Quảng Ngãi: Tăng thu nhập, giảm nghèo với mô hình nuôi heo bản địa

Đồng Xuân (Hội ND Quảng Ngãi) Thứ ba, ngày 11/10/2022 13:15 PM (GMT+7)
Năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi heo bản địa sinh sản” ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng.
Bình luận 0

Mô hình nuôi heo bản địa tạo sinh kế cho nông dân nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương trong việc phát triển các sản phẩm đặc thù, nhất là giống heo đen ở địa phương gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo định hướng “mỗi xã một sản phẩm” của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ngãi. 

Năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi heo bản địa sinh sản” ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng. Mô hình này đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương...

Quảng Ngãi: Tăng thu nhập, giảm nghèo với mô hình nuôi heo bản địa - Ảnh 1.

Từ con heo đen giống được hỗ trợ ban đầu, mỗi năm có thêm từ 3 - 5 hộ nông dân nghèo được nhận heo giống của mô hình nuôi heo bản địa để phát triển chăn nuôi, tạo thu nhập cho gia đình.

Nhằm đẩy mạnh công tác Hội và phong trào nông dân ở các huyện miền núi trong tỉnh, góp phần vào công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới; năm 2019, Hội Nông dân tỉnh tranh thủ từ nguồn hỗ trợ kinh phí của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để đầu tư, xây dựng mô hình nuôi heo bản địa nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế hộ cho hội viên nông dân nghèo xã Trà Phú, huyện Trà Bồng. 

Qua 3 năm triển khai, mô hình đạt được những kết quả đáng khích lệ, mang lại niềm vui lớn cho hội viên nông dân là dân tộc thiểu số nơi đây.

Xã Trà Phú là 1 trong số 9 đơn vị hành chính cấp xã của huyện Trà Bồng thuộc diện đặc biệt khó khăn. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và có nghề chăn nuôi heo đen truyền thống (còn gọi là heo kiềng sắt, heo cỏ). 

Loại heo này có chất lượng thịt thơm ngon, ngọt và tỷ lệ thịt nạc cao, hiện đang được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên trong những năm trước, việc chăn nuôi chủ yếu do tự phát, quy mô không ổn định nhất là nguồn giống chưa đảm bảo cùng với việc thiếu vốn đầu tư chuồng trại, chủ yếu theo kinh nghiệm, tập quán chăn nuôi thả rông nên hiệu quả kinh tế không cao và ảnh hưởng tới môi trường sống của người dân.

Vì vậy để nâng cao nhận thức, tạo sinh kế cho nông dân nghèo, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương trong việc phát triển các sản phẩm đặc thù, nhất là giống heo đen ở địa phương gắn với phát triển chuỗi giá trị sản phẩm theo định hướng “mỗi xã một sản phẩm” của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở tỉnh ta. Năm 2019, từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai thực hiện mô hình “Phát triển chăn nuôi heo bản địa sinh sản”.

Quảng Ngãi: Tăng thu nhập, giảm nghèo với mô hình nuôi heo bản địa - Ảnh 3.

Heo đen bản địa từ dự án sau khi tách đàn, các hộ nông dân chuyển qua nuôi thương phẩm

Theo đó, mô hình đã hỗ trợ 120 con heo giống cho 20 hộ nông dân nghèo và cận nghèo ở xã Trà Phú; mỗi hộ được nhận 5 con heo cái và 1 con heo đực (từ 8 – 10kg/con); nguồn giống heo bản địa tại địa phương, đã qua chọn lọc và tiêm đầy đủ các liều vắc xin cơ bản, đồng thời mỗi hộ còn được hỗ trợ 90kg thức ăn tinh (cám viên) ban đầu khi cấp heo; tổng trị giá thực hiện mô hình này hơn 300 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh còn mở hai đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc và kiến thức phòng, điều trị các bệnh thông thường cho heo nhằm tiết kiệm chi phí chăm sóc và đàn heo phát triển tốt, nâng cao lợi nhuận cho các hộ chăn nuôi. 

Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, sau khi cấp phát con giống, Hội Nông dân tỉnh thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc Hội Nông dân huyện và Hội Nông dân xã theo dõi, kiểm tra và cùng cán bộ Hội Nông dân xã thường xuyên đến tận nhà của các hộ nuôi heo để động viên, giúp đỡ và hướng dẫn cách thức chăm sóc và cách phòng, trừ dịch bệnh cho heo…

Nhờ vậy mà số lượng heo hỗ trợ đều phát triển tốt, ít dịch bệnh, điển hình như thôn Phú Hòa có 6 hộ được cấp 30 con heo cái và 06 con heo đực giống ban đầu, đến nay số lượng heo đã được các hộ chọn lọc, nhân đàn lên gần 50con nái sinh sản tốt.

Điều đáng ghi nhận là sức lan tỏa từ mô hình này rất cao theo tinh thần “đoàn kết, tương trợ, giúp nhau thoát nghèo”, năm 2021, Hội Nông dân xã đã vận động 04 hộ chăn nuôi của mô hình chọn mỗi hộ 1 con nái giống để tặng cho hộ nghèo trong thôn và chia sẻ kinh nghiệm để họ phát triển chăn nuôi, nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Qua kiểm tra cho thấy, sau 3 năm triển khai mô hình đến nay đã có 13/20 hộ còn duy trì giống heo bản địa này với tổng số lượng lên đến 127 con. Hầu hết số hộ này đã được bồi dưỡng kiến thức về công tác thú y tại nhà cũng như kinh nghiệm trong chăn nuôi heo nái bản địa, họ tự tiêm phòng vắc xin cho heo, mua tinh về tự tay phối giống cho heo khi heo đến ngày động đực và tự mua thuốc về tiêm cho heo khi có các triệu chứng bệnh thông thường,…Nhờ đó mà các hộ tiết kiệm được nguồn chi phí trong chăn nuôi, lợi nhuận cũng được nâng cao hơn.

Quảng Ngãi: Tăng thu nhập, giảm nghèo với mô hình nuôi heo bản địa - Ảnh 5.

Chị Đào Thị Hải ở Thôn Phú Hòa, xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đang chăm sóc đàn heo mới sinh.

Chị Đào Thị Hải ở thôn KDC 2 thôn Phú Hòa nói: "Mình vui lắm, nhờ Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ heo giống, bữa nay nhà mình đã có 7 con heo nái giống , con nào cũng sinh sản tốt, khỏe mạnh. Bình quân 1 con nái đẻ từ 20 – 25 con heo con mỗi năm, ngoài bán heo giống ra, mình để nuôi thịt, loại heo này thịt rất nạc, thơm và ngọt nên trong các đợt tết thương lái đến tận nhà mua với giá cao gấp 2 – 3 lần so với heo thịt ngoài thị trường. 

Mỗi con heo thịt khi xuất bán có giá từ 2,5 - 5 triệu đồng/con. Nhờ tiền bán heo, cuộc sống gia đình mình khấm khá hơn trước, các con của mình có quần áo và cặp sách mới đến trường, nhà cửa được sắm sửa đầy đủ các vật dụng, như: ti vi, tủ lạnh, xe máy…

Nhìn nụ cười rạng rỡ của những hộ nông dân nghèo này mới thấy được niềm vui khôn tả xiết, cho thấy cách nghĩ, cách làm ở một số hộ nông dân là người đồng bào dân tộc thiểu số đã thay đổi, biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi; Mô hình thực sự đem lại niềm vui lớn cho hội viên nông dân nghèo, tạo mối đồng thuận giữa hội viên nông dân, từ đó đem lại niềm tin của hội viên với Đảng, Nhà nước và nhất là nâng cao vai trò nhiệm vụ, uy tín của tổ chức Hội Nông dân trong phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới.

Đồng chí Trần Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch Phụ trách Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Để mô hình ngày càng được nhân rộng và nâng cao về số lượng cũng như chất lượng, trong thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ chỉ đạo huyện Trà Bồng thường xuyên theo dõi chặt chẽ để kịp thời động viên, giúp đỡ các hộ tham gia mô hình chăm sóc heo theo đúng quy trình kỹ thuật để “nâng tầm” giá trị, chất lượng của sản phẩm thịt heo kiềng sắt theo tiêu chuẩn OCOP trong thời gian tới. 

Từ mô hình này, Hội Nông dân huyện Trà Bồng có kế hoạch nhân rộng mô hình bằng cách lấy 01 con heo cái giống của hộ nuôi thí điểm mô hình đem cấp cho hộ lân cận để bắt chước làm theo. Đồng thời, Hội Nông dân tỉnh sẽ tranh thủ từ nhiều nguồn hỗ trợ để đầu tư, nhân rộng mô hình ra nhiều huyện miền khác, góp phần vào việc bảo tồn nguồn giống heo bản địa và công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương…”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem