Những chiếc xe phơi mưa nắng vì giãn cách xã hội, doanh nghiệp vận tải "sống lay lắt"

Thế Anh Thứ hai, ngày 09/08/2021 12:30 PM (GMT+7)
Những ngày qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đang phải "sống lay lắt" vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến cho 100% phương tiện chở khách phải nằm "đắp chiếu" tại các bãi xe của doanh nghiệp.
Bình luận 0

Doanh nghiệp vận tải "gánh lỗ"

Nhìn những chiếc xe nằm tại bãi mà chưa biết rõ ngày hoạt động trở lại, chủ các doanh nghiệp đều lo lắng, trong lòng như "lửa đốt" vì đứng trước nguy cơ phá sản. Để "cắt lỗ", đa phần các doanh nghiệp đều phải ngậm ngùi cắt giảm nhân công để tiết giảm chi phí.

Có thể thấy, chưa khi nào mà các doanh nghiệp, nhà xe vận tải hành khách lại rơi vào tình trạng khó khăn như hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại trong vòng 2 năm qua. Sản lượng hành khách sụt giảm gần như là 100%, lượt xe chạy cũng giảm do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Chính phủ.

Doanh nghiệp vận tải "sống lay lắt" nguy cơ phá sản - Ảnh 1.

Nhiều xe khách tạm dừng hoạt động cũng phải nằm "dầm mưa dãi nắng" tại bến xe. Ảnh: Phạm Hưng

Sức chống đỡ sau nhiều lần dịch bệnh cũng đã cạn dần, một số doanh nghiệp, nhà xe phải dừng hoạt động, cho xe nằm bãi, doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động; kéo theo đó là lao động mất việc làm, cuộc sống lâm vào cảnh khó khăn...

Thực tế, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều thực hiện nghiêm các giải pháp chống dịch của Chính phủ như ngưng dịch vụ vận chuyển hành khách một số tuyến, hạn chế số lượng chở khách… Khó khăn của các doanh nghiệp ngày càng tăng lên qua các đợt dịch liên tiếp đã khiến cho doanh thu của các doanh nghiệp vận tải, bến xe sụt giảm nghiêm trọng.

Tại Hà Nội, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm cho biết: "Hiện nay, bến xe gần như là tạm ngưng hoạt động theo chỉ thị của thành phố và Chỉ thị 16 của Chính phủ. Các doanh nghiệp vận tải hành khách đã phải tạm dừng hoạt động do không các khách. Đây là bối cảnh chưa từng kể từ khi Bến Nước Ngầm đi vào hoạt động".

Doanh nghiệp vận tải đối mặt với phá sản

Đến nay, các Hiệp hội vận tải của các địa phương đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT có những giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Theo ông Khúc Hữu Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hải Phòng thông tin, qua các đợt dịch, nhiều doanh nghiệp vận tải hành khách, bến xe giảm trung bình 70-90% doanh thu.

Nhiều đơn vị phải dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, khiến sản lượng hành khách sụt giảm mạnh dẫn đến thu không đủ chi, doanh nghiệp không có nguồn để trả gốc và lãi vay ngân hàng, các khoản chi phí khác để duy trì hoạt động. Nhiều doanh nghiệp hiện có nguy cơ phá sản và người lao động mất việc làm do dịch bệnh và khó khăn kinh tế.

Doanh nghiệp vận tải "sống lay lắt" nguy cơ phá sản - Ảnh 2.

Bến xe Nước Ngầm rơi vào cảnh "vườn không nhà trống". Ảnh: Phạm Hưng

Trước những khó khăn này, Hiệp hôi Vận tải Hải Phòng đã kiến nghị Bộ GTVT và các ngành có liên quan giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 12 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe; giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ôtô đăng ký mới để kinh doanh vận tải. Đối với các doanh nghiệp vận tải, bến xe còn nợ đọng bảo hiểm xã hội, đề nghị cho doanh nghiệp được giãn nộp số nợ đến 31.12.2021 (không tính lãi nộp chậm).

Tương tự, Sở GTVT tỉnh Nam Định cũng đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách đến các tỉnh, thành phố gồm: TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Bắc Ninh, Bắc Giang, Tây Ninh, Quảng Ninh, Cà Mau và Vinh (Nghệ An).....

Sở GTVT theo dõi nếu phát hiện các phương tiện cố tình hoạt động sẽ có biện pháp xử lý. Phòng Quản lý Vận tải - Phương tiện và người lái (Sở GTVT tỉnh) sẽ thu hồi phù hiệu "xe tuyến cố định" của các phương tiện hoạt động trên các tuyến liên tỉnh đi/đến các tỉnh, thành phố có dịch nêu trên...

Do đó, các doanh nghiệp vận tải Nam Định cũng đang rơi vào tỉnh cảnh khó khăn chưa từng có. Một số doanh nghiệp "than thở", nếu dịch kéo dài sẽ có nhiều doanh nghiệp phá sản, đứng trước nguy cơ nợ nần do phải "gánh" lãi vay, chi trả các loại phí duy trì doanh nghiệp.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, cảm thông những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp trong thời gian vừa qua.

Chính vì vậy, trong khả năng của mình, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã rất cố gắng tạo điều kiện tốt nhất hỗ trợ các doanh nghiệp về cơ chế chính sách để duy trì, phục hồi và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức và cần có giải pháp tháo gỡ để phục hồi sản xuất. Chính vì vậy, Hội nghị này là dịp quan trọng để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội, các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Tinh thần chung là phải đánh giá thực chất, khách quan, toàn diện những khó khăn, thách thức của doanh nghiệp; phân tích kỹ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và tìm cho được các giải pháp tháo gỡ cụ thể, thiết thực, hiệu quả trong tình hình cấp bách hiện nay cũng như lâu dài. Chúng ta cố gắng chia thành nhóm vấn đề để giải quyết cụ thể và toàn diện.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem