PVTex ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển mạnh về dệt may và nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc. Với tham vọng tự chủ nguồn nguyên liệu xơ sợi, dự án được thành lập với mục tiêu tận dụng dùng nguyên liệu từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi. Dự án này bắt đầu xây dựng cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỷ đồng).
Tuy nhiên, từ khi đi vào hoạt động đến nay PVTex thua lỗ triền miên. Năm 2014 lỗ 1.085 tỷ đồng, năm 2015 lỗ 1.255 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỷ đồng. Dự án dừng hoạt động từ năm 2015 dù vậy tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
An Phát Holdings cứu Nhà máy sơ xợi 7.000 tỷ "đắp chiếu"
PVTex thuộc danh sách 12 dự án yếu kém của Bộ Công Thương, tháng 9/2015 nhà máy đã phải dừng hoạt động do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương và PV Tex đã tích cực tìm kiếm đối tác để vực dậy và tái vận hành nhà máy.
Theo đó, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các dự án yếu kém của Chính phủ, trên cơ sở quan điểm, định hướng xử lý tại “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công thương”, từ tháng 9/2017, PVN và PVTEX, đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Xơ sợi Polyeste Đình Vũ, đã tích cực tìm kiếm đối tác tham gia hợp tác vận hành nhà máy, trong đó có các đối tác Indorama (Indonesia), Formosa (Đài Loan), Fortrec Chemical (Singapore), Reliance Pte. Ltd. (Ấn Độ), An Phát Holdings (Việt Nam)...
Sau quá trình mời thầu, chào thầu công khai, nhiều đối tác cả trong và ngoài nước đã đến tìm hiểu, đánh giá khả năng hợp tác cũng như đưa ra các điều kiện hợp tác. Đến tháng 4/2018, Tập đoàn An Phát Holdings (APH) với sự hỗ trợ của các đối tác nước ngoài đến từ Singapore và Ấn Độ đã chính thức trở thành đối tác chiến lược trong việc tái khởi động lại nhà máy PVTex với sự kiện kí Biên bản ghi nhớ (MoU) về Hợp tác sản xuất kinh doanh với PVTex.
Trên cơ sở đó, PVTex cũng đã đàm phán với An Phát Holdings về Hợp đồng hợp tác vận hành nhà máy, thỏa thuận quá trình hợp tác được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ hợp tác gia công sợi DTY và giai đoạn 2 sẽ hợp tác sản xuất kinh doanh toàn bộ nhà máy.
Đến ngày 24/7/2018, lễ ký hợp đồng gia công sợi DTY giữa PVTex với APH và An Phát Holdings đươc chính thức ký kết và đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện là Công ty CP xơ sợi tổng hợp An Sơn (AST).
Trước đó, vào năm 2016, PVTex dự định vận hành trở lại nhưng không thành công. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.
Ai đang giải cứu PVTex?
Theo tìm hiểu Công ty CP xơ sợi tổng hợp An Sơn, đơn vị được An Phát Holdings ủy quyền ký hợp đồng gia công sợi DTY với PVTex chỉ mới được thành lập kể từ tháng 4/2018 với mức vốn điều lệ vọn vẹn 10 tỷ đồng. Một con số khiêm tốn nếu so với mức trên 7.000 tỷ của dự án PVTex. Chưa kể, Công ty CP xơ sợi tổng hợp An Sơn lại không có kinh nghiệm về kinh doanh xơ sợi.
Việc An Phát Holdings dùng công ty mới thành lập và không có kinh nghiệm để ký hợp đồng gia công với PVtex để chạy 10 máy, chiếm 3% công suất của PVTex đã đặt ra nhiều hoài nghi phương án “giải cứu” một PVTex có vốn đầu tư gần 7.000 tỷ đồng và đang trong tình trạng nợ đầm đìa là điều gần như bất khả thi.
Nhưng điều khiến cho nhiều người bất ngờ hơn cả lại là sự xuất hiện của dàn cựu lãnh đạo của PVTex tại đơn vị trực tiếp được An Phát Holdings ủy quyền thực hiện dự án.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty Cổ phần xơ sợi tổng hợp An Sơn cấp lần đầu ngày 10/4/2018, người đại diện theo pháp luật là Đặng Thị Xuê, chức danh Tổng giám đốc. Bà Đặng Thị Xuê là 1 trong 3 thành viên sáng lập của An Sơn và có tỷ lệ đóng góp cao nhất với 5 tỷ đồng. Hai cá nhân còn lại là ông Dương Văn Vũ và ông Nguyễn Văn Đức với tỷ lệ đóng góp lần lượt là 30% và 20%.
Tuy nhiên, đến ngày 20/7/2018, trong đăng ký kinh doanh thay đổi lần 2, người đại diện theo pháp luật và giữ chức danh Tổng giám đốc Công ty An Sơn đã được chuyển sang ông Hồ Trí Dũng và đảm nhiệm cho đến nay. Điều đáng nói là ông Hồ Trí Dũng vốn nguyên là Bí thư đoàn thanh niên, Trưởng phòng hành chính Tổng hợp của PVTex. Thông tin này cũng trùng hợp với phần giới thiệu về ông Hồ Trí Dũng trên website của PVTEX hiển thị trên Google. Mặc dù, hiện nay khi tra cứu vào đường link này thì thông tin trên đã bị gỡ bỏ và không hiển thị.
Ông Bùi Việt Hà trên vai trò mới là Phó Tổng GĐ Cty An Sơn (áo trắng) đang giới thiệu về sản phẩm sợi DTY, thành quả hợp tác giữa An Sơn và PVTEX.
Điểm trùng hợp thứ 2 đến từ Phó tổng GĐ công ty An Sơn ông Bùi Việt Hà. Cũng giống ông Dũng, ông Bùi Việt Hà không phải là người “xa lạ” bởi ông này cũng cựu cán bộ chủ chốt của PVTex và đều tham gia Ban chấp hành Đảng bộ PVTex nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo tìm hiểu, tháng 1/2018, ông Bùi Việt Hà, Phó Tổng GĐ Cty An Sơn vẫn đang là đương kim Phó tổng giám đốc của PVTex.
Vì sao ông Dũng, ông Hà rời khỏi PVTex, nay lại quay về PVTex với sứ mệnh “giải cứu” PVTex thông qua vai trò là những lãnh đạo chủ chốt của công ty An Sơn?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.