Kể chuyện làng: Bến sông quê và những người bất tử

Nguyễn Liêm Triết Thứ năm, ngày 31/12/2020 08:25 AM (GMT+7)
Sông quê đi giữa hai làng, bến bờ cách nhau mấy nhịp. Bên này làng tôi nhìn qua bờ kia là làng Phong Ngũ (còn gọi là Ngũ Giáp hay Giáp Năm xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chung xã một thời, chung sông mãi mãi!
Bình luận 0

Quê tôi thấy cũng thật hay,

Qua sông Thanh Quýt đi cầu Giáp Năm!

Chiếc cầu nằm trên đường thiên lý Bắc Nam, Giáp Năm xưa, hay Thanh Quýt nay là một, vẫn nối nhịp đôi bờ, vẫn đậm đà nghĩa tình sau trước. Dòng sông quê và chiếc cầu qua lại sớm hôm, trong tâm khảm của người dân Điện Thắng nói chung luôn sâu đậm với bao tình cảm, những kỷ niệm xa xưa, và những thăng trầm, đổi thay của thời cuộc.

Kể chuyện làng: Bến sông quê và những người bất tử - Ảnh 1.

Cầu Thanh Quýt ngày nay, ngày xưa gọi là cầu Giáp Năm, nối hai làng Thanh Quýt và Giáp Năm (còn gọi là làng Ngũ Giáp).

Và nhìn dòng trôi này, trong hoài niệm về dòng sông tuổi thơ, những bến sông quê làng tôi như vừa nửa thực, nửa hư, gần gũi, thân thương nhưng sao cũng rất mơ màng, xa vắng như những câu chuyện cổ tích giữa cuộc bể dâu của trần thế với những biến động, đổi thay!

Bến Chùa ngày ấy, với đôi bờ mát rượi bóng tre, nằm gần ngôi chùa linh thiêng, cổ kính của làng có tên là  Ba Yên Tự tọa lạc ở ấp Tây Định xưa (sau gọi là Xóm Trên) của làng. Ven con đường dọc theo bến có cây đa cổ thụ, cành lá vươn sà ra soi bóng cả bến sông, che mưa che nắng cho những tắm giặt của dân hai làng An Tự và Thanh Quýt quê tôi. Những trưa hè, bọn trẻ con trong xóm thường ra bến đùa giỡn thỏa thích; leo trèo, bám chạy trên những cành đa to như những lối mòn khúc khuỷu trên cao với bao niềm vui sướng; rồi cùng nhảy ùm xuống dòng chảy trong xanh, mát rượi với niềm phấn khích, thú vị biết bao! Những hình ảnh và cảm giác ấy nay chỉ còn trong tâm tưởng của mỗi người thuộc thế hệ chúng tôi. Theo lời kể của các bậc cao niên và một phần trong trí nhớ của mình, chùa Ba Yên Tự - còn gọi là chùa làng Thanh Quýt - được xây dựng từ rất lâu, nghe đâu sau khi mới lập làng một thời gian. Từ bao đời, ngôi chùa là nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh của dân làng. Chùa có cổng tam quan cổ kính, rêu phong, bên trong vòm trần của cổng có lối đi lại thoải mái. Thuở ấy, cứ mỗi lần lên chùa, bọn trẻ chúng tôi thường không quên chơi trò chạy vòng vo từ dưới đất lên trần cổng một cách thích thú cùng với niềm hân hoan được hòa mình vào khung cảnh thanh tịnh yên ắng, nhẹ nhàng, thơ mộng của ngôi chùa. Bước vào bên trong cổng, tả hữu hai bên là tượng hai ông Thiện, Ác cùng tượng của 18 vị La Hán với những hình tượng cùng những nét mặt, dáng vẻ khác nhau được các nghệ nhân tạo tác một cách gợi cảm, độc đáo và tài tình.

Qua bao biến thiên của lịch sử và dòng chảy thời gian, nhất là sự tàn phá của chiến tranh, chùa làng Thanh Quýt quê tôi hiện chỉ còn trơ trọi những nền gạch lởm chởm, mốc mêu như một phế tích. Hình ảnh ngôi chùa cổ kính, nơi thờ cúng tâm linh và cũng là nơi đã diễn ra bao những hội hè, đình đám của dân làng tôi trước đây, nay chỉ còn trong nỗi nhớ quê xưa. Cách đây mấy năm, trong một lần hàn huyên cùng với những bạn bè cũ trong làng, một số anh em có điều kiện và tâm huyết đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh có đặt vấn đề mong muốn được đóng góp công của cùng dân làng xây dựng tái tạo lại ngôi chùa làng như là phục hồi lại di tích lịch sử văn hóa của cha ông. Suy nghĩ ấy cũng là manh nha, mong mỏi của dân làng từ lâu. Mong sao làng xã sớm có kế hoạch vận động, huy động nguồn lực chung để ngôi chùa làng cổ kính, trang nghiêm và đầy thơ mộng ngày xưa – như là hồn cốt của quê hương - được sống lại và trường tồn cùng nhiều thế hệ con cháu mai sau!                         

Xuôi dòng vài ba trăm mét là đến Bến Chợ và khu Chợ Vải tiếng tăm một thời. Ngoài việc mua bán hàng hóa, thực phẩm, nông sản, nhu yếu phẩm của người dân, Chợ Vải còn là nơi tập trung giao thương, mua bán vải vóc, tơ tằm cùng các nhu cầu khác cho nghề dệt vải trong một vùng rộng lớn lên đến Xuân Đài, Bảo An xuống các xã vùng cát và ra tới Miếu Bông, Cẩm Lệ của thành phố Đà Nẵng bây giờ. Có Chợ Vải, làng tôi cũng có nghề dệt vải, lại thêm một nghề truyền thống của cha ông! Nghe kể, đàn bà con gái làng tôi ngày đêm chủ yếu lo nghề canh cửi, việc đồng áng nặng nhọc, trồng thuốc trồng khoai, chân lấm tay bùn, tất cả đều ở người đàn ông. So với các làng quê khác, ruộng đất thẳng cánh cò bay, đàn bà con gái làng tôi tính ra cũng thong dong, ít lam lũ hơn. Không biết người con gái trong câu ca ngày xưa dưới đây thích cái thanh lịch, hào hoa, siêng năng của trai làng Thanh Quýt hay là thích cái thong dong, trắng trẻo, mảnh mai của những cô gái chuyên nghề canh cửi:

Gió đưa trái mít cù queo

Lấy chồng Thanh Quýt có nghèo vẫn vui!

Từ sau những năm 1959- 1960, nghề dệt vải còn rất thưa thớt và mất dần ở quê tôi. Tuy nhiên, Chợ Vải vẫn còn rất sầm uất; người mua kẻ bán đủ các mặt hàng, không những dân từ các làng lân cận mà còn ở các nơi khác như Quan Hiện, La Thọ (xã Điện Hòa ngày nay), Cẩm Sa, Ngân Hà, Phong Hồ, Quảng Hậu, Quảng Lăng (thuộc các phường Điện Ngọc, Điện Nam, Điện Dương của thị xã bây giờ) cũng tập trung về. Trên bến dưới thuyền, Bến Chợ luôn tấp nập ghe thuyền đi, đến từ các nơi. Hàng nông sản như bắp đậu, đường mía, đậu phụng, bánh dầu, lâm sản như than củi, mây giang… theo đường thủy từ khắp miền đổ về Bến Chợ. Và cũng từ đây, các ghe thuyền chở hàng nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng như mắm muối, dầu lửa, vái vóc, phân bón… ngược dòng tỏa đi khắp các nơi, lên đến Hà Nha, Thạnh Mỹ thuộc huyên Đại Lộc bây giờ.

Kể chuyện làng: Bến sông quê và những người bất tử - Ảnh 2.

Một bến nhỏ dòng sông Thanh Quýt.

Và cũng ở hai bên bờ sông thơ mộng của làng, trong những hụp lặn vô tư, hồn nhiên, trong sáng của tuổi thơ ngày ấy, sau nầy lại có những con người đã để lại những dấu ấn sâu sắc cho đời, được cả nước và hơn thế nữa ngưỡng mộ, tôn vinh...

Đó là Thu Bồn, người làng Phong Ngũ, nhà bên bờ hữu ngạn dòng sông. Ông nằm trong danh sách những nhà thơ Việt Nam hiện đại được giải thưởng của Hội nhà văn Á-Phi, tác giả của nhiều thể loại văn học, được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh 2017. Với những trải nghiệm của người nghệ sĩ, chiến sĩ trong kháng chiến, đã đem lại biết bao những rung động cho hàng triệu trái tim về tình thương yêu con người, yêu đời, yêu quê hương, dất nước.

Đó là anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, mà cuộc đời và khí phách của anh đã  sống mãi trong nhiều thế hệ thanh thiếu niên cả nước về tình yêu nước, về ý chí độc lập, tự do của cả một dân tộc. Và trong những ngày mưa gió, bão bùng của năm 1964 lịch sử, con đường mòn chỉ vài mươi mét ngày ấy đã đưa những bước chân xa lạ của chị Phan Thị Quyên - từ ngôi nhà tranh vách đất của người chồng mới mất, anh Nguyễn Văn Trỗi - ra bến nhỏ sông quê dưới chân cầu Thanh Quýt, đứng lặng nhìn dòng chảy lửng lờ của dòng sông xuôi về biển cả... Và chị như mường tượng ra bao những hình ảnh đẹp về quê hương tuổi thơ của người chồng yêu dấu đã vừa anh dũng ra đi, cùng bao những miên man về thân phận và nỗi niềm chung riêng trước lúc dấn thân vào cuộc đời cách mạng đầy những phong, ba thử thách…

Kể chuyện làng: Bến sông quê và những người bất tử - Ảnh 3.

Nhà cha mẹ AHLS Nguyễn văn Trỗi ở Thanh Quýt hiện nay; ngày trước là ngôi nhà tranh, có đường đất nhỏ dẫn ra bến sông dưới chân cầu Thanh Quýt.

 Bến Đập nằm ở phía trên, gần sát chân đập Thanh Quýt; bến ngày đêm luôn ầm ầm tiếng nước chảy, nghe như tiếng thác đổ. Bến vui là nhờ có đập, con sông quê cũng vui lên khi có con đập ngăn dòng. Các kênh, mương dẫn nước len lỏi trong khắp làng quê cũng đã làm cho làng xóm thêm tươi màu hoa quả cùng bao những hân hoan.

Đập Thanh Quýt, thường hay gọi là ba-ra (barrage) Thanh Quýt, được xây dựng trong thời Pháp thuộc từ đầu những năm 1930 của thế kỉ trước. Khi cần tập trung lấy nước, người ta tấn đập, ngăn dòng chảy của sông để giữ nước ở mức cao. Các tấm ván bằng gỗ lim dày cỡ hơn 2 tấc được hệ thống ròng rọc trên cầu cao của đập dịch chuyển và đặt vào đúng vị trí từng khoan đập để ngăn dòng; từ đó nước được đổ vào hệ thống các mương, rạch ở hai bờ phía trên đập. Tắm đập, trẻ con còn cái thú nhảy đập, trò chơi dành riêng cho các cô cậu hiếu kỳ, mạo hiểm. Từ trên cầu đập cao từ 8-10m so với mực nước, các bạn lao xuống như tên, nước bắn tung tóe cùng những tràng vỗ tay tán thưởng của mọi người. Đập ngăn dòng dẫn nước, con đập cũng còn là chiếc cầu nhỏ cho những người mẹ gánh, bưng, qua lại khẽ khàng trong những buổi chợ sớm hôm cho những người cha dắt dìu con trẻ trong những ngày giỗ chạp nội ngoại đi, về. Nối đôi bờ với bao nghĩa tình của dân hai làng Phong Ngũ – Thanh Quýt qua bao những năm tháng buồn vui, gian khổ, ngọt bùi.

Con đường chạy ven sông thuở ấy rất vui, là huyết mạch chính của các xã vùng tây với vùng đông của huyện Điện Bàn xưa. Trên con đường nhộn nhịp ven sông ngày ấy, có nhà ông Trương Công Cừu, một trí thức, khoa bảng danh giá thời đệ nhất Cộng Hòa ở miền Nam trước 1975, mà trước đây và cho mãi đến bây giờ khi nhắc đến ông, dân trong làng thường có những ấn tượng sâu sắc về việc học hành, thi cử, của ông. Thân phụ của ông Cừu là cụ Trương Công Diển, dân trong làng thường gọi là ông Thừa Tuyển. Ông Cừu, từ nhỏ học rất giỏi, được du học Pháp theo một học bổng của chính phủ Đông Dương và đỗ bằng cử nhân văn chương tại Pháp và từng làm bộ trưởng Bộ Công Dân Vụ thời đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam. Sau năm 1963, ông tham gia giảng dạy ở các trường đại học và hoạt động trong lĩnh vực nghị trường. Cổng nhà cụ Thừa Tuyển xây bằng gạch, có mái vòm, cửa 2 cánh bằng gỗ, thường đóng kín mít, trông ra bến sông, gọi là bến Thừa Tuyển. Bến sâu, trẻ con ít tắm, thường vắng vẻ, quanh năm bóng tre trùm mát rượi. Những ngày nóng nực, người lớn tuổi thường hay ra ngồi trước cổng nhà cụ nhìn ra bến sông và chuyện trò vui vẻ!     

Từ bờ bên này nhà ông Trương Công Cừu nhìn qua bờ bên kia, cũng chỉ mấy nhịp chèo lại là nhà của một khoa bảng danh giá một thời, đó là cụ Hà Đằng. Cụ đỗ cử nhân khoa Quý Mão, Thành Thái thứ 15 (1903), làm quan Đốc học Quảng Nam, rồi Thanh Hóa, vì vậy người ta thường gọi ông là ông Đốc Đằng. Từ một vị quan giáo học, cụ chuyển sang lĩnh vực nghị trường và làm đến chức Viện trưởng Viện dân biểu Trung kỳ. Theo tư liệu về cụ, trong thời gian đảm chức Viện trưởng, vào năm 1938, với vai trò của mình, ông đã lãnh đạo và hướng đa số các nghị viên của Viện dân biểu thống nhất bác bỏ các dự án thuế do toàn quyền Pháp đưa ra, được nhân dân một lòng tán thưởng! Bà nội tôi người tộc Hà làng Phong Ngũ; bà thường dẫn đám cháu nội chúng tôi về làng trong những ngày tết, những kỳ giỗ chạp. Qua khỏi cầu Giáp Năm, trên con đường đất quanh co đi ngược lên dọc theo hữu ngạn dòng sông Thanh Quýt, bà thường hay kể cho bọn nhỏ chúng tôi nhiều câu chuyện về ông Đốc, nào là chuyện học hành, giỏi giang đỗ đạt, về lễ mừng vinh qui, về chuyện làm quan của ông Đốc và các người con Ấm Nhì, Ấm Ba… của ông. Chúng tôi nghe chuyện của bà kể với bao hứng thú như nghe những câu chuyện cổ tích với những tình tiết đầy hấp dẫn, ly kỳ!...

Dòng sông một đời của Mẹ Thứ anh hùng nuôi con đánh giặc và bao những người mẹ tảo tần, đảm đang, cống hiến, hy sinh với những bến bờ luôn dang tay mở rộng và tắm mát bao tâm hồn thơ trẻ, trai tráng của làng xóm quê hương. Và rồi người dân quê tôi, cùng với truyền thống cần cù, thông minh, cầu tiến, lại có thêm những chất đời nghệ sĩ, lạc quan, yêu người, yêu cuộc sống, yêu quê hương; sẵn sàng cống hiến hy sinh, trọn vẹn nghĩa tình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem