Ký ức tát ao ngày cuối năm

Thứ sáu, ngày 08/02/2013 15:17 PM (GMT+7)
BẠN ĐỌC LÀM BÁO - Thuở cuộc sống còn khó khăn, Tết là là niềm vui của con trẻ, nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Lo tấm áo mới cho con, cân thịt, đòn bánh tét, cân chả giò… để dâng cũng tổ tiên và chiêu đãi người thân trong ba ngày Tết.
Bình luận 0

Và nỗi lo thiếu đói theo câu cửa miệng của những bậc cao niên: “Thiếu lúa tháng giêng, hụt tiền tháng chạp”.

Nhớ về những cái Tết khốn khó ấy, trong tôi luôn hiện lên hình ảnh tát ao bắt cá đồng vào những ngày cuối năm để thêm món trên mâm cỗ và trong bữa ăn của người dân quê vào những ngày Tết. Thuở ấy, chưa có nước tưới dẫn từ các hồ đập nên mỗi thửa ruộng lúa đều phải đào ao chứa nước phòng khi khô hạn.

Nhiều đoạn kênh, rạch cạnh ruộng cũng được biến thành ao chứa nước. Người dân quê chặt những cành cây dại thả xuống ao hay kênh, rạch, gọi là thả chà, làm nơi trú ẩn cho cá sinh sôi. Sau 23 tháng chạp, khi nhà nhà đã cúng tiễn đưa ông Táo về Trời thì người người lại lo chuẩn bị gàu giai, gàu sòng để tát ao bắt cá.

img
Đĩa cá chép kho ngót gợi nhớ về những Tết xưa

Những chiếc ao rộng, chủ ao lại vần công (đổi công) với láng giềng để tát cho chóng cạn, tình quê cành thêm mặn mà. Tiếng gàu múc nước đổ ra khỏi ao nghe thùm thùm tựa như tiếng trống hội làng thu hút cả người lớn lẫn con trẻ đến xem. Cá giật mình vội chui vào ẩn nấp trong chà, rúc vào cây cỏ xung quanh bờ. Cá lóc, cá trê vội vùi mình xuống lớp bùn nhằm tìm cách thoát thân. Tôi cùng với lũ bạn cũng “vần công” bắt hôi (bắt mót) khi đến phiên ao nhà đứa nào tát cá.

Nước ao đã cạn, chủ ao và những người vần công lội xuống dỡ chà rồi nhanh tay tóm lấy cá trê, cá lóc, cá rô, cá chép… bỏ vào thùng chứa nước để cá khỏi chết. Những bước chân sải dài trong bùn đuổi theo chú cá cố tìm cách thoát thân. Lũ nhỏ chúng tôi đứng trên bờ dõi mắt theo những chú cá đang lách thân lẩn trốn để sau đó bắt hôi.

Và sau tiếng “lên bờ” của chủ ao là chúng tôi ào xuống tóm lấy những chú cá còn sót lại. Tôi vốn sợ rắn nên hơi nhút nhát so với lũ bạn. Vì thế mà lượng cá bắt được cũng ít hơn. Một lần, tôi ngã lăn bất tỉnh vì bị đứa bạn giật mình ném con rắn vào cổ khi nó nắm phải. Thế là mọi người khênh tôi lên bờ với toàn thân bê bết bùn đất. Sau vài cái giật tóc mai tôi mới choàng tỉnh, nhưng vẫn không từ bỏ thú bắt cá.

Về đến nhà, chủ ao chọn những con cá lớn mang sang biếu những người trong tộc họ và bà con láng giềng gọi là “ăn lấy thảo”. Đây cũng là nét đẹp của người dân quê khi cuộc sống còn nhiều khó khăn. Phần còn lại cho vào lu nước rộng cá dành để ăn dần. Những ngày Tết, chỉ cần có nồi cá kho ăn với cơm hay bánh tét thì phải nói là “ngon hết biết”, không gây ngán như những món ăn chứa nhiều thịt mỡ.

Những chiếc ao ngày càng hiếm dần vì ruộng đồng giờ đã được tắm mát từ nguồn nước các hồ chứa. Cá đồng cũng không còn nhiều như xưa vì bị con người dùng kích điện đánh bắt theo kiểu tận diệt cùng với lượng thuốc bảo vệ thực vật thải ra dòng nước ngày càng nhiều. Còn đâu chốn yên bình cho cá trú ngụ và sinh sôi?

Sắp bước vào tuổi tứ tuần, mỗi khi Tết đến tôi luôn nhớ nồi cá kho của mẹ, nhớ những buổi tham gia bắt cá thuở lên mười, nhớ đứa bạn ném con rắn vào cổ… Ôi! Những hình bóng Tết xưa giờ chỉ còn là hoài niệm!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem