ngoại thành, chúng tôi thấy hầu như nhà nào cũng đổ ra đồng để tuốt lá đào mong cho kịp dịp tết. Công việc tuốt lá đào không quá lâu, khi vài, ba nhân công làm trong khoảng 3 ngày là có thể hoàn thiện một ruộng với cả mấy trăm gốc. Tuy nhiên, theo người dân trồng đào ở đây cho hay thì công việc này không hề đơn thuần là tuốt bỏ hết các lá trên cành, mà người ta phải dùng tay bứt từng lá theo chiều xuôi của cành. Nếu tuốt ngược, da của cành chỗ nách cuống lá bị trầy xước thì sẽ không thể ra nụ, hoa được. Chính vì vậy mà người tuốt lá đào cũng phải luôn cẩn trọng để làm sao đó không làm hỏng các nách cuống lá...
Giống như người dân trồng đào ở các làng hoa khác như Nhật Tân, Thường Tín, La Cả..., thì người dân Uy Nỗ cũng có những cách chăm đào, quất trúng vụ Tết. Đó là công đoạn tính toán thời gian, dự đoán tiết khí nông lịch để chọn thời điểm tuốt lá trong tâm niệm cầu mong thời tiết thuận hòa, mong trúng một mùa hoa tết. Chị Hồng, một người trồng 250 gốc đào ở Uy Nỗ tâm sự: “Trồng đào đã 12 năm nay thì nhà tôi trượt hoa tết tới 5 vụ, nên cứ vào mùa tuốt lá là lại lo, lại tự hỏi liệu năm nay có được ăn hay lại mất mùa...”.
Ngoài những làng hoa trên, nhiều nơi khác ở các huyện của Hà Nội như: Mê Linh, Gia Lâm, Sóc Sơn, Thanh Trì..., người nông dân cũng đang tất bật để trồng, chăm bón cho những sản phẩm hoa, cây cảnh của mình, trước khi mang chúng ra thị trường bán cho người dân vào dịp cao điểm của những ngày tết đến xuân về...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.