Người dùng facebook đừng tự biến mình thành “gà”

Hoàng Linh Thứ năm, ngày 07/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Chiêu thức ưa dùng của những kẻ háo danh và bất chấp tất cả để câu view hiện nay là đánh tâm lý, nhắm vào xúc cảm cộng đồng và tình người.
Bình luận 0

Thông minh, nhanh nhạy, nhiều bộ óc như …mạng xã hội facebook hóa ra cũng dễ bị lừa. Tuần qua những người dùng mạng xã hội “lên đồng” trong cơn giận dữ vì clip cha dượng đánh con dã man ở Vĩnh Long. Những clip trước đó cùng chủ đề như cha ném con như gấu bông, mẹ vừa tắm vừa “tra tấn con” bằng cách vừa tát vừa vụt ca nhựa vào người mỏi tay vẫn chưa chịu ngưng…như một thứ tình cảm dồn nén là bung xung cơn giận dữ đến tột độ.

Nhưng hóa ra, tất cả đã bị lừa, câu chuyện có thật nhưng xảy ra ở Thái Lan, các clip cùng chủ đề cũng vậy. Chưa hết, tiếp tục là clip một người đàn ông đánh vợ được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội với thái độ bức xúc, một trang mạng xã hội cũng đã đăng tải cho rằng người đàn ông đánh vợ kia đã bị một nhóm giang hồ xử đẹp. Người quay clip cảnh đánh nhau này cũng đã bị nhóm giang hồ kia truy lùng đập đánh luôn.

Thế nhưng, kết quả là không hề có chuyện đó xảy ra. Hình ảnh mà trang mạng xã hội này đăng tải (cảnh nhóm giang hồ đánh anh quay clip kia) chỉ là một vụ việc khác đã xảy ra trước đó tại một siêu thị bị lấy ra để gán ghép vào câu chuyện này nhằm câu view.

Còn tuần trước nữa, cả xã hội run sợ, hoảng hốt trước tin đồn về bắt cóc trẻ em. Dồn dập, hết trẻ em bị cướp trên tay ở quận này đến trẻ em bị “gây ảo giác” đem từ quận này bỏ sang quận khác, tỉnh thành nào cũng có, rồi trẻ em bị bắt sẽ bị thế này, thế nọ…Nhiều trường mầm non phải trương bảng thông báo kêu gọi phụ huynh phải giữ con cẩn thận và tăng cường an ninh ở trường.

Nhưng công an Hà Nội, TP HCM vào cuộc điều tra mới rõ từ đầu năm 2016 đến nay không có vụ bắt cóc trẻ em nào tại Hà Nội và TPHCM đồng thời tìm ra những người tung tin trên mạng xã hội, họ thú nhận tung tin để câu like mà thôi. Thậm chí điên rồ đến độ, có kẻ tung tin đe dọa đặt bom để câu like nhằm bán… lông mi giả.

img

Kẻ dọa đặt bom để câu like nhằm bán lông mi giả đã bị bắt và đưa ra xét xử.

Không xa lắm vào đầu năm nay, chủ tài khoản “Tùng Lò Gạch” đã bị xử phạt 12,5 triệu đồng vì hành vi đăng tải tin vịt bắt cóc trẻ em tại TP Thái Nguyên lấy nội tạng với gần 3.000 lượt chia sẻ trên mạng xã hội facebook.

Phạt vẫn không làm những kẻ tung tin chùn tay, hoặc chỉ làm cho cá nhân người bị phạt sợ mà thôi, mức lợi nhuận từ bán hàng online và thói háo danh đã làm cho không ít người không dừng lại mà ngày càng trượt dài trong mê muội.

Tôi vừa làm một việc chưa từng làm là xóa kết bạn vài người vì quá…sợ. Họ đưa lên trang cá nhân của mình những hình ảnh thai nhi bị vứt bỏ, đỏ hỏn, đã quá kinh, không dừng lại mà còn có thêm cả cảnh tắm rửa cho hai thai nhi đã chết còn dính nhau nhớt, cuống rún… như ta rửa lạng thịt heo…

Tận cùng của sự dã man, xen giữa các dòng chia sẻ kinh dị là quảng cáo… bán đồng hồ, mắt kính và thời trang. Lướt qua các trang cùng nội dung “kinh dị”, “thương tâm” khác thì thấy cũng tương tự, xen giữa các dòng chia sẻ “hấp dẫn” là quảng cáo bán hàng thời trang.

Chiêu thức ưa dùng của những kẻ háo danh và bất chấp tất cả để câu view hiện nay là đánh tâm lý, nhắm vào xúc cảm cộng đồng và tình cảm tốt đẹp của con người là tình người, tình cảm gia đình…sự đùm bọc, đồng cảm…trước các hoàn cảnh thương tâm hoặc bị ngược đãi.

Những thông tin loại này theo quy luật tâm lý sẽ lan truyền cực nhanh và khi tán phát rồi khó ngăn lại, kể cả khi truyền thông cảnh báo “thông tin sai” thì cũng cần có thời gian để “tẩy rửa” thì tin đồn mới hạ nhiệt, khi đó hậu quả khôn lường đã phát sinh.

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ nói với truyền thông về một vấn đề đang lưu ý cũng là biện pháp ngăn ngừa tin đồn nhảm, tin đồn có chủ ý lan truyền là trách nhiệm xã hội của người dùng mạng xã hội: “Cách thức sử dụng mạng xã hội của mọi người khác nhau: dùng mạng xã hội, lướt mạng xã hội hay chơi mạng xã hội…tương ứng với trách nhiệm của họ khi đăng tải một thông tin nhất định lên đó. Khi biết thông tin mình đưa lên không chính xác thì người dùng cũng nên sử dụng chính mạng xã hội để nói lời xin lỗi nhằm thông báo cho mọi người và giảm bớt phần nào hậu quả gây ra”.

 Được hỏi ý kiến, các chuyên gia đều thống nhất rằng bảo vệ tính đúng đắn của thông tin cũng là bảo vệ chính mình và cộng đồng, hãy dừng lại và suy nghĩ trước khi quyết định bấm like, share hay comment với những thông tin như trên và thông tin có thể có “vấn đề” khác.

Nói cách khác, người dùng mạng xã hội facebook đừng tự biến mình thành “gà” để cho các trang mạng bán hàng online sử dụng như một công cụ để quảng cáo cho công việc kinh doanh của họ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem