Công nhân sửa tàu 67 hư hỏng bỏ về quê, đẩy ngư dân vào đường cùng

Dũ Tuấn Thứ năm, ngày 31/08/2017 18:45 PM (GMT+7)
“Đúng ngày 30.8, Công ty phải sửa chữa xong tàu để tôi vươn khơi đánh bắt. Đến nay đã quá hạn, tàu chưa sửa xong mà công nhân bỏ về hết, chỉ còn vài người già… Cứ đà này, tôi phải trả tàu về nơi sản xuất”-ngư dân Võ Tuân (chủ tàu vỏ thép được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) bức xúc nói.
Bình luận 0

Công nhân về quê vì đau ốm?

Ngày 31.8, ngư dân Võ Tuân (xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99018 TS (đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) cho hay: “Đúng ngày 30.8, Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải sửa chữa xong tàu để tôi vươn khơi đánh bắt. Thế nhưng, nhà máy đóng tàu cố tình kéo dài thời hạn khắc phục, không thực hiện đúng cam kết khiến tôi rất lo lắng vì cảnh nằm bờ, nợ nần chồng chất”.

Theo ông Tuân, để có con tàu hư hỏng này ông mất gần 16 tỷ đồng. Điều đáng ngạc nhiên, trong phụ lục thanh toán ông phải trả tiền chất liệu đóng tàu bằng thép Hàn Quốc/ Nhật Bản nhưng thực tế Công ty lại đóng tàu bằng thép Trung Quốc.

“Hàng loạt thiết bị không đúng hợp đồng, dàn đèn thiếu 20 cái, máy bảo ôn, máy dò cá cũng không đúng?. Công ty đóng tàu sai với thiết kế, lưới quấn chân vịt nên tôi phải tự chuyển từ lưới vây sang mành chụp. Tháng 5.2017, do mối hàn trên cần cẩu của tàu không đảm bảo nên xảy ra tai nạn. Khi tôi đang quấn dây thì bất ngờ cần cẩu sứt mối hàn, rơi cần đập vào tay khiến tôi mất bàn tay trái. Hành vi gian dối của doanh nghiệp khiến ngư dân lâm vào cảnh nợ nần, kiệt quệ. Tôi đã chịu thiệt khi chấp nhận giữ lại thép Trung Quốc nhưng phía Công ty vẫn cứ rề rà sửa chữa”- ông Tuân bức xúc.

img

Tàu của ngư dân Võ Tuân mới được sơn chỉ 1 lớp. Ảnh: D.T

Tàu ngư dân Võ Tuân là 1 trong 5 tàu vỏ thép hư hỏng do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng. Qua kiểm tra thì mẫu thép trên tàu đạt thép cấp A, doanh nghiệp cam kết sửa chữa và sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình, với chất lượng sơn tốt nhất. Đồng thời, bồi thường chênh lệch giá tôn thép từ thép Hàn Quốc sang thép Trung Quốc.

“Ban đầu có đến 20 công nhân sửa chữa nhưng 5 ngày nay Công ty TNHH Đại Nguyên Dương lại cho công nhân về hết, chỉ để lại khoảng 3 người già không làm được gì. Trong khi tàu tôi mới chỉ sơn được 1 lớp, còn lại 4 lớp sơn nữa, mất khoảng vài hôm nữa là xong thôi. Giờ họ lại cho công nhân về hết, cố tình kéo dài thời gian khắc phục. Mọi sinh hoạt, kinh tế gia đình tôi chỉ trông đợi vào con tàu này mà giờ tàu cứ nằm bờ. Cứ đà này, chắc chắn tôi phải trả lại tàu về nơi sản xuất”- ông Tuân bức xúc.

Trả lời qua điện thoại, ông Nguyễn Xuân Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đưa ra lý do, thời tiết nóng bức, nước ngọt không có, ăn uống thất thường, công nhân đau ốm nên đã cho họ về nghỉ.

“Hiện tại, chúng tôi đã bắn được 1 lớp sơn rồi nhưng anh em công nhân mệt mỏi quá, nước non không có, ăn uống không quen với môi trường. Ở trong đấy ăn cay quá nên đau ốm, phải cho họ về vài ngày sau lại vào khắc phục tiếp”- ông Nguyên phân trần.

Dự hơn 10 cuộc họp… vẫn chưa có câu trả lời

Trong khi đó, tàu vỏ thép BĐ 99179 TS (được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương) của ngư dân Mai Văn Chương vẫn chưa có phương án sửa chữa chính thức.

“Trong phụ lục thanh toán tiền, tôi phải trả tiền chất liệu đóng tàu bằng thép Hàn Quốc/ Nhật Bản nhưng Công ty lại đóng tàu bằng thép Trung Quốc. Đáng lo ngại hơn, qua kiểm tra mẫu thép Trung Quốc của cơ quan chức năng thì thép đóng tàu của tôi không đạt thép cấp A. Tôi yêu cầu phải sửa chữa theo đúng hợp đồng. Thế nhưng, tàu nằm bờ 3 tháng dự hơn 10 cuộc họp nhưng hiện tại vẫn chưa có câu trả lời?. Trong khi đó, tổng thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, ngân hàng thì liên tục giục trả nợ”- ông Chương than vãn.

img

Tàu của ngư dân Mai Văn Chương bị hỏng hóc nhưng chưa có phương án sửa chữa chính thức. Ảnh: D.T

Lãnh đạo Sở NNPTNT Bình Định cho biết, tàu của ngư dân Võ Tuân đã được phép sửa chữa nhưng theo phản ánh thì nhiều công nhân của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đã dừng việc để về quê. Sở này sẽ liên hệ để yêu cầu doanh nghiệp, nhanh chóng khắc phục cho ngư dân.

Riêng, 4 tàu được đóng tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, theo kiểm tra của cơ quan chức năng về mẫu thép thì thành phần hóa học: không đạt cấp thép A do có thành phần Mangan (Mn) thấp hơn so với quy định theo Bảng 7A/3.1 của QCVN 21:2010/BGTVT. Hiện tại, vẫn chờ ý kiến chuyên gia, sau đó UBND tỉnh Bình Định sẽ đưa ra phương án cuối cùng.

“Đòi kiện là sai hoàn toàn”!

Tại buổi làm việc với Sở NNPTNT tỉnh Bình Định (ngày 21.8), ông Lê Văn Thục - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đại Nguyên Dương cho rằng, khi công ty nhập thép về, thì Trung tâm đăng kiểm (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) đã lấy mẫu kiểm tra, thép đạt Mac A mới đồng ý cho sử dụng làm vật liệu đóng tàu. Ông này cho biết sẽ kiện Bộ NNPTNT nếu bắt Công ty phải tháo thép ra thay lại. Đối với 5 ngư dân, nếu hai bên thỏa thuận được thì Đại Nguyên Dương sẽ làm hồ sơ gửi ra tòa án Hà Nội để kiện.

Ngư dân đóng tàu tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết, sẽ theo hầu đến cùng nếu Công ty này đâm đơn kiện ra tòa.

img

Ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá. Ảnh: D.T

Trao đổi với báo chí qua điện thoại, ông Đào Hồng Đức- Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản, Bộ NNPTNT) lại cho rằng, ông Thục lập luận như thế để đòi kiện là sai hoàn toàn. Bởi, trong các công đoạn đăng kiểm viên kiểm tra an toàn kỹ thuật, có công đoạn kiểm tra vật liệu. Trong bước kiểm tra vật liệu này, đăng kiểm viên không làm thay việc của nhà máy là lấy mẫu thép đi kiểm tra, mà đăng kiểm viên dựa trên cơ sở tổng hợp hồ sơ, trong đó có các chứng nhận do nhà máy đóng tàu cung cấp để xác nhận chất lượng vật liệu.

“Chúng tôi đã kiểm tra lại quá trình làm việc của đăng kiểm viên trong các bước kiểm tra an toàn kỹ thuật, trong đó có bước kiểm tra vật liệu và xác định anh em đã làm đúng. Nhà máy đóng tàu phải thực hiện các bước kiểm tra về chất lượng và cung cấp các chứng chỉ xác nhận chất lượng cho đăng kiểm viên để đăng kiểm viên tổng hợp, đi đến xác nhận vật liệu có đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn không, sau đó mới cho phép dùng vật liệu ấy đóng tàu. Do ông Thục nghĩ là đăng kiểm viên đã lấy mẫu thép đi kiểm định, nên giờ phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, vì vậy ông ấy mới đòi kiện”- ông Đức cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem