Đêm hát nên duyên!

Nguyễn Văn Công Thứ tư, ngày 16/09/2020 08:00 AM (GMT+7)
Trai gái cứ vào độ tuổi trăng tròn đổ lên, tối tối rủ nhau ra ven đê sông Nhuệ ngồi hát, đứng hát, chèo thuyền hát cả đêm mà không biết chán.
Bình luận 0
Kể chuyện làng: Đêm hát nên duyên! - Ảnh 1.

Sông Nhuệ thơ mộng ngày nào giờ rất ô nhiễm, nước đen và bốc mùi hôi thối.

Hát trống quân là một loại hình dân ca đối đáp qua những câu hát giao duyên có nội dung trao đổi về kinh nghiệm sống giữa nam, nữ thanh niên và rất phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là các làng ven sông. Tuy vậy, không phải ở làng ven sông nào cũng có hát trống quân, ví như làng Đan Nhiễm thôn Đan Nhiễm, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, TP Hà Nội có hát trống quân nhiều đời nay nhưng mấy làng liền kề đó thì không ai biết.

Năm cụ thể hình thành hát trống quân ở Đan Nhiễm thì ngay cả nghệ nhân làng gạo cội cũng không nắm rõ, chỉ biết rằng, ngay từ khi sinh ra ai trong làng cũng ỉ ơi câu hát:

Trên trời (thời) có đám mây xanh

Ở giữa (thời) mây trắng (ấy)

Chung quanh mây  vàng (ư…)

Ước gì (thời) anh lấy được nàng thì anh (này)…

Nước sông Nhuệ hồi ấy trong xanh, mùi cỏ non, mùi ngai ngái lá tre thoảng thoảng thổi cả ngày, những bè rau muống xanh ngần tô điểm thêm cho sân khấu trống quân những đêm trăng thanh gió mát. Cảnh tượng đó như cảnh thần tiên nơi thôn dã mà không cần bất cứ một đạo diễn nào dàn dựng.

Rồi từ đó mà không ít cặp đôi nam nữ đã nên duyên, họ hợp nhau từ câu hát, cách thể hiện nét mặt, ánh nhìn và cứ dần dần xích lại gần nhau. Bà Nguyễn Thị Vẫy kể rằng, hát trống quân chính là sợi dây tơ hồng se duyên với ông Nguyễn Văn Cường, sau lấy nhau rồi, đêm nào bà cũng hát cho ông nghe mấy câu trước khi đi ngủ, mà thiếu không tài nào ngủ được.

Làng Đan Nhiễm nam, nữ lập gia đình từ khá sớm, một phần là làng thuần nông, không có nghề phụ, một phần chính nhờ hát trống quân se duyên. Nếu như nam nữ thanh niên xin phép bố mẹ tối đi hát trống quân thì chẳng ai cấm, đó như là phong tục truyền đời mà chính họ đã từng trải qua. Làng Đan Nhiễm cũng khá cởi mở với dân làng khác, nếu như thanh niên nào muốn gia nhập đội hát thì chỉ cần tự học lấy vài buổi, xin phép là có thể gia nhập, từ đó mà nên duyên tơ hồng một cách dễ dàng.

Sau khi tái chiếm Việt Nam năm 1946, hát trống quân không được duy trì do giặc Pháp chiếm đóng các vùng đồng bằng Bắc Bộ, chúng cấm tụ tập đông người. Đặc biệt, về đêm tối, nếu tụ tập đông người mà lại còn râm ran hát thì chúng có thể nổ súng ngay lập tức vì nghi là họp hành cách mạng. Tuy vậy, lời ca tiếng hát đã ăn sâu vào máu người làng Đan Nhiễm, họ không được tụ tập hát thì họ hát ở nhà, cho chồng, cho con nghe, nên sau năm 1954 giải phóng miền Bắc hát trống quân dần được khôi phục.

Bà Vẫy nhớ lại những năm sau Đổi mới, chế độ bao cấp được bãi bỏ, nền kinh tế thị trường dần được hình thành, người dân được tự do buôn bán, đời sống khấm khá lên hẳn. Tuy vậy, hát trống quân lại dần đi vào quên lãng khi ai cũng bận rộn với công việc, chợ búa, sớm hôm chẳng còn thời gian mà hát, mà truyền dạy hát trống quân – điệu hát chẳng thể tạo ra cơm ăn áo mặc, làm sao có thể thu hút được trong thời buổi nhà nhà làm giàu, người người vươn lên làm kinh tế.

Kể chuyện làng: Đêm hát nên duyên! - Ảnh 2.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Vẫy đã 83 tuổi vẫn cố gắng truyền dạy hát trống quân cho lớp trẻ ở Đan Nhiễm.

Điều đáng sợ nhất là "đất diễn" tự nhiên và cả nhân tạo dần không còn. Hát trống quân Đan Nhiễm trước nay gắn liền với sông Nhuệ thơ mộng thì sông Nhuệ ngày nay lại đang dần bị ô nhiễm do nguồn nước thải công nghiệp từ đầu nguồn và một số làng nghề ven sông xả thải. Triền đê xanh cỏ ngày nào, thì dần thành bãi rác, mảnh bát, mảnh chai, thậm chí cả kim tiêm tràn lan chẳng ai dám xuống, nước sông đen ngòm bốc mùi hôi thối, dân hát trêu nhau rằng, chẳng may đi thuyền ra hát ngã xuống thì chết vì hôi thối trước chết vì đuối nước.

Thêm nữa, hát trống quân thường phải cắm cọc xuống đất để giữ dây, mà chỗ nào trong làng cũng bê tông hóa chẳng còn cắm được, rồi nhà cửa, nhà máy mọc lên sin sít làm sân khấu tự nhiên bị thu hẹp. Sân khấu nhân tạo thì bị tivi, internet rồi các hình thức giải trí khác lấn sân, làm cho các buổi chiều tối không còn cảnh nhốn nhang trai gái chuẩn bị đi hát, Đan Nhiễm trở về im lặng khi màn đêm chập choạng như nhiều ngôi làng lân cận khác.

Đau đáu với làn điệu dân ca quê hương bị mai một thất truyền, bà Vẫy thấy mình cần phải làm điều gì đó để "chấn hưng" hát trống quân, đó cũng là sự tri ân của bà với hát trống quân khi đã se duyên đôi lứa cho bà và ông Cường. Bà quyết định đề xuất với thôn thành lập câu lạc bộ hát trống quân thôn Đan Nhiễm, đây sẽ vừa là nơi sinh hoạt, giao lưu, vừa là nơi truyền dạy hát trống quân cho lớp trẻ trong làng.

Và đến năm 2003, câu lạc bộ chính thức được thành lập, bà cũng với bà Ny, bà Lơ và một số người cao tuổi khác còn thông thuộc hát trống quân thay nhau lên loa phát thanh thôn hát mỗi ngày, rồi sưu tập câu hát thành tài liệu, vở ghi để cho lớp trẻ tiện học. Câu lạc bộ cũng tổ chức lớp học cho các lứa tuổi khác nhau tại nhà văn hóa từ cao niên, trung niên tới thiếu niên, mỗi tuần vào 2 đến 3 buổi tối, công tác tổ chức, dạy đều tự nguyện và miễn phí. Lớp học đặc biệt ở chỗ, người đứng lớp là bà Vẫy không biết chữ nhưng bà nhớ không sót một câu hát nào, đoạn nào ngân, đoạn nào láy, đoạn nào lưu không bà đều nhớ các cháu ghi lại vào vở để truyền tay cho mọi người.

Bao nhiêu năm bỏ công, bỏ sức ra phục dựng hát trống quân cũng có chút kết quả đáng tự hào khi có một đội trẻ trong làng nắm bắt được các kỹ thuật, lời hát. Lớp người như bà Vẫy được ghi nhận là nghệ nhân ưu tú, tuy vậy trong ánh mắt đùng đục của bà Vẫy vẫn ẩn hiện những kỷ niệm về đêm hát dưới đê sông Nhuệ ngày nào. Biết rằng mỗi thời mỗi khác, kinh tế xã hội thay đổi, đến nay giữ và truyền được hát trống quân đã là rất may mắn rồi, bà Vẫy vẫn không quên kể lại cho con cháu về cảnh tượng của đêm hát nên duyên, cho dù bây giờ câu hát khó còn nên duyên như ký ức năm nào!

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem