Suýt thành món hàng hóa
Chúng tôi tìm đến nhà sơn nữ Sùng Thị Dao (19 tuổi). Cô mới trở về bản Sa Lai sau một chuyến đi bão táp để tìm hạnh phúc của mình. Phải nói rằng ở cái tuổi “trổ mã”, Dao là một cô gái khá xinh với nước da trắng như hoa mận và đôi mắt đặc trưng của người Mông -sắc tựa dao cau. Nói về việc bị lừa đi lấy chồng, Dao vẫn chưa hết bàng hoàng: “Con gái Mông 19 tuổi như em là đã già rồi đấy. Tuy biết mình không xấu nhưng trong bản ít đàn ông quá, nên cũng khó kiếm được một tấm chồng ưng ý”.
Chị Sùng Thị Dao (trái) may mắn trốn khỏi bọn buôn người. Ảnh: G.T
Thời gian đó, trong bản Sa Lai thường xuất hiện những người lạ mặt lấy cớ đến thăm họ hàng, trong đó có đối tượng nữ tên Dung người Lào Cai. Dung thường la cà ở những chỗ mà các cô gái bản Sa Lai hay thả trâu với nhau để làm quen. Đối tượng này cũng kể mình có nhiều anh trai, anh họ đang muốn tìm vợ. Dung cho Dao xem ảnh anh trai của mình. Cũng do phong tục của người Mông là việc lấy chồng hoàn toàn do người con gái quyết định nên họ sẽ đến nhà người con trai ở trước xong mới báo với bố mẹ sau, để nhà trai đến hỏi cưới. Dao là cô gái mới lớn, đến tuổi lấy chồng, lại nghe những lời đường mật hứa hẹn nếu lấy anh trai Dung sẽ có cuộc sống sung sướng, vì vậy Dao xiêu lòng, quyết định bỏ nhà đi theo Dung mà không kịp nói chuyện kỹ với bố mẹ để bàn bạc.
“Em được Dung đón ở bản rồi bắt xe khách sang Lào Cai. Đợi đến gần tối thì Dung đưa em đi qua sông bằng thuyền, rồi tiếp tục đi xe ô tô 2 ngày nữa. Đi đến tận đâu em cũng không biết. Đến ngày thứ 3 thì chúng em tới một vùng nông thôn. Em được Dung giới thiệu cho một người đàn ông già khoảng 50 tuổi làm nghề lái xe công nông. Chưa kịp định thần thì em thấy Dung và ông già kia tranh cãi qua lại. Em nghe tiếng được tiếng mất thì hình như ông già đó không đủ tiền để cưới em. Dung nguẩy tay tức giận rồi đưa em sang làng bên cạnh, lại giới thiệu em với một ông già khác. Lúc bấy giờ em mới hiểu rằng mình đang trở thành hàng hóa để Dung buôn bán chứ không phải đưa về nhà để se duyên cho em với anh trai Dung” – Dung sợ hãi nhớ lại.
Tuy rất lo lắng nhưng Dao vẫn cố giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng bảo Dung là đã đi khỏi nhà 4 ngày nên muốn gọi điện thoại báo bình an về cho gia đình. Dao đã mượn điện thoại của Dung và gọi về cho anh Páo (là anh trai Dao), cho biết đã bị lừa bán. Anh Páo nói nếu thế thì phải chạy vào đồn công an để trốn.
Dao kể tiếp: “Tiếp đó, Dung đưa em đến một nhà người Mông để ở và giới thiệu cho em người đàn ông tên Vạng, khoảng 30 tuổi, bị liệt 1 tay. Em giả vờ ưng thuận và bảo với Dung là cho em đi chợ, để tìm mua đồ dùng cá nhân. Sáng hôm sau cả Dung và Vạng đều đưa em ra chợ. Lợi dụng lúc 2 người đó sơ hở, em đã chạy trốn vào một đồn công an gần đó. Trong đồn cũng nhiều người nói được tiếng Mông, lúc người ta hỏi chuyện thì em mới biết em đang ở Trung Quốc”.
Sùng Thị Dao đã được công an Trung Quốc nhanh chóng làm những thủ tục cần thiết để đưa em về Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh ở Lạng Sơn. Khi được hỏi về chuyện chồng con, Dao lắc đầu: “Bây giờ em chỉ muốn bình yên ở nhà làm nương, trồng ngô và đợi chồng ở gần đến hỏi chứ không theo ai đi xa núi nữa”.
Lật mặt kẻ buôn người
Anh Mùi Văn Thịnh - Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Xuân cho biết, hiện tượng chị em ở bản Sa Lai bị các đối tượng lạ mặt lừa bán đi trong thời gian qua là vô cùng phức tạp. Lãnh đạo xã đã báo cáo tình hình với cấp trên. Được sự phối hợp với Ban chỉ đạo 2968 (liên quan đến những vấn đề ma túy và an ninh trật tự) của tỉnh Sơn La, cán bộ xã đã tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, vận động bà con để ngăn chặn tình trạng này. “Đáng lưu ý là vụ ngăn chặn cháu Vàng Thị Vang năm 2014” – anh Thịnh cho biết.
" Đa số chị em nghe theo lời dụ dỗ, bỏ nhà, bỏ con ra đi là vì cuộc sống quá khó khan, chồng chết hoặc đi tù vì buôn ma túy. Một mình nuôi 4-5 đứa con nên chị em cảm thấy quá cực khổ, tuyệt vọng”.
Anh Mùi Văn Thịnh
|
Ông Thịnh kể lại, qua công tác vận động quần chúng, kết hợp với việc điều tra, ban Công an xã Chiềng Xuân đã nắm được thông tin có một đối tượng lạ đang tiếp cận, dụ dỗ cháu Vàng Thị Vang (sinh năm 1998) sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao. Xã đã báo cáo tình hình với Công an huyện Vân Hồ đồng thời vận động cháu Vang phối hợp để bắt đối tượng buôn người này.
Tới ngày 27.5.2014, đối tượng đã liên lạc và hẹn đón cháu Vang ở Chiềng Ve, huyện Mai Sơn (cách Chiềng Xuân 40km) để đưa sang Trung Quốc. Công an đã tổ chức hướng dẫn cháu Vang đến điểm hẹn và mật phục bắt được đối tượng buôn người này. Đối tượng khai tên là Sùng Quáng May (sinh năm 1974, trú tại xã Xín Mần, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Đây là một trong những đối tượng chuyên dụ dỗ phụ nữ bản Sa Lai để biến họ thành món hàng hóa nhằm thu lợi bất chính. May đã khai ra đồng bọn của hắn ở bên kia biên giới là Hạng Phát Học, trú tại Mã Quan, Vân Nam, Trung Quốc. Đối tượng này cũng đã bị Công an Trung Quốc bắt để phối hợp với nước ta điều tra về đường dây buôn người.
Qua lời khai của May, công an còn giải cứu được chị Sùng Thị Pàng (SN 1980) cũng bị lừa bán làm vợ người ta. Chị đã phải chịu cảnh hành hạ, bóc lột cả thể xác lẫn tinh thần của kẻ mà chị đã tưởng có thể đem lại hạnh phúc cho chị. Chị được đoàn tụ với 4 đứa con trong cảnh hờn hờn tủi tủi. Sau đó, chị Pàng trở thành “phát thanh viên” tuyên truyền cho bà con, đặc biệt là chị em phụ nữ, hiểu về những cạm bẫy trong lời ngon tiếng ngọt của bọn buôn người.
“Cùng với sự vận động, theo dõi sát sao của chính quyền, tình hình phụ nữ bị lừa bán, bỏ nhà ra đi trong năm nay đã giảm hẳn. Kể từ đầu năm 2015, chưa có trường hợp chị em nào ở đây vượt núi đi theo những kẻ buôn. Sa Lai vẫn còn 40 đứa trẻ bơ vơ, nheo nhóc, chờ đợi mẹ trở về. Những người dân ở lại cũng đã chắc thêm niềm tin về cuộc sống ở quê hương, tuy còn nghèo khó những có gia đình đầm ấm, lối xóm sum vầy.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.