|
Các học viên đang nghe phổ biến những thông tin về chính sách, chế độ học nghề tại buổi khai giảng. |
Ngày 26-7, tại huyện Đông Anh, Hà Nội, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm T.Ư Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức khai giảng 4 lớp dạy nghề hướng tới những người này.
Học bài bản, làm yên tâm
Ở thôn Phương Trạch, xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, ai cũng biết chị Nguyễn Thị Kim Thoa là người nuôi gà giỏi. Trước kia, gia đình chị nuôi gà đẻ, 4 năm nay chuyển sang nuôi gà ác (loại gà để nấu thuốc Bắc và làm lẩu) với quy mô hàng ngàn con/lứa.
"Trại gà hàng đống việc, nhưng tôi vẫn quyết bỏ ra 3 tháng theo học lớp kỹ thuật chăn nuôi gia cầm. Tiếng là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, nhưng việc nuôi gà trước nay tôi chỉ áp dụng những kiến thức, kinh nghiệm chắp vá. Tôi muốn học hành một cách bài bản, có hệ thống, tự tay tiêm phòng được cho đàn gà..." - chị Thoa cho hay.
Cũng như chị Thoa, anh Nguyễn Viết Ánh là một nông dân nổi tiếng về trồng quất cảnh ở xã Tàm Xá. Hiện nay, gia đình anh có tới 12 sào quất cảnh. Anh cho biết: "Cách đây 4 năm, khi quyết định chuyển từ trồng ngô sang trồng quất cảnh, tôi phải thuê thợ ở Văn Giang (Hưng Yên) về kèm cặp cho cả năm trời. Nhưng thợ giỏi cũng chỉ truyền đạt cho mình kinh nghiệm, tôi muốn có kiến thức và kỹ thuật chăm sóc quất cảnh nên mới đăng ký tham gia lớp trồng cây cảnh...".
Khác với anh Ánh, chị Thoa, anh Nguyễn Đăng Thơm (ở xã Tiên Dương) lại đăng ký học lớp quản lý trang trại. Lý do anh đăng ký theo học lớp này là để biết các kỹ năng sắp xếp lại công việc, hạch toán trong sản xuất để áp dụng vào trang trại của gia đình: "Trang trại của gia đình tôi làm theo mô hình tổng hợp, trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia cầm, thuỷ sản. Hy vọng, qua lớp học về quản lý trang trại, tôi có thể sắp xếp, tổ chức lại sản xuất có hiệu quả hơn...".
Học theo nhu cầu
4 lớp dạy nghề ngắn hạn cho nông dân do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) khai giảng tại huyện Đông Anh thu hút 117 học viên. Có 3 nghề được nông dân đăng ký học là kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng hoa cây cảnh và quản lý trang trại. Các nghề đưa vào dạy đợt này đều căn cứ vào nhu cầu của nông dân và dựa vào quy hoạch sản xuất, thế mạnh của ở mỗi địa phương.
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg. Theo đó, Hà Nội phấn đấu 100% cán bộ chủ chốt từ cấp xã đến thành phố được phổ biến Quyết định 1956; 100% xã, phường có lao động nông thôn tiến hành tuyên truyền những nội dung cơ bản của đề án và các văn bản của thành phố. Phấn đấu để có 6.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề nông nghiệp, phi nông nghiệp.
Chẳng hạn, với xã Tàm Xá và Đông Hội-nơi đang thực hiện chuyển đổi từ trồng ngô, các loại cây màu sang trồng hoa cây cảnh thì Trung tâm ưu tiên mở lớp dạy trồng hoa cây cảnh. Xã Vĩnh Ngọc - nơi có phong trào chăn nuôi gia cầm mạnh thì ưu tiên mở lớp kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Ông Trần Minh Phường - Chủ tịch Hội ND xã Tiên Dương cho biết: "Các năm trước, Hội Nông dân TP. Hà Nội đã mở các lớp dạy nghề trồng rau an toàn, chăn nuôi thú y, nuôi thuỷ sản ở xã Tiên Dương. Nay chúng tôi căn cứ vào nhu cầu của nhiều chủ trang trại, gia trại nên đăng ký mở lớp dạy quản lý trang trại. Hiện toàn xã Tiên Dương có khoảng hơn 40 chủ trang trại, gia trại. Nhiều chủ gia trại chăn nuôi gà với quy mô lớn, từ 1.000-8.000 gà thịt, gà đẻ...".
Băn khoăn của nhiều học viên tại buổi khai giảng là cách thức truyền đạt, giảng dạy của giáo viên có phù hợp với trình độ của nông dân hay không.
Về vấn đề này, ông Phan Việt Đông - Phó Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Đào tạo (Trường Đại học Nông nghiệp I, Hà Nội) nói: "Cách dạy nông dân của chúng tôi trước nay đều theo nguyên tắc là giảm thời lượng giảng lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, thực nghiệm ngay tại ruộng, vườn, chuồng trại, chú trọng đến kỹ năng của học viên. Kết thúc khoá học, học viên có thể tham quan mô hình sản xuất ngay trên địa bàn huyện Đông Anh...".
Nguyễn Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.