Làm theo nhu cầu thị trường
Trại cá dĩa mang tên Hùng Linh của ông Dương Văn Anh Linh nằm sâu trong một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp. Nhưng với dân chơi cá cảnh ở TP.Hồ Chí Minh, nhất là dân chơi cá dĩa, trại cá cảnh Hùng Linh không còn xa lạ bởi đây là địa chỉ họ thường xuyên đến mua bán, tham quan. Ông chủ trại cá Dương Văn Anh Linh không chỉ nổi tiếng ở Gò Vấp mà còn có “số má” trong làng cá cảnh thành phố.
Ông Dương Văn Anh Linh đang chăm sóc đàn cá dĩa trong trại cá của gia đình. Ảnh: Hữu Ký
Theo UBND quận Gò Vấp, mô hình nuôi cá dĩa của ông Dương Văn Anh Linh được xem là một trong những mô hình nông nghiệp đô thị thành công nhất tại địa bàn. Riêng ông Linh là một trong những nông dân tiêu biểu của quận và nhiều lần được Hội Nông dân TP.Hồ Chí Minh tuyên dương.
|
Chúng tôi khá ngạc nhiên bởi trại cá dĩa có tiếng của ông Linh lại nằm giữa khu dân cư đông đúc và có diện tích khá khiêm tốn. Tại căn nhà của mình, ông tận dụng tầng trệt với diện tích gần 100m2 làm nơi nuôi cá, còn bên trên để ở. Để tiết kiệm diện tích, ông Linh xếp các bể cá làm nhiều tầng với tổng cộng hàng trăm bể lớn nhỏ khác nhau. Điều ấn tượng và thu hút nhất đối với khách tham quan, mua bán là trong các bể cá của gia đình ông Linh có đủ loại cá dĩa với các màu sắc rực rỡ xanh, đỏ, vàng, cam, trắng…
Ông Linh cho biết, để xây dựng được trại cá như hiện nay ông đã mất hàng chục năm trời dồn hết tâm huyết cũng như tốn rất nhiều chi phí đầu tư. Ông kể, ông cũng sớm biết đến cá dĩa do loài cá này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, nổi tiếng đẹp và giá cũng cao chót vót. Cách đây hơn 20 năm giới chơi cá cảnh ở Sài Gòn đã chết mê mệt với loài cá này nhưng ít người dám chơi bởi có những cặp cá đáng cả gia tài. Mặc dù cá đắt, ít người dám chơi nhưng ông Linh vẫn quyết xây dựng trại cá dĩa để tăng nguồn thu cho gia đình. Ngay từ rất sớm, ông đã nhận ra loại cá này có tiềm năng lớn, được người dân trong và ngoài nước ưa chuộng. Đặc biệt, nuôi loại cá này không cần nhiều diện tích đất, trong điều kiện sẵn có của gia đình ông cũng có thể làm được.
Do đó năm 2003, ông Linh bỏ ra hàng trăm triệu đồng mua 20 con cá dĩa về làm giống. Ban đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm, ông liên tiếp thất bại. Xót tiền, xót của lắm, nhưng ông Linh không nản lòng mà tiếp tục tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật nuôi cá, đồng thời đi học thêm kinh nghiệm từ những người nuôi trước. Vào thời điểm đó hầu như thời gian trong ngày ông đều dành cho cá. Nhờ vậy chỉ một năm sau ông đã nắm được các kỹ thuật nuôi cá và có thể chăm sóc đàn cá khỏe mạnh, tự lai tạo cho cá đẻ thành công.
Từ số lượng đếm được trên đầu ngón tay, đến nay trại cá dĩa nhà ông Dương Văn Anh Linh đã lên đến hàng chục ngàn con đủ các loại. Trong đó có các loại được thị trường ưa chuộng như cá dĩa da beo, cá dĩa bồ câu, cá dĩa bông đứng, cá dĩa da rắn… “Ban đầu cá dĩa của nhà tui chỉ bán ở thị trường trong nước, nhưng những năm trở lại đây, khi Internet được phủ khắp, nhiều khách nước ngoài cũng chủ động đặt mua. Hiện nay cá dĩa từ trại của gia đình đã xuất ngoại đi các nước Mỹ, Canada, Singapore, Nhật Bản và một số nước trong khu vực châu Á...” - ông Dương Văn Anh Linh thổ lộ.
Mỗi năm trại cá nhà ông Linh xuất ra hơn 5.000 con cá dĩa, nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Ước tính mỗi năm trại cá dĩa mang lại cho nhà ông Linh hơn 300 triệu đồng lợi nhuận ròng, giúp ông nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định.
Hơn nhau nhờ kỹ thuật
Ông Dương Văn Anh Linh cho biết, cá dĩa là loại cá có giá trị cao bậc nhất trong các loại cá cảnh và cũng thuộc loại “õng ẹo”, khó nuôi nhất. Khó nuôi là thế, nhưng để tạo ra những con cá đẹp còn khó hơn nhiều lần. Dân chơi cá cảnh liệt cá dĩa vào hạng ngũ sắc thần tiên nên đòi hỏi phải có kỹ thuật cao mới có thể cạnh tranh được.
Theo kinh nghiệm của ông Linh, nghề nuôi cá cảnh không quá nặng nhọc nhưng đòi hỏi người nuôi phải thường xuyên theo dõi tỉ mỉ sự tăng trưởng, thay đổi của đàn cá, quan sát màu nước, đến việc chăm sóc, cho cá ăn... Hàng ngày ông làm việc tại trại cá từ 6 giờ đến 22 giờ. Ngay cả lúc trao đổi với chúng tôi, ông Linh cũng không ngừng tay làm các công việc như hàn lại bể cá, cho cá ăn, thay nước…
Ông Linh chia sẻ: “Nuôi cá dĩa quan trọng nhất là nguồn nước và phải thay nước liên tục. Hàng ngày, từ 7 - 12 giờ ông thay nước cho cá. Nước để nuôi cá dĩa phải được qua hệ thống xử lý và có độ pH từ 6,5 – 7. Loài cá này không thích nghi được thời tiết lạnh nên nhiệt độ thích hợp nhất là 29 độ C. Riêng về thức ăn, cá dĩa ăn chủ yếu là trùn chỉ sống và thịt bò, tim bò xay nhuyễn. Với trùn chỉ, hàng ngày đều có người mang đến giao tận nơi nhưng còn gan, tim bò, thịt bò tôi phải đặt từ Ấn Độ…”.
Ông Dương Văn Anh Linh cũng là một trong những người làm tốt thuật ép đẻ cá, cho ra đời những con cá có màu sắc rực rỡ, khỏe mạnh, đạt chất lượng quốc tế. Ông Linh cho rằng cá dĩa đẹp hay không phụ thuộc 50% vào con giống và 50% vào kỹ thuật nuôi. Cho nên, để cho ra đời những con cá dĩa đẹp, ông luôn tìm tòi học hỏi cách chọn con giống, phối giống, nâng cao kỹ thuật nuôi để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài. Ông cũng áp dụng hiệu quả hình thức dùng “cá vú nuôi” nuôi cá con. Với mỗi cặp cá đẻ, sau khi đẻ xong ông thường bỏ vào bể 4 – 5 cặp “cá vú nuôi” làm chức năng chăm sóc cá con, để cá con bám vào, ăn chất nhớt trên thân mình. Nhờ vậy đàn cá con luôn đảm bảo tỷ lệ sống cao.
Công việc nhiều nên ông Dương Văn Anh Linh hầu như không có thời gian nghỉ ngơi. Mặc dù vậy, các đoàn khách và nông dân các nơi đến tham quan đều được ông nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá. May mắn, một người con trai của ông Linh quyết tâm theo nghề của cha. Hiện người con này đang quản lý một trại cá cảnh với hàng trăm bể cá, đồng thời giúp ông quảng bá, giao dịch cá dĩa qua mạng Internet. Mặc dù vậy, ông Linh cho rằng hiện nay trở ngại lớn đối với việc nuôi cá cảnh là chất lượng nước ngày càng xấu đi. Để đảm bảo cho việc nuôi cá dĩa, ông đã trang bị nhiều thiết bị lọc nước và giám sát chất lượng rất chặt chẽ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.