Trong ký ức tuổi thơ, tôi còn nhớ như in, cứ độ trước tết khoảng tháng 10 âm lịch là ba tôi chuẩn bị lên liếp trồng dưa hấu. Và, khi dưa đơm hoa, kết trái, ba dùng dao cắt bỏ bớt những trái nhỏ, chỉ chừa lại một dây 1 trái mà thôi. Tôi lấy làm ngạc nhiên hỏi, và ba ôn tồn giải thích: “Để trái dưa to, không bị đèo, phải loại bớt để dây đủ sức nuôi trái”. Thế là, má mang rổ ra ruộng nhặt những trái loại bỏ đi mang về nhà chế biến món ăn. Có khi ăn không hết, má mang ra chợ bán lấy ít tiền đổi những vật dụng khác.
Loại dưa hấu non tuyển bỏ nầy ruột có màu đỏ dợt pha lẫn trắng, và người dân miền Đồng bằng sông Cửu Long quê tôi gọi là dưa hường (còn có tên: dưa hồng, dưa canh, dưa hấu non).
Dưa hường được bán tại chợ.
Dưa hường có tính mát, vị ngọt hơn dưa leo, bí đao. Theo các nhà khoa học, dưa hường có: 95% nước, 0,60% protid, 0,11% lipid, 3,72% glucid, và các khoáng chất khác. Theo y hoc dân gian, dưa hường có vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh phế, nhuận tràng, giải khát, lợi tiểu, phòng tránh nắng trong mùa hè.
Tuy là loại thứ phẩm, kích cỡ không đồng đều (to cỡ quả cam, hoặc lớn hơn cổ tay một chút), nhưng được các bà nội trợ miền Tây ưa thích trong việc chế biến các món ăn (Giá hiện nay ở Cần Thơ khoảng 10.000 - 12.000 đ/kg). Có nhiều món ăn khá hấp dẫn như: dưa hường nấu canh tép, dưa hường kho cá rô đồng, cá lóc (hoặc xắt thành sợi phơi khô để dành kho cá) v.v… Nhưng ấn tượng nhất trong tôi những ngày chớm lạnh nầy là dưa hường nấu canh tép và vỏ dưa hường kho cá rô đồng.
Chế biến món dưa hường nấu canh tép thật dễ dàng. Tép bạc đất, má mua ở chợ về làm sạch lột vỏ để ra rổ cho ráo; dùng dao đập dập tép (để tép ra hết chất ngọt khi nấu). Dưa hường gọt vỏ, rửa sạch cắt vừa miếng gắp. Lửa hồng đã chuẩn bị, trước hết, má bắc chảo lên bếp phi mỡ, tỏi thơm, cho dưa hường và tép (đã sơ chế) vào xào sơ cho ngấm. Tiếp đến, má đổ nước lạnh vừa đủ vào nồi rồi đun với ngọn lửa liu riu. Chờ nước sôi bùng lên, thịt tép săn lại, dưa hường vừa chín tới (đừng để dưa chín quá, mất ngon!). Cuối cùng, má cho một ít bột ngọt, nước mắm nêm vừa khẩu vị cùng một ít rau cần (hoặc hành lá xắt khúc) vào, nhắc xuống. Trước khi múc ra tô, má cho vào một ít tiêu xay, chuẩn bị một dĩa nước mắm nguyên chất cùng vài trái ớt hiểm nữa là xong!.
Dưa hường nấu canh tép.
Còn món dưa hường kho cá rô đồng, tuy đơn giản nhưng phải có sự chuẩn bị từ trước. Dưa hường sau khi hái về gọt vỏ, xắt miếng rửa sạch (hoặc để vỏ, nếu dưa quá non, khi kho sẽ giòn ngon). Trước hết, cá rô đồng mua ở chợ về làm sạch, để ráo. Cho cá rô vào nồi, ướp gia vị (nước mắm, đường, bột ngọt, tiêu …) để ngấm chừng 5 phút. Cho dưa hường, cá rô (đã sơ chế) vào nồi cùng một ít nước lạnh (vừa đủ) bắc lên bếp đun với ngọn lửa liu riu cho đến khi nước gia vị ngấm vào dưa và cá rô nứt da là chín!. Nêm nếm gia vị lần cuối, thêm nhúm hành lá xắt nhuyễn (hoặc ngò rí), một ít tiêu xay, nhắc xuống múc ra tô cũng chuẩn bị một dĩa rau xà lách để chấm nữa, là xong!...
Cá rô đồng kho dưa hường thơm ngon hấp dẫn.
Trong không khí se se lạnh của những ngày đông, bữa cơm đạm bạc được dọn lên bàn với 2 món dân dã khó quên: dưa hường nấu canh tép và dưa hường kho cá rô đồng thơm lừng và đầy hấp dẫn!. Gắp một miếng thịt cá rô lẫn miếng dưa hường kho cùng vài miếng cài xà lách đưa lên miệng nhai chậm rãi, sẽ cảm nhận vị giòn ngọt, và mùi thơm đặc trưng của dưa hường. Và một miếng cơm nóng có chan vài muỗng nước canh dưa hường nấu tép vào chén “húp” một cái, mọi mệt nhọc, lo toan hầu như tan biến, thật sảng khoái!...
Nếu có dịp đến miền Tây, mời bạn hãy khám phá cho được những món ngon từ dưa hường, tôi đoan chắc bạn sẽ luyến nhớ mãi nơi quê hương miền Tây hiền hòa và mến khách nầy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.