Chuyện giờ mới kể từ thầy giáo dẫn đoàn học sinh dự Olympic quốc tế đạt thành tích đáng nể

Tào Nga Chủ nhật, ngày 17/12/2023 07:25 AM (GMT+7)
PGS.TS. Đỗ Danh Bích, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ với PV báo Dân Việt về thành tích cũng như kỷ niệm với học sinh của mình trong cương vị là Trưởng đoàn Olympic Vật lý.
Bình luận 0

Thầy giáo dẫn dắt đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý: Chiến lược dẫn đến thành công

Năm 2023, Kỳ thi Olympic Vật lý Châu Á (APhO) lần đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau 2 lần thi trực tuyến do đại dịch Covid-19. Có 25 quốc gia và vùng lãnh thổ với 195 thí sinh tham dự tại Mông Cổ. Cả 8 học sinh đội tuyển quốc gia Việt Nam tham dự đều đoạt giải, mang về 4 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Trong số các quốc gia tham dự chỉ có 7 quốc gia đạt 100% số giải, trong đó có Việt Nam.

Tại Kỳ thi Olympic Vật lý quốc tế do Nhật Bản đăng cai với sự tham gia của 398 thí sinh thuộc 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, Đội tuyển quốc gia Việt Nam gồm 5 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương, gồm 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. 

Ngày 16/12, em Võ Hoàng Hải, học sinh Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tặng Huân chương lao động hạng Nhất sau 2 năm liên tiếp giành Huy chương Vàng. 

Đó là những thành tích của đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi Olympic Vật lý năm 2023. Đó không chỉ là niềm tự hào của riêng các học sinh mà còn với cả PGS.TS. Đỗ Danh Bích, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Vật lý Việt Nam.

Thầy giáo dẫn đoàn học sinh đạt HCV Olympic quốc tế và nhận Huân chương hạng Nhất - Ảnh 1.

PGS.TS. Đỗ Danh Bích, Trưởng khoa Vật lý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trưởng đoàn Olympic Vật lý. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, PGS.TS. Đỗ Danh Bích cho biết: "Năm nay là năm thứ 5 tôi dẫn đoàn và là năm đầu tiên làm trưởng đoàn. Điều lo lắng nhất là phần thi thực nghiệm trên thiết bị thật bởi thời gian Covid-19 các em chỉ học và thi trên máy tính. Tuy nhiên, các em đã thể hiện rất tốt, thậm chí còn tốt hơn cả năm trước".

Theo PGS Bích, việc chuyển từ thi trực tuyến với những thí nghiệm ảo sang thi trực tiếp đối với những môn có nội dung thi thực nghiệm như Vật lý, Hóa học, Sinh học đòi hỏi phải có sự chuẩn bị, tập luyện kỹ cho học sinh đặc biệt là năng lực thực hành.

Ngay sau khi các thành lập đội tuyển, Cục quản lý và kiểm định chất lượng đã phân công các trưởng đoàn cùng với các trường đại học, các viện nghiên cứu trực tiếp triển khai tập huấn đội tuyển. Kế hoạch tập huấn được xây dựng chi tiết, khoa học. Các đội tuyển đều được học tập với những thầy cô, chuyên gia có kinh nghiệm, có thành tích bồi dưỡng học sinh giỏi trên toàn quốc; được sử dụng các thiết bị, phương tiện tốt nhất trong quá trình tập huấn. 

Năm nay, các đội tuyển cũng có đổi mới trong việc tập huấn như mời cựu học sinh đạt giải quốc tế những năm trước, đang làm nghiên cứu, giảng dạy trong và ngoài nước tham gia giảng dạy cho các đội tuyển; phối hợp với một số trường đại học có cơ sở vật chất tốt để học sinh được sử dụng những điều kiện tốt nhất trong thời gian tập huấn".

Những kỷ niệm đẹp không bao giờ quên với học sinh

PGS Bích chia sẻ thêm, các em chỉ có hơn 2 tuần tập huấn thi Olympic châu Á và hơn 1 tháng ôn thi Olympic quốc tế. Dù thời gian ngắn nhưng cả thầy và trò đã đồng hành cùng nhau với rất nhiều kỷ niệm đẹp. 

Kỳ thi Olympic châu Á và quốc tế rất áp lực và căng thẳng. PGS Bích tiết lộ, các thầy cô giáo luôn tìm vấn đề mới cho các em tiếp cận, đưa các em thăm một số phòng thí nghiệm hiện đại trong nước, ngoài ra, sau buổi học còn tổ chức cho học sinh đi ăn lẩu, tổ chức sinh nhật... để giải tỏa tâm lý cho các em.

Bên cạnh đó, do tất cả học sinh đều ở trong ký túc xá nên việc trao đổi giữa thầy cô và phụ huynh cũng chặt chẽ hơn. Phụ huynh cũng thường xuyên vào thăm các em. Hay có một học sinh ở Thanh Hóa chỉ ăn được đồ ăn của gia đình nấu. Vì vậy, cứ buổi trưa là chị gái lại mang cơm đến cho em. 

Thầy giáo dẫn đoàn học sinh đạt HCV Olympic quốc tế và nhận Huân chương hạng Nhất - Ảnh 2.

PGS Bích (ngoài cùng bên phải) cùng đoàn Việt Nam giành thành tích xuất sắc tại Olympic Vật lý quốc tế 2023. Ảnh: Bộ GDĐT

Theo PGS Bích, để có được thành tích bây giờ là cả quá trình học tập đầy nỗ lực của mỗi học sinh. PGS Bích ấn tượng nhất là em Võ Hoàng Hải với 2 năm liên tiếp giành Huy chương Vàng năm lớp 10 và 11. "Hải ở Hà Nội nên được bố mẹ đầu tư học hành, đó là lợi thế. Tuy nhiên, tự bản thân em luôn là người cẩn thận và nổi bật. Vở ghi chép của Hải rất chỉn chu, chỗ nào là lưu ý, chỗ nào cần gạch chân, bôi đậm nên chỉ cần nhìn vào là học sinh khác có thể hiểu bài ngay. 

Thêm điều đáng quý ở Hải là giữ vững tinh thần cho các bạn khác, bài đã học qua nhưng em nghiêm túc, ghi chép đầy đủ. Chính vì vậy, khi sang Nhật Bản thi, Hải suýt không được Huy chương Vàng nhưng khi chúng tôi vào phản biện với ban giám khảo thì điểm cuối cùng điểm của em còn vượt qua mức điểm đạt huy chương Vàng. Lý do là đề bài chỉ yêu cầu tính toán cụ thể nhưng cách giải của Hải mang tính tổng quát hơn. 

Cũng có thể Hải hơi áp lực phải giữ vững thành tích khi đang muốn nộp hồ sơ vào Viện Công nghệ Massachusetts - MIT. Năm ngoái Huy chương Vàng nên năm nay thành tích của em không được "tụt hạng".

Đánh giá chung về học sinh Việt Nam trên trường quốc tế, PGS Bích cho hay: "Việt Nam luôn giữ vị trí 5-8 trong bảng xếp hạng. Để bật lên top 1-2 hơi khó nhưng thành tích chúng ta luôn ổn định. Ở châu Á có Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc rất mạnh, rất khó để vượt qua họ. Vì vậy, việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng ở các cơ sở rất quan trọng. Bên cạnh đó, chính các thầy cô giáo ở các cơ sở cũng cần tạo động lực, niềm tin cho các em".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem