Độc đáo sản phẩm dệt truyền thống Chăm

Thứ sáu, ngày 07/03/2014 09:43 AM (GMT+7)
Người Chăm An Giang theo đạo Hồi phái Islam, có những bản sắc văn hóa và nghề truyền thống riêng. Nhờ biết giữ gìn và phát huy được bản sắc truyền thống đó mà nhiều người Chăm đã cải thiện được đời sống, kinh tế…
Bình luận 0
Khéo tay như nghệ nhân Chăm

Nói đến nghề dệt của đồng bào Chăm ở An Giang, người ta nghĩ ngay tới sản phẩm đặc trưng, rất công phu và khéo tay của các nghệ nhân, trong đó có những chiếc khăn dành cho phụ nữ Chăm. “Mặt hàng này, chỉ có ở Phũm Soài – Châu Phong, chứ ngoài ra không nơi nào có. Hoặc có chăng cũng không khéo tay bằng”- ông Zac Ky- Phó Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang khẳng định.

Việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải đã có lâu đời và là nghề truyền thống của người Chăm ở An Giang. “Những năm đầu, chiếc khăn dành cho nữ gốc đạo Islam bán qua một số nước châu Á và Trung Đông mới thật hồi hộp, nhất là ở thị trường Mỹ. Nhưng, lần hồi cũng quen dần, được tiêu thụ mạnh, mình mới thấy chắc ăn”– anh Hồ Sa Ích, nghệ nhân ở Phũm Soài (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) kể.

Nghề dệt truyền thống của người Chăm An Giang.
Nghề dệt truyền thống của người Chăm An Giang.

Ngoài sản phẩm khăn, mỗi xóm Chăm lại có thêm sản phẩm phụ từ nghề truyền thống như: Cồn Tiên (xã Đa phước, huyện An Phú) có đan, móc áo gối, màn treo cửa buồng (mặt hàng này chỉ tiêu thụ nội địa và bán cho người Chăm ở Campuchia); còn Đồng Ky, Búng Bình Thiên, Khánh Mỹ (xã Quốc Thái) … thì dệt chăng-sà-gông (áo dài nữ), cà-pé (mũ dành cho nam)…

Giảm nghèo bền vững

Khắc phục điểm yếu của sản phẩm làm ra, nhiều nghệ nhân cùng những người kinh doanh lâu năm ở Phũm Soài phải lặn lội tìm kiếm mẫu mã và thăm dò thị hiếu, thị trường, bổ sung kinh nghiệm…

Cùng với chiếc khăn dành cho nữ gốc đạo Islam dần dà đứng vững trên thị trường nước ngoài, những thợ dệt may người Chăm đã phát triển thêm sản phẩm khăn, áo (dành cho cả nữ và nam) theo đạo Hồi, phái Islam. Hiện tại, ở Phũm Soài có khoảng chục hộ chuyên tổ chức sản xuất và kinh doanh 2 mặt hàng này, mỗi tháng xuất khẩu từ 30-40 thùng (60kg/thùng) gồm khăn và áo, tổng cộng 20.000USD/tháng.

Anh Joseep (ấp Phũm Soài, xã Châu Phong) hớn hở khoe: “Mọi giao dịch đều ngồi tại nhà, tháng nào cũng có người Chăm của An Giang về thăm quê hương, rồi sẵn dịp trao đổi mẫu mã, yêu cầu số lượng hàng”.

"Thông qua những điểm “Du lịch nông dân”, các sản phẩm truyền thống của người Chăm sẽ được giới thiệu trực tiếp tới du khách, không qua khâu trung gian, sẽ góp phần tăng thêm thu nhập cho đồng bào”.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang

Còn anh Abrodoman (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu) cho biết: Người có vốn nhiều và làm ăn lớn phất lên, giúp đồng bào trong xóm có công ăn việc làm và thu nhập cải thiện gia đình.

Ví dụ, một cái khăn hoặc cái áo thêu, rua hoàn chỉnh, giá 25-35USD, người gia công được hưởng 45.000-50.000 đồng/cái, làm bằng tay một mình khả năng được 2 cái/ngày, nếu làm bằng máy có thể 3-4 cái/ngày.

Như vậy, lao động nữ làm bằng tay cầm chắc 90.000 đồng/người/ngày, còn làm bằng máy sẽ cao gấp đôi. Được biết, mới đây một dự án đầu tiên về du lịch nông thôn do Tổ chức Nông dân Hà Lan tài trợ đã chọn Phũm Soài là 1 trong 15 điểm “Du lịch nông dân” để giới thiệu các sản phẩm của người Chăm, hy vọng sẽ giúp tăng thu nhập cho bà con nơi đây.
Trọng Bình -Tấn Kiên (Trọng Bình -Tấn Kiên)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem