Lõm ngực bẩm sinh, thiếu niên 16 tuổi tự ti, yếu ớt

Diệu Linh Thứ ba, ngày 14/05/2024 06:04 AM (GMT+7)
Lõm ngực bẩm sinh là dị tật thường gặp, gây chèn ép tim, phổi, gây đau ngực khi gắng sức và khiến người bệnh tự ti.
Bình luận 0

Mới đây, khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã tiếp nhận và điều trị cho người bệnh Đ.V.T (16 tuổi) ở huyện Thanh Sơn – Phú Thọ bị lõm ngực bẩm sinh.

Người bệnh cho biết, từ nhỏ lồng ngực của bệnh nhân T đã bị lõm sâu vào trong. Do đó, em rất tự ti, ngay cả lúc trời rất nóng, khi đi bơi em cũng không dám cởi áo trước mặt người khác. Căn bệnh cũng làm cho em hay bị tức ngực, khó thở, đặc biệt là khi làm việc nặng hoặc gắng sức.

Lõm ngực bẩm sinh, thiếu niên 16 tuổi tự ti, yếu ớt- Ảnh 1.

Hình ảnh lõm ngực của người bệnh trước và sau phẫu thuật. Ảnh BVCC

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, qua thăm khám, thực hiện chụp cắt lớp vi tính, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T bị lõm lồng ngực bẩm sinh với mức độ lõm nhiều với chỉ số Haller là 5.49 (Bình thường là 2.5). 

Bệnh nhân T đã được bác sĩ chỉ định phẫu thuật nâng xương ức bằng phương pháp Nuss, đặt 2 thanh nâng ngực để "nâng" ngực của em. 

Sau phẫu thuật sức khỏe em T đã ổn định. Sau phẫu thuật 5 ngày em ăn uống, đi lại bình thường, vết mổ không còn đau, lồng ngực phẳng. Hiện tại, tình trạng của em đã ổn định và được ra viện.

Bác sĩ Dương Xuân Phương, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện đa khoa Phú Thọ cho biết, lõm ngực bẩm sinh là biến dạng lồng ngực bẩm sinh do sự phát triển bất thường của một số xương sườn và xương ức làm cho lồng ngực bị lõm xuống.

Bệnh vừa gây chèn ép tim, phổi, gây đau ngực khi gắng sức, vừa ảnh hưởng đến thẩm mỹ khiến người bệnh mất đi sự tự tin.

Cách tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân lõm ngực bẩm sinh hiện nay là phương pháp phẫu thuật Nuss có nội soi chỉnh hình.

Lõm ngực bẩm sinh, thiếu niên 16 tuổi tự ti, yếu ớt- Ảnh 2.

Các bác sĩ dùng 2 thanh kim loại để nâng ngực cho bệnh nhân. (Bác sĩ khám cho bệnh nhân sau phẫu thuật. Ảnh BVCC)

Đây là phẫu thuật ít xâm lấn, ít mất máu và thời gian phục hồi sớm. Các bác sĩ sẽ rạch vết mổ nhỏ ở 2 bên thành ngực. 

Một hoặc 2 thanh nâng ngực (bằng kim loại thường là Titan) được luồn đặt vào mặt sau xương ức bị lõm để nâng xương ức lên. Trong một số trường hợp lõm ngực nhiều, trẻ cần sử dụng nhiều thanh nâng ngực hơn. Sau khoảng 2 đến 2.5 năm thì có thể tháo bỏ thanh nâng ngực.

Theo bác sĩ Phương, mỗi năm khoa tiếp nhận và phẫu thuật cho khoảng 50-70 em bị lõm ngực bẩm sin, độ tuổi từ 4 đến 25 tuổi, giúp các em lấy lại sự tự tin trong cuộc sống, lao động và học tập. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem