Hùng Phiên
Chủ nhật, ngày 14/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Cuối năm lành lạnh, tôi chạy ra bãi sông Hồng thăm lão bạn Trường già (nghệ sĩ nhiếp ảnh, nguyên nhà báo Lương Xuân Trường). Tôi gọi lão là “nguyên nhà báo”, bởi hơn hai năm nay, Xuân Trường dứt áo ăn lương nghề báo, đi thuê đất làm nông. Chả biết cái lão trùng họ tên danh thủ này có ổn không?
Kỳ này Xuân Trường để râu, da đen bóng (vốn đã đen) ra dáng lão nông nhưng nụ cười có vẻ tươi hơn. Biết tính lão, tôi cố hỏi cặn kẽ từng việc, chứ viết "không không" lão hè hè… chửi thì phiền. Anh em Nam Trung Bộ chúng tôi gọi Xuân Trường là "lão" bởi tính tình xuề xòa nhưng khi tác nghiệp thì luôn khăng khăng lọ mọ tỉ mẩn… theo ý mình.
Lão kể, năm 2018, tự nhiên chán nghề báo, muốn đi… vọc đất cho đời tươi hơn. Thực ra, năm 2009, lão cũng đã một lần bỏ nghề báo nhưng rồi một tờ báo phía Nam "vẫy gọi". Ban đầu, lão trồng cây cảnh trong vỏ ốc biển, bán buôn cũng tàm tạm. Thế nhưng cây trồng trong vỏ ốc một thời gian thì thiếu dinh dưỡng, chết dần. Thế là lão tỉ mẩn lên mạng tìm kế khắc phục, tìm mãi rồi cũng ra một công thức chung chung về chế phẩm hữu cơ từ than bùn. Thế là vay mượn tiền để thuê 1ha đất bãi sông Hồng thuộc phường Yên Sở, quận Hoàng Mai (Hà Nội) để trồng chuối, cà… lấy ngắn nuôi dài nghiên cứu chế phẩm hữu cơ. Sản phẩm cà và chuối sạch của lão tuy chất lượng thơm ngon nhưng mẫu mã xấu, giá bán lại không hề rẻ. Thế là… tập đầu thất bại.
Vật lộn cả năm trời, hốc hác cả người rồi chế phẩm hữu cơ Humic "lười" cũng thành công, Xuân Trường hồn nhiên khoe. Chỉ ra đám bồ công anh, các loại rau quả… xanh um giữa tiết lạnh, lão cho biết chỉ cần tưới đủ nước và dùng phân bón hữu cơ Humic lười.
"Nhìn những buồng chuối chín nẫu, tôi buồn nẫu. Rồi tôi nhớ đến có tài liệu hướng dẫn dùng dịch chuối để cung cấp dinh dưỡng cho cây. Đọc tài liệu rồi làm thử nghiệm, đem tưới lên chính cây mình trồng. Vật lộn cả năm trời, hốc hác cả người rồi chế phẩm hữu cơ "Humic cười" cũng thành công" - Xuân Trường hồn nhiên khoe. Thì ra không như giang hồ đồn đoán, lão ra bãi sông Hồng làm nông không hề có yếu tố chán đời. Mọi thứ lão đều dự liệu, làm đúng sở thích của mình.
Về duyên nông, lão bộc bạch: "Bạn tính xem, ở tuổi 50 còn chọn cho mình cái gì hợp hơn làm vườn. Vả lại, mấy chục năm trên đường, mình có vốn tư liệu kha khá, mình cũng mong sẽ rảnh hơn để ngồi viết lại một chút. Cũng nói thật, mình mong đến năm 60 tuổi, vẫn khỏe để quay lại cầm máy, cầm bút; tất nhiên khi ấy làm kiểu khác. Mình cần một không gian và thời gian để "xả và lắng", để làm mới, có một chút nghề, vốn để lại cho con đã… Mấy chục năm làm báo có cái gì để ra đâu".
Tôi đùa, "mối tình đầu" học ngành thương mại nó không buông lão. Đi làm báo mấy chục năm, quên hết chuyện thương mại, lại chuyển kinh doanh. Thế vợ con phản ứng ra sao khi ông nhà báo đi làm nông? Trường già cười: "Vợ mình thuộc dạng phụ nữ hiền lành bẩm sinh, luôn tôn trọng chồng. Con mình lại rất tin bố. Hôm mình "được" sa thải, cháu cũng có mặt chứng kiến, nó cười ngất".
Lên mạng "săn" khách hàng
Thực tế, Xuân Trường tiếp xúc mạng xã hội chậm hơn một số bạn bè đồng nghiệp. Thế nhưng khi đi làm nông, lão lại là "vua ngồi mạng". Có lẽ ban đầu buôn bán, tính cách "gàn" nhưng lão chân thành, giao tiếp chan hòa nên được nhiều người quý mến. Bạn bè chính là những khách hàng đầu tiên; sau nhờ mạng xã hội "tiếp tay", khách hàng cứ thế lan dần, tỏa dần. Giờ thì nhiều mặt hàng lão sản xuất không kịp đơn khách đặt. Thôi thì để chính lão tự sự về chuyện tiếp cận và bán hàng trên mạng xã hội: "Mình bắt đầu gượng dậy, ban đầu từ những bạn bè cũ, rồi bạn mới. Hàng bắt đầu bán được, đã có những người tin mình dù chưa bao giờ gặp nhau. Đến cuối năm, dù khó khăn còn ngập tràn nhưng mình biết: Đã sống rồi".
Theo Xuân Trường, chuyện khó khăn của một "tay ngang" đi khởi nghiệp nghề nông thì vô vàn. Thế nhưng đã quyết "chơi" thì phải tìm mọi cách để giải quyết bài toán sản xuất - kinh doanh. Gần đây, tôi thấy anh lại cùng nhóm bạn bè Hà Nội mày mò nhập giống cây thuốc bồ công anh về gieo trồng để… làm từ thiện.
Đây lại là câu chuyện tình cờ mang phong cách Xuân Trường: "Có ngày, chốt được mấy chục đơn hàng về rau thuốc. Mừng. Những luống rau thuốc đang thoát dần "chế độ bao cấp" để tự sống. Mừng. Nhưng lạ, không hề thấy vui, lòng cứ trĩu nặng. Mình biết, trả tiền cho những đơn hàng này, rất nhiều người đang vật lộn, không phải chỉ với sức khỏe mà cả với những đồng tiền luôn ít ỏi trong chặng đường rất dài chiến đấu với bệnh ung thư. Rau thuốc của mình, đắng hơn bình thường. Nhưng khách hàng của mình chỉ quan tâm đến vị đắng. Các bạn ấy không cần đến ngọt, dù là ngọt hậu của vị giác. Cái các bạn ấy cần là vị ngọt hậu của cuộc sống. Với cây thuốc đắng, chủ yếu mình dành tặng bệnh nhân khó khăn, để cùng nhau hy vọng sẽ thành được vị ngọt hậu đích thực từ cuộc đời".
Chạy ra hướng dẫn mấy nhân công mới đang băm chuối ủ phân, Xuân Trường lại chui vào cái lều ngồi soi máy tính. Lão gục gặc vẻ nghiêm túc: "Mình bây giờ chẳng còn sợ gì. À, còn sợ một ít… tiền nợ nhưng đã có lộ trình giải rồi. Mình chỉ cần kinh doanh đủ mỗi tháng một suất lương cho mình sống, một khu vườn cho mình ngồi viết lách!".
Nhà báo Đoàn Thế Lập (nguyên phóng viên TTXVN) nhìn nhận: "Xuân Trường là người làm báo dấn thân, đạt nhiều thành tựu. Khởi nghiệp làm nông lại là một cuộc dấn thân khác của anh. Dẫu khó khăn nhưng anh vẫn quyết liệt với nông sản hữu cơ, rau củ quả sạch. Anh đã bào chế thành công nước tưới dinh dưỡng Humic dành cho người trồng rau hoa cây kiểng... Anh em rất nể tính cách dám làm của Xuân Trường, làm đến cùng bất cứ việc gì".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.