60% trong tổng các dòng thuế Việt Nam phải cắt giảm theo cam kết khi gia nhập WTO. Khi đó hàng hóa nước ngoài sẽ ngập tràn Việt Nam, trong khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang được đánh giá là thua xa nước ngoài...
Thông tin này được TS Phạm Văn Chắt - báo cáo viên Bộ Công Thương về hội nhập kinh tế quốc tế, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế VN, lưu ý trong hội thảo về các cam kết với WTO, tổ chức sáng 16.5 tại TP.HCM.
|
Công nghệ lạc hậu, nhân công tay nghề thấp là điểm yếu của doanh nghiệp VN (Ảnh minh họa). |
Theo lộ trình cắt giảm thuế mà VN cam kết khi gia nhập WTO thì từ năm 2012 VN phải cắt giảm khoảng 60% dòng thuế (gồm 11.000 dòng). Bình quân mức cắt giảm từ mức hiện hành 17,2% xuống 13,4%, thực hiện dần từ năm 2012 - 2014. Trong đó rất nhiều sản phẩm của ngành công nghệ thông tin cắt giảm thuế còn 0%. Với hàng công nghiệp, mức thuế bình quân giảm từ 16,1% xuống 12,6%. Hàng nông sản giảm từ 25,2% còn 20,9%, thực hiện ngay trong năm 2012... Riêng mặt hàng thịt, nhiều sản phẩm phải cắt xuống còn 8%.
Điều mà ông Chắt bày tỏ lo ngại là giá cước vận tải, xăng dầu đã được Nhà nước cho thực hiện theo giá thị trường và không còn cho độc quyền. Từ 1.6 tới sẽ thực hiện giá điện theo giá thị trường. Về nông sản, Chính phủ cũng đã cho phép DN nước ngoài được quyền mua lúa gạo, cà phê trực tiếp tại Việt Nam (tháng 4.2011, DN đã mua hơn 60% lượng cà phê có tại Tây Nguyên)... “
Nhưng “cao điểm” nhất là đầu năm 2012 ta phải cắt giảm 60% các dòng thuế. Khi đó hàng hóa nước ngoài sẽ ngập tràn VN. Như thế, sống chết gì chúng ta cũng chỉ còn có 7 tháng để chiếm lĩnh thị trường" - ông Chắt cảnh báo.
Thế nhưng, theo đánh giá mới nhất của Chính phủ sau 4 năm VN gia nhập WTO thì năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam đang thua xa DN nước ngoài, thể hiện ở 6 điểm yếu: Thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực có trình độ, trình độ quản trị thấp, công nghệ lạc hậu, thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất các ngành chủ yếu (như may mặc, điều, tôm...) và trình độ marketing còn thấp.
Thêm vào đó, các DN Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị mất dần thị trường phân phối vào tay DN nước ngoài, trong khi hoạt động xuất khẩu bị làm khó với nhiều hàng rào kỹ thuật mới được đặt ra... Theo TS Chắt, không khắc phục được những yếu kém này, DN nội không những mất thị phần mà có thể đổ vỡ.
Ngọc Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.