Để giải quyết vụ Manila kiện yêu sách Biển Đông của Bắc Kinh, Tòa Trọng tài phải dựa trên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Đệ đơn kiện lên Toà Trọng tài từ năm 2013, Philippines muốn “chọc thủng” bản đồ 9 đoạn của Bắc Kinh. Philippines muốn chứng minh là Trung Quốc không có chứng cứ “lịch sử” để áp đặt chủ quyền với gần hết vùng Biển Đông.
Philippines yêu cầu Tòa lên tiếng trên 15 điểm, liên quan đến một số vấn đề chính. Thứ nhất, tính bất hợp pháp của bản đồ 9 đoạn hay còn gọi là đường lưỡi bò được Trung Quốc sử dụng để đòi hỏi chủ quyền với khoảng 80 % diện tích Biển Đông, con đường huyết mạch cho giao thương quốc tế.
Vấn đề thứ hai là phân loại và xác định quy chế cho các thực thể, để qua đó xác định các vùng biển cho 9 thực thể trong đó có những thực thể nửa nổi nửa chìm, không phải là đối tượng để Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền và chiếm đóng.
Giới chuyên gia dự đoán, sau phán quyết Trung Quốc sẽ gia tăng quân sự hoá Biển Đông.
Vấn đề thứ ba được nêu bật liên quan đến những tác động đối với nghề đánh bắt thủy sản, khai thác dầu khí, những quyền lợi kinh tế, môi trường an ninh hàng hải của Philippines. Cuối cùng Philippines kêu gọi Tòa lên tiếng để Trung Quốc không tuyên bố các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa từ các thực thể trong khu vực quần đảo Trường Sa.
Trung Quốc luôn bác bỏ vụ kiện, cho rằng, Toà Trọng tài không đủ thẩm quyền để xét xử vụ kiện, vì vậy, suốt 3 năm qua Trung Quốc luôn từ chối, né tránh không tham gia.
Tuy nhiên, lý do từ chối của Bắc Kinh không được chấp nhận. Các nhà phân tích cho rằng, phán quyết của Tòa sẽ có lợi cho bên nguyên đơn là Philippines. Chuyên gia về công pháp quốc tế, đại học Leiden, Hà Lan, bà Cecily Rose không loại trừ khả năng, nếu như cán cân công lý nghiêng về phía Manila thì những quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc trong vùng Biển Đông sẽ theo chân Philippines.
Vẫn theo bà Rose, Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng tài vì bản đồ 9 đoạn của Trung Quốc được lập ra đã căn cứ vào những tài liệu có từ những năm 1940.
Những nước làm ngơ hoặc coi thường các phán quyết của Tòa Trọng tài có nguy cơ bị mất uy tín, cộng đồng quốc tế không còn tôn trọng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.