Tham nhũng chính sách làm đảo lộn trật tự xã hội

Lương Kết (thực hiện) Thứ sáu, ngày 06/11/2015 06:52 AM (GMT+7)
Phát biểu trước Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đã đề cập đến việc phải chỉ mặt và loại bỏ tham nhũng chính sách. Phóng viên NTNN đã trao đổi sâu hơn với ĐB Nguyễn Ngọc Phương xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Ông có nói đến hình thức tham nhũng chính sách lâu nay ít được đề cập. Vậy biểu hiện của nó cụ thể ra sao, thưa ông?

- Biểu hiện của tham nhũng chính sách có mấy dạng: Nếu như trong quá trình làm luật và xây dựng chính sách pháp luật mà không chú trọng, bóc tách có thể trong quá trình đó người ta đưa vào đó những hưởng lợi của chính sách theo kiểu lợi ích nhóm, ngành.

img

 ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình): Nguy hại lớn nhất của tham nhũng chính sách là làm giảm niềm tin trong nhân dân.   Ảnh: H.L

Biểu hiện thứ hai là thay đổi chính sách để nó phù hợp, tạo hành lang pháp lý để thực hiện đem lại lợi ích nhóm. Ví dụ trong buôn bán mặt hàng xe ô tô, có thể các đối tượng lợi dụng chính sách để trục lợi, như công ty kiểu này được nhập, công ty kia thì không.

Biểu hiện thứ ba, khi các nhóm lợi ích biết trong khu vực này có quy hoạch làm dự án như đường sá, họ tìm cách đưa dự án về đúng nơi mà họ đang có đất, hoặc người thân mình đang có.

Tham nhũng chính sách gây tác hại thế nào đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thưa ông?

- Nguy hại lớn nhất của tham nhũng chính sách là làm giảm niềm tin trong nhân dân. Nếu một ngành nào đó xây dựng bộ luật cho ngành mình, chỉ chú ý chuyện có lợi cho ngành mình thì sẽ xảy ra chuyện các ngành khác thắc mắc, còn người dân khi phát hiện ra thì không tâm phục, khẩu phục. Tác hại thứ hai là nó làm thất thoát tài sản của Nhà nước.

Tác hại thứ ba là khiến chúng ta bị mất cán bộ, bởi quá trình tham nhũng chính sách làm thoái hóa tư tưởng đạo đức cán bộ, chỉ chạy theo lợi ích nhóm mà không chú ý đến lợi ích của xã hội của quốc gia. Một điều nguy hiểm nữa trong tham nhũng chính sách là làm đảo lộn trật tự xã hội. Ví dụ anh muốn đưa người thân vào vị trí nào trong cơ quan mình, anh đưa ra những điều kiện ràng buộc khiến những người bình thường khác không vào được.

Cụ thể hơn, khi tuyển dụng cán bộ, đã có cơ quan nói chỉ tuyển nam không tuyển nữ, hoặc đưa ra điều kiện ngoài chuyên môn phải có thâm niên công tác 5 năm, có chứng chỉ này kia, ngoài chuyên môn còn phải biết về văn hóa, thể dục, thể thao... Đề ra chủ trương không phù hợp để ngăn cản người khác vào bộ máy nhà nước, đó là tham nhũng chính sách, như thế làm đảo lộn xã hội, làm mất đi những giá trị mà xã hội đang cần. Việc này làm cho người tài mất cơ hội đóng góp cho đất nước.

Theo ông, ở nước ta tham nhũng chính sách có tồn tại hay không? Nếu có thì đang ở mức độ nào?

Cuối cùng là trong điều chỉnh cơ chế chính sách, phân bổ ngân sách phải chú ý xem có gì ẩn nấp trong đó không? Đặc biệt với công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cũng phải có tiêu chí để minh bạch hóa.  

- Cá nhân tôi chưa có bằng chứng chứng minh sự tồn tại của tham nhũng chính sách, nhưng theo đánh giá của dư luận xã hội tham nhũng chính sách ở nước mình là có. Chính vì thế, việc chống tham nhũng chính sách cũng gặp nhiều khó khăn. Bởi tham nhũng chính sách bao giờ cũng biết luồn lách một cách tinh vi, rất khó để phát hiện. Một khi khó phát hiện thì Chính phủ chưa có minh chứng vụ việc cụ thể để rồi đưa ra giải pháp ngăn chặn. Tuy nhiên một khi dư luận xã hội đã đánh động thì Chính phủ phải suy nghĩ để sắp tới có đánh giá và đưa ra giải pháp ngăn chặn kịp thời.

Cần phải làm gì để ngăn ngừa hành vi tham nhũng chính sách xảy ra?

- Theo tôi, trước tiên trong công tác làm luật, Quốc hội phải rà soát, bóc tách những điều nào trong luật có thể đem lại lợi ích cho ngành, nhóm… Thứ hai, trong việc ra các nghị quyết, các chủ trương chính sách, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phải lưu ý xem xét trong các quyết nghị, chủ trương, chính sách đó có tham nhũng chính sách hay không, có liên quan đến lợi ích nhóm hay không, sau đó mới ban hành văn bản.

Cuối cùng là trong điều chỉnh cơ chế chính sách, phân bổ ngân sách phải chú ý xem có gì ẩn nấp trong đó không? Đặc biệt với công tác tuyển dụng cán bộ, công chức cũng phải có tiêu chí để minh bạch hóa. Nói tóm lại muốn phòng chống hiệu quả tham nhũng chính sách thì phải minh bạch hóa tất cả các chủ trương, đường lối chính sách, cũng như công tác tuyển dụng, công tác cán bộ...

Xin cảm ơn ông!

TS Đinh Xuân Thảo-  Đại biểu Quốc hội: Thiệt hại thuộc về số đông

Đúng là có hiện tượng về tham nhũng chính sách vì có những chính sách quy định khi ban hành ra nó liên quan đến vấn đề tiếp cận thông tin. Tất nhiên, việc này liên quan đến lợi ích nhóm, có nghĩa khi mà có những tác động của một nhóm lợi ích nào đó đến những nhà hoạch định chính sách để ra một văn bản có lợi cho họ thì rõ ràng người ban hành chính sách nhận lời hứa với người đề nghị và thế nào cũng có việc được hưởng lợi ích gì đó.

Ví dụ liên quan đến chính sách thuế chẳng hạn, như thuế nhập khẩu, xuất khẩu các mặt hàng được điều chỉnh tăng hay giảm theo thuế nếu mà làm minh bạch vì đa số, có lợi cho Nhà nước, người kinh doanh thì không có vấn đề gì. Nhưng có việc vì một số người tác động một chính sách nào đó mà nó chỉ đem lại lợi ích cho một nhóm nhỏ người thôi còn số đông bị thiệt hại.

Hay nhưng trong chính sách về giải phóng mặt bằng, vấn đề đền bù đất đai, khi mở đường đi qua vùng nào đó giá đất rất rẻ nhưng khi mở đường cao tốc, xây khu công nghiệp thì giá đất tăng cao gấp nhiều lần. Người làm quy hoạch biết trước, thông tin cho người nhà để đầu tư trước để chờ dự án, bán kiếm lời. Cái đó nôm na cũng là tham nhũng chính sách.

GS Nguyễn Minh Thuyết: Chỉ cần có quan hệ

Người ta đã từng kháo nhau về những chữ ký giá chục tỷ đồng. Một đề tài nghiên cứu của Ủy ban Kiểm tra T.Ư Đảng đã đề cập đến chuyện vận động chính sách (lobby) ngầm. Tham nhũng chính sách sẽ tạo ra môi trường kinh doanh thiếu bình đẳng, khiến doanh nghiệp không cần nâng cao năng lực, chất lượng sản phẩm, chỉ cần có “quan hệ” là giành được những hợp đồng béo bở. Từ đó gây lãng phí tiền của, cản trở sự phát triển, làm suy yếu khả năng cạnh tranh của kinh tế Việt Nam. Về xã hội, nó bóp méo các chính sách của Đảng, Nhà nước để phục vụ nhóm lợi ích, thương mại hóa quyền lực, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân. Muốn chống loại tham nhũng này thì phải minh bạch, xóa bỏ cơ chế xin - cho.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh):Làm mất lòng tin của người dân

Tham nhũng chính sách đã tồn tại và phát triển trong xã hội chúng ta từ rất lâu. Có chăng, bây giờ nó đang bùng phát một cách mạnh mẽ mà thôi.

Thực chất, tham nhũng chính sách chính là việc các cá nhân có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để xây dựng, thay đổi chính sách pháp luật nhằm mục đích trục lợi cho bản thân.

Chúng ta có thể hình dung thế này, có một ông cán bộ sắp về hưu hoặc chuẩn bị chuyển sang phụ trách một mảng nào đó trong lĩnh vực mà mình có quyền quản lý khi mà mình đang đương chức. Ông ta sẽ xây dựng rất nhiều các chính sách có lợi cho tổ chức đó, tăng quyền lực cho nó, sau đó là chuyển sang và ngồi hưởng lợi.

Nếu như tham nhũng thông thường chỉ ảnh hưởng đến một lĩnh vực nhất định thì "tham nhũng chính sách" sẽ ảnh hưởng đến cả một bộ phận rất lớn những người bị điều chỉnh bởi chính sách và mức độ trục lợi của hành vi này là vô cùng lớn. Nó không chỉ gây thiệt hại về mặt kinh tế mà còn làm mất lòng tin của đại đa số người dân vào bộ máy quản lý, vào năng lực xây dựng chính sách của bộ máy chính quyền ở Việt Nam.

Tham nhũng chính sách là có, nó vẫn đang tồn tại và phục vụ đắc lực cho các "nhóm lợi ích" trong xã hội và là vấn đề nhức nhối của toàn hệ thống chính trị trong việc phát hiện, điều chỉnh và xử lý. Theo tôi, việc tham nhũng chính sách tồn tại và phát triển nhưng khó phát hiện và xử lý là do nó được "hợp thức hóa bởi chính sách". Để hạn chế, ngăn chặn tham nhũng chính sách, phải nâng cao năng lực chuyên môn của những người phê duyệt chính sách, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, có cơ chế, chính sách xử lý nghiêm minh các hành vi này.

Đặc biệt phải xóa bỏ tư tưởng "lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm" trong quản lý và điều hành của các cán bộ, quan chức hiện nay.

Ngọc Lương - Thắng Quang  (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem